Xúc tiến đầu tư: Những vấn đề “nóng”

Công tác xúc tiến đầu tư của cả nước và từng địa phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những đổi mới mang tính bước ngoặt.

“Nói” chưa đi đôi với “làm”

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã rất thành công trong việc thu hút FDI vào địa bàn, nhưng việc đảm bảo cho các nhà đầu tư có thể hoạt động được lại không hề suôn sẻ chút nào.

Ông Nguyễn Ngọc Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù cả Chủ tịch tỉnh và Bí thư tỉnh ủy đều tham gia vào hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT), nhưng vẫn chồng chất khó khăn. Ông Phi đơn cử, Nghị định 24 về ưu đãi có quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 10% suốt đời đối với dự án sản phẩm công nghệ cao, nhưng lại chỉ giới hạn đến hết ngày 31/12/2008; còn từ 1/1/2009 trở đi, ưu đãi này lại được điều chỉnh theo Nghị quyết 03 của Quốc hội, loại sản phẩm đặc biệt này chỉ được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm và không kéo dài thêm quá 15 năm (tức khoảng 30 năm). “Với những chính sách mà doanh nghiệp vào hôm nay thì được hưởng, ngày mai lại không này, tâm tư của nhà đầu tư cũng có nhiều băn khoăn. Họ cũng đang phải đối mặt với một loạt các vướng mắc về chính sách vĩ mô, nguồn nhân lực…, đặc biệt là internet” - ông Phi nói.

Theo ông Phi, trên thực tế, nhiều tỉnh kêu gọi nhà đầu tư vào thì rất tốt, nhưng khi họ đến lại không đảm bảo đủ điều kiện cho họ hoạt động. Nhiều nhà đầu tư đã rất nản lòng. Vì thế, ông đã rất ấn tượng khi Tập đoàn Hồng Hải (hiện đang xúc tiến xây dựng một KCN 407ha, trong đó sản phẩm công nghệ cao và nghiên cứu chiếm tới 26%) đến tặng quà với duy nhất một chữ “Tín”. Nó hàm ý nhà đầu tư nhắc nhở tỉnh nên làm đúng điều đã hứa. Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, chúng ta đang còn một khoảng cách khá xa giữa mong muốn và thực hiện. Ví dụ, chúng ta đang muốn đầu tư rất mạnh về cơ sở hạ tầng, nhưng nguồn lực lại rất hạn chế, rồi công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính có vấn đề…. đã làm chậm lại khả năng đáp ứng của chúng ta với nhà đầu tư.

Không để nhà đầu tư phải “đánh võng”

Ông Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, nhiều nhà đầu tư “đánh võng” khi tới các địa phương tìm hiểu cơ hội đầu tư. Chính vì thế, ông Văn tỏ ra ngạc nhiên khi biết Tập đoàn Hồng Hải đang đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc. Ngạc nhiên vì trước đó lãnh đạo tỉnh này đã ra tận sân bay đón nhà đầu tư này và dành cả 1 tuần để đưa đi tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nhưng nay mọi công sức của lãnh đạo tỉnh bỏ ra đều trở thành công cốc. Tương tự, ông Hoàng Đình Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Tập đoàn Hồng Hải cũng đã từng về địa phương này tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ví dụ này cho thấy, dường như các địa phương đang ngấm ngầm chạy đua thu hút đầu tư. Vì lợi nhuận, việc nhà đầu tư phải tìm hiểu ở nhiều nơi, điều đó không có gì sai trái cả, nhưng việc thiếu thông tin gắn kết giữa các địa phương và việc giữ mánh đầu tư của lãnh đạo các tỉnh mới là việc làm đáng chê trách. Bởi, việc làm này không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh môi trường đầu tư chung của cả nước, mà còn làm nhà đầu tư băn khoăn do dự, không biết nên quyết định đầu tư vào đâu.

Thạc sĩ Phan Thị Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm XTĐT phía Bắc cho biết, tại một hội nghị XTĐT vào bất động sản, diễn ra trong tháng 4/2008 ở Singapore, có 6 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tham gia và đã giới thiệu về địa phương mình như một vùng tách biệt, không có một bức tranh chung nào về tình hình bất động sản ở Việt Nam. Khi nghe xong, hầu hết các nhà đầu tư đều cảm thấy băn khoăn, do dự, thậm chí nghi ngờ vì không biết nên đầu tư vào đâu và xác định đầu tư như thế nào để có hiệu quả. Cũng theo bà Trâm, một doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất linh kiện sản phẩm đồng đã đến UBND thành phố Hải Phòng đặt câu hỏi: Trong vùng kinh tế tam giác Hải Phòng - Quảng Ninh - Hà Nội, có bao nhiêu doanh nghiệp cung cấp, sản xuất linh kiện sản phẩm đồng, quy mô và sản phẩm chính của các doanh nghiệp này như thế nào? UBND thành phố Hải Phòng không trả lời được vì câu hỏi này mang tính liên vùng, vượt khỏi phạm vi và giới hạn của một địa phương. UBND thành phố có giới thiệu doanh nghiệp này tới Ban quản lý các KCN và ban này cũng không thể trả lời được. Rõ ràng, những bất cập trên đang làm chúng ta lãng phí nguồn lực về XTĐT.

Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XTĐT, các ý kiến đều thống nhất, chúng ta phải xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể về XTĐT trong tình hình mới, trong đó chú trọng chuyên nghiệp hóa hoạt động XTĐT. Để tránh lãng phí nguồn lực trong XTĐT, ông Nguyễn Ngọc Phi đề xuất, Chính phủ nên thống nhất quy hoạch và chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong khi mỗi địa phương cần vạch ra chiến lược sản phẩm riêng của mình. Đối với Vĩnh Phúc, bên cạnh hai sản phẩm truyền thống là chế biến nông sản và may mặc, tỉnh tập trung vào 3 sản phẩm chính là: cơ khí ô tô, xe máy; công nghệ điện tử và những vật liệu nhẹ. Qua đó, nhà đầu tư sẽ dễ dàng lựa chọn và ra quyết định đầu tư hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên