Xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang các nước.

Năm 2011 là năm thành công trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch xấp xỉ 100 tỷ USD. Đạt được kết quả này là do các doanh nghiệp Việt Nam đã có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm Việt Nam và gây dựng được lòng tin với người tiêu dùng thế giới.

Tiếp cận thị trường trực tiếp

Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong nhiều doanh nghiệp thành công trong xuất khẩu, với việc mở rộng thị trường ra 70 nước và kinh doanh 3 ngành hàng chính là thủ công mỹ nghệ, nông sản, may mặc. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết, một trong những kinh nghiệm để doanh nghiệp tiếp cận thành công và hiệu quả với thị trường thế giới là nghiên cứu thường xuyên và thiết lập quan hệ thị trường với các nước bạn.

Theo các chuyên gia, cần tiếp cận trực tiếp thị trường nước ngoài để quảng bá sản phẩm

Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập, cần thay đổi cách tiếp cận truyền thống mà phải tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn, siêu thị của nước ngoài... Với những nỗ lực và kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài nên trong năm 2011, mặc dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng tốc độ xuất khẩu của Tổng Công ty vẫn ổn định và khẳng định được vị thế của mình trên thương trường quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Thắng cho rằng: “Một trong những điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu ổn định là hệ thống thị trường phải đa dạng, bởi 5 châu lục có 5 điều kiện khác nhau. Nhu cầu về thị trường khác nhau, thị hiếu khác nhau, các mặt hàng vào các kênh thị trường này khác nhau, đồng thời luôn luôn có sự biến động. Để xuất khẩu tốt, trước hết phải đa dạng hóa các ngành hàng và thị trường”.

Với quan điểm như vậy, năm qua Tổng công ty thương mại Hà Nội đã tập trung rất mạnh vào phát triển thị trường. Hiện nay thị trường của Hapro tương đối rộng tại 70 nước và khu vực. Trong khi nền kinh tế của những khu vực còn khó khăn, tình hình xuất khẩu của Hapro vào đây vẫn ổn định.

Bên cạnh việc xúc tiến thương mại thì sự kết hợp, tương hỗ giữa các quốc gia trong phát triển kinh tế cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu. Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Chile là một ví dụ điển hình.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chile Hà Thị Ngọc Hà cho biết, quan hệ Việt Nam-Chile rất phát triển, trong đó nổi bật nhất là hai nước đã ký kết hiệp định khu vực thương mại tự do giữa hai nước. Đây là cơ hội để tăng cường xúc tiến phát triển thương mại giữa hai bên, đặc biệt là cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu về thuế để xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Chile hoặc ngược lại. Với sự kết hợp này, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng trung bình trong hai năm qua là 41%.

Bà Ngọc Hà cho biết: “Chile là một đất nước có nguồn tài nguyên-khoáng sản vô cùng phong phú và nguồn gỗ thông cũng rất phong phú, tất cả những cái đó là đầu vào của nguyên liệu để phát triển thị trường Việt Nam. Hy vọng năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng lên nhiều, hơn năm 2010. Để tạo thuận lợi cho việc xúc tiến này cũng cần hiểu thị trường hai bên và tăng cường công tác quảng bá bởi công tác quảng bá để tìm hiểu thị trường Chilê để Chile hiểu về thị trường Việt Nam cũng có bộ phận thương vụ. Tiềm năng của hai nước rất là lớn và ngoài ra hy vọng sẽ tăng cường sự thúc đẩy đầu tư về du lịch”.

Phải có nhiều phương án ứng phó

Xúc tiến thương mại giúp cho Việt Nam ngày càng nhiều cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài, điều này được thể hiện trong việc nhiều năm liền Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang thị trường Châu Âu.

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ cho biết, tốc độ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tính đến nay đã tăng 50%. Đạt được kết quả như vậy là nhờ một phần lớn sự năng động của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, tiếp đó là việc tìm hiểu thị trường, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nước của các tham tán Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam đã tham gia hàng loạt sự kiện như: Hội chợ Thủy sản Châu Âu ESE tại Brussels, Bỉ, Tham gia Hội chợ quốc tế Giầy WSA- Las Vegas 2011 tại Mỹ, tổ chức đoàn giao thương cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép tại Mỹ, khảo sát và xúc tiến thương mại cà phê tại thị trường Ba lan - Bỉ...

Tuy nhiên, việc xúc tiến xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đã và đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, bởi đây là một thị trường đầy tiềm năng nhưng rất khó tính với hàng loạt quy định về kỹ thuật và hàng rào kỹ thuật.

Để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, hạn chế các vụ kiện cáo, chống bán phá giá tại các thị trường lớn như EU, ông Phạm Sanh Châu khuyến cáo: “Xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp hãy tính toán đến khả năng rằng, sẽ còn nhiều vụ kiện cáo phi lý, nhiều vụ mang tính chính trị rất cao, do đó chúng ta phải chuẩn bị tất cả các phương án về mặt kỹ thuật, về mặt pháp lý cả về chính trị để đảm bảo cho cuộc chơi của chúng ta được thành công nếu không những năm tới sẽ gặp đầy thách thức”.

Để xuất khẩu ra nước ngoài tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng trong những năm tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở từng nước khác nhau nhằm tạo ra hình ảnh đẹp về thương hiệu sản phẩm, không ngừng mở rộng mạng lưới bán hàng, bảo vệ và nâng cao uy tín của thương hiệu./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên