Xuất, nhập khẩu đều đạt con số kỷ lục

Chốt lại cả năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009; nhập khẩu đạt 84 tỷ USD và tăng 20%.

Với kết quả này, xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt các mốc kỷ lục mới, trong khi nhập siêu giảm 5,2% so với năm 2009.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên mở đầu cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu chiều 30/12 với các con số ấn tượng này và cho biết thêm: Như vậy, năm 2010 khép lại với kim ngạch xuất và nhập khẩu đều tăng trên 10 tỷ USD so với kế hoạch, nhập siêu hoàn thành chỉ tiêu khống chế dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Ấn tượng tháng 12

Sau khi hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất và nhập khẩu vào tháng trước, hoạt động ngoại thương tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 12/2010.

Theo số liệu do Bộ Công thương công bố trong cuộc giao ban xuất nhập khẩu chiều 30/12, kim ngạch xuất khẩu tháng 12 ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 6,9% so với tháng 11.

Nhìn từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu tháng này đạt mức cao nhất trong năm và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó các mặt hàng tăng mạnh là: Cao su tăng 92,8%; hạt điều tăng 50,7%; gạo tăng 42,4%.

Xu hướng này cũng không quá khác biệt so với các năm gần đây. Tháng 12 thường ghi nhận mức tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhẹ, công nghiệp lắp ráp và một số sản phẩm nông sản, nguyên liệu đầu vào đáp ứng các hợp đồng đã ký trước đó. Ngược lại, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, một số sản phẩm tiêu dùng cho dịp cuối năm cũng tăng mạnh.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 71,6 tỷ USD

Tính chung năm 2010, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009.

Đóng góp vào con số kim ngạch xuất khẩu ấn tượng này, khu vực doanh nghiệp FDI có sự phục hồi nhanh hơn các thành phần còn lại và chiếm hơn nửa tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Mức tăng trưởng kim ngạch của khu vực này đạt 27,8%, nếu không kể dầu thô đạt 40,1%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nếu không tính xuất nhập khẩu vàng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có một năm phục hồi khá rõ nét. Trong 8 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu luôn đạt từ 6-7 tỷ USD và nhập khẩu cũng chinh phục các mức khoảng 7-8,5 tỷ USD. Vượt ra ngoài các con số cụ thể này, ngoại thương của Việt Nam dường như đang xác lập mức năng lực tiềm năng mới, cao hơn hẳn so với giai đoạn trước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: So với năm 2009, có thêm 5 mặt hàng mới có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lá hạt điều, xăng dầu các loại, sản phẩm chất dẻo, dây cáp điện và phương tiện vận tải, đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là 18 mặt hàng.

Trong đó, khối lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng tăng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thể hiện quy mô xuất khẩu được mở rộng, giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững. Lượng hàng công nghiệp xuất khẩu tăng lên đã phần nào bù đắp cho lượng hàng khoáng sản xuất xuất khẩu giảm mạnh.

Dệt may năm nay lần đầu tiên đạt kim ngạch 11,2 tỷ USD, đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong 26 mặt hàng chính. Trong khi đó thủy sản với kim ngạch xuất khẩu 4,9 tỷ USD, da giày 5,1 tỷ USD đã vượt qua dầu thô để lên các vị trí trong top 3 mặt hàng có kim ngạch cao nhất.

Có một số thay đổi vị trí, nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm nay vẫn tiếp tục là thiết bị, nguyên liệu đầu vào sản xuất, khoáng sản, sản phẩm công nghiệp nhẹ và nông sản. Tính gia công và giá trị gia tăng thấp vẫn thể hiện trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 11/2010, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 12,8 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này là: dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, thủy sản.

Tiếp đến là thị trường EU đạt 10 tỷ USD, chiếm 13,9% và tăng 15,9% với kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 2 tỷ USD; hàng dệt may 1,64 tỷ USD; thủy sản 1 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 594 triệu USD.

Xuất khẩu sang ASEAN đạt 9,3 tỷ USD, chiếm 13% và tăng 19,6%, trong đó xuất khẩu gạo đạt 1,5 tỷ USD; dầu thô 1,4 tỷ USD; xăng dầu  653 triệu USD.

Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 9,6% và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước; sang Trung Quốc đạt 6,3 tỷ USD, chiếm 8,8% và tăng 48,6%.

Nông, lâm, thủy sản xuất siêu 7,3 tỷ USD

Năm nay Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu đen; đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo; đứng thứ ba về xuất khẩu cao su thiên nhiên...

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả năm 2010, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước đạt gần 19,2 tỷ USD, tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ 2009. Như vậy, ngành nông nghiệp đã xuất siêu khoảng 7,3 tỷ USD trong năm vừa qua.

Sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2010 ghi nhận đóng góp đáng kể của nhiều mặt hàng chủ lực.

Cụ thể, gạo xuất khẩu đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị với khoảng 6,88 triệu tấn đạt kim ngạch 3,23 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 15,4% về lượng và tăng tới 21,2% về giá trị. Bình quân giá gạo xuất khẩu đạt 468 USD/tấn, tăng 5,02% so với năm trước.

Năm nay, thị trường Indonesia có mức tiêu thụ gạo của Việt Nam tăng đột biến, gấp 24 lần về khối lượng và 30 lần về giá trị so với năm ngoái. Số liệu trên đã đưa quốc gia này trở thành thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philippines và châu Phi.

Đối với mặt hàng thủy sản, mặc dù liên tiếp gặp phải những khó khăn từ đầu năm tới nay, nhưng ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn “kiên cường” vượt qua và chinh phục nhiều thị trường mới trên thế giới. Ước tính hết năm 2010, ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu gần 5 tỷ USD, tăng 16,3% so với con số thực hiện trong năm 2009. 

Dẫn đầu trong xuất khẩu thủy sản phải kể đến sự đóng góp của sản phẩm tôm. Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2010 Việt Nam sẽ xuất khẩu được 220 ngàn tấn tôm, đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD, con số được coi là kỷ lục xuất khẩu của ngành thủy sản trong những năm qua.

Đứng thứ hai là sản phẩm cá tra, hiện nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 650.000 tấn cá tra. Trong 5 năm tới (2011-2015), lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 800 nghìn tấn/năm. Cùng với tôm và cá tra, năm nay giá trị xuất khẩu cá ngừ, nhuyễn thể và giáp xác khác cũng tăng trưởng khá.

Xuất khẩu cao su cũng tăng gần 90% về kim ngạch với 773.000 tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá cao su tăng liên tục là do nhu cầu tăng nhờ sản xuất công nghiệp tại các nước hồi phục, nguồn dự trữ của các quốc gia này lại giảm xuống mức thấp. Thời gian qua, các thị trường tiêu thụ lớn của cao su Việt  Nam, ngoại trừ Trung Quốc đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, điển hình như Ấn Độ tăng gấp 3 lần về lượng và 7 lần về giá trị.

2010 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam chạm mốc 1 tỷ USD. Con số này đã giúp Việt Nam tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thế giới trong năm thứ tư về xuất khẩu mặt hàng này.

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính lượng điều xuất khẩu cả năm 2010 đạt khoảng 196.000 tấn, kim ngạch thu về là 1,14 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và 34,8% về giá trị so với cùng kỳ. Hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu bảng về tiêu thụ điều của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 32,6% về giá trị.

Với những thuận lợi nêu trên, sang năm 2011, ngành điều đặt mục tiêu mang về cho đất nước 1,5 tỷ USD thông qua hoạt động xuất khẩu, tăng khoảng 32% về giá trị so với năm 2010.

So với năm 2009, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng tới 31,2% về giá trị khi đạt con số 3,4 tỷ USD, vượt xa kế hoạch đặt ra hồi đầu năm là 3 tỷ USD.

Ba thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm tỷ trọng tới 66,3% về kim ngạch) đều có mức tăng trưởng khá, riêng Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần về kim ngạch nhập khẩu so với năm ngoái.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest), năm 2011 nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn rất lớn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này có thể đạt tới 4,1- 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Vietforest cho rằng những năm tới ngành gỗ phải tiếp tục đạt mức tăng trưởng khoảng 35%/năm thì đến năm 2020 mới đạt được mục tiêu kim ngạch là 7 tỷ USD như chiến lược phát triển mà ngành đã đề ra.

Năm 2010, dù không đạt được tăng trưởng về lượng nhưng được lợi về giá đã giúp cà phê mang về 1,763 tỷ USD trong năm 2010, tăng 1,9% so với năm 2009. Giá cà phê xuất khẩu năm nay đạt bình quân 1.503 USD/tấn, so với 1.462 USD/tấn của năm ngoái.

Nhập siêu chính thức đạt chỉ tiêu

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên thông báo, nhập siêu cả năm 2010 khoảng 12,3 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 17,3%, đạt chỉ tiêu của Chính phủ đặt ra là không quá 20%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12/2010 ước tính đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7% so với tháng trước, chủ yếu do đơn giá bình quân của nhiều mặt hàng tăng. Tính chung năm 2010, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 84 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 47,5 tỷ USD, tăng 8,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,5 tỷ USD, tăng 39,9%.

Có hai mặt hàng thuộc nhóm không khuyến khích nhập khẩu giảm về kim ngạch trong năm nay, đó là ô tô và xe máy nguyên chiếc. Nhập khẩu xăng dầu cũng giảm một phần do trong nước đã đáp ứng được nhờ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động trong năm nay.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của nước ta với tổng kim ngạch tính đến tháng 11 đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 24,9% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2009 với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy tính và linh kiện, sắt thép, xăng dầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên