Xuất, nhập khẩu cán đích cả năm

Với kim ngạch đạt 87,2 tỷ USD, xuất khẩu đã chính thức cán đích kế hoạch năm và vượt khá xa so với chỉ tiêu 80 tỷ USD mà Bộ Công Thương đặt ra.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng năm 2011 của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2011 ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 87,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 37,8 tỷ USD, tăng 27,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 49,4 tỷ USD, tăng 40,7%.

Với kết quả này, xuất khẩu đã chính thức cán đích kế hoạch năm nay và vượt khá xa so với chỉ tiêu 80 tỷ USD mà Bộ Công Thương đặt ra cho cả năm.

Tương tự, nhập khẩu cũng về đích kế hoạch, với chỉ tiêu đặt ra là 94 tỷ USD. Theo thống kế, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 là 9,3 tỷ USD, tăng 1,7%.

Như vậy, theo ước tính của các cơ quan chức năng, nhập siêu tháng 11 vào khoảng 700 triệu USD.

Tính chung 11 tháng, nhập siêu là 8,904 tỷ USD, bằng 10,22% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ, con số này đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu phấn đấu 16% của năm nay.

Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do đơn giá bình quân hàng xuất khẩu tăng cao. Điển hình là giá cao su tăng 37,3%; giá hạt tiêu tăng 66,6%; giá cà phê tăng 49,3%; giá hạt điều tăng 45,2%; giá dầu thô tăng 43,6%; giá than đá tăng 17,3%.

Nhiều mặt hàng chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, tăng 28%; dầu thô đạt 6,7 tỷ USD, tăng 51%; giày dép đạt 5,7 tỷ USD, tăng 25,8%; thủy sản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 23,1%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 3,6 tỷ USD, tăng 31,9%; gạo đạt 3,5 tỷ USD, tăng 15,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,3%; cao su đạt 2,8 tỷ USD, tăng 39,2%; cà phê đạt 2,4 tỷ USD, tăng 52,8%.

Từ đầu năm tới nay, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất với 13,9 tỷ USD chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2010. Thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, chiếm 16,8% và tăng 49,3%; thị trường ASEAN đạt 11 tỷ USD, chiếm 14% và tăng 31,6%. Một số thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu lớn như Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD; Nhật Bản đạt 8,5 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tính đến hết tháng 11/2011 đã đạt kế hoạch cả năm, vượt hơn 3 tỷ USD so với kim ngạch năm trước.

Trong tháng 11/2011, cả nước đã thu về khoảng 2 tỷ USD từ xuất khẩu nông lâm thủy sản, trong đó các mặt hàng nông sản chính đạt 895 triệu USD, các mặt hàng lâm sản chính đạt 370 triệu USD, thuỷ sản đạt 650 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 22,6 tỷ USD, so với cùng kỳ  năm 2010 tăng 30,6%.

Về thị trường, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc thu về 4,56 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ với 3,32 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo tháng 11 đạt 450.000 tấn, kim ngạch 260 triệu USD, đưa lượng gạo xuất khẩu 11 tháng lên 6,8 triệu tấn, với giá trị xấp xỉ 3,5 tỷ USD, so với cùng kỳ  năm trước tăng 7,1% về  lượng và 16,7% về giá trị. Giá gạo bình quân tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu gạo của cả năm chỉ có thể ở mức 7-7,2 triệu tấn.

Xuất khẩu cà phê tháng 11 ước đạt 30.000 tấn, với kim ngạch 70 triệu USD, như vậy khối lượng xuất khẩu 11 tháng chỉ  tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 1,1 triệu tấn) nhưng giá trị gấp 1,5 lần (2,3 tỷ USD). Dự báo khối lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2011 ở mức gần 1,19 triệu tấn.

Với mặt hàng cao su, tháng 11 ước xuất 60.000 tấn thu về 225 triệu USD. Lượng cao su xuất khẩu 11 tháng đạt 651.000 tấn, thu về 2,7 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước giảm 4,7% về khối lượng nhưng giá trị  tăng 37,5%. Khả năng xuất khẩu cao su năm 2011 của Việt Nam sẽ dừng ở con số khoảng 3 tỷ USD.

Đối với mặt hàng điều, tháng này xuất 20.000 tấn, kim ngạch 170 triệu USD, đưa xuất khẩu 11 tháng ước đạt 164.000 tấn, thu về 1,4 tỷ USD. So với cùng kỳ  năm trước, xuất khẩu điều giảm 6,7% về  lượng nhưng vẫn tăng 35,4% về giá trị. Do nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng nhu cầu, giá tăng mạnh, gấp 1,5 lần so với năm 2010.

Xuất khẩu tiêu tháng 11/2011 được 6.000 tấn, kim ngạch 40 triệu USD, đưa lượng tiêu xuất khẩu 11 tháng đạt 122.000 tấn, kim ngạch 713 triệu USD, so với cùng kỳ  năm trước lượng tăng 10,5% nhưng giá trị  tăng mạnh, tới 83%. Nhu cầu tiêu tăng mạnh ở hầu hết các thị trường, trong đó đáng chú ý là so với cùng kỳ năm 2010 khối lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng 45,6%, Tây Ban Nha tăng 123,7%, Singapore tăng 83,3%, Ai Cập tăng 74,1%, Pakistan tăng 44,9%.

Thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 19,7% tỷ trọng giá trị xuất khẩu tiêu. Ước tính khối lượng hồ tiêu xuất khẩu năm 2011 của Việt Nam ở mức gần 139.000 tấn với trị giá hơn 864 triệu USD.

Trong lĩnh vực lâm sản, ước kim ngạch xuất khẩu tháng 11 đạt 350 triệu USD, đưa kim ngạch từ đầu năm đến nay lên con số 3,5 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Mỹ tiếp tục duy trì là bạn hàng đứng đầu chiếm hơn 1/3 giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ.

Thủy sản đang hướng tới kỷ lục mới về kim ngạch, nhận định lạc quan này căn cứ trên kết quả xuất khẩu tháng 11 đạt 650 triệu USD, đưa kim ngạch 11 tháng lên 5,6 tỷ USD, tăng 24,9% so cùng kỳ  năm trước. Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện đang tiếp tục tăng mạnh, hiện đã lên tới mức 28.500-29.000đồng/kg. Dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2011 sẽ giữ vững ở mức hơn 6 tỷ USD.

Cùng với kim ngạch xuất khẩu tăng, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước 11 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,2%; xăng dầu đạt 9,2 tỷ USD, tăng 67,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,5 tỷ USD, tăng 39,5%; vải đạt 6,1 tỷ USD, tăng 27%; chất dẻo đạt 4,3 tỷ USD, tăng 26,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 13,5%; hóa chất đạt 2,4 tỷ USD, tăng 28,9%; sản phẩm hóa chất đạt 2,2 tỷ USD, tăng 18,7%; phân bón đạt 1,6 tỷ USD, tăng 53,9%.

Về thị trường nhập khẩu mười một tháng đầu năm 2011, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 19,6 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường ASEAN đạt 17,6 tỷ USD, tăng 34,5%; Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 36,8%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 16%; EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 20,2%; Hoa Kỳ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 22 %./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên