Ai có quyền đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm?

VOV.VN -Sáng nay (15/8), Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề lớn của Dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi)

 

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội đã được quy định khá cụ thể trong Hiến pháp. Luật tổ chức Quốc hội chỉ cụ thể hóa hơn nữa để bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp.

Theo đó, Dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng cụ thể hóa khoản 7 Điều 70 của Hiến pháp về thẩm quyền của Quốc hội trong việc bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức và chấp thuận xin từ chức của các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Dự án Luật quy định đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, chủ thể có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm và việc từ chức.

Dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cũng bổ sung một điều mới quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước cho phù hợp với Hiến pháp; đồng thời làm rõ thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

Chiều nay, phiên họp thứ 30 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc.

Bản tin thời sự trưa nay còn có các nội dung chính như sau:

Các trường Đại học trong cả nước đưa ra ý kiến về phương án tổ chức một kỳ thi chung quốc gia.

Đã xuất hiện cúm A/H5N6 – một loại cúm nguy hiểm trên gia cầm tại Việt Nam.

Một loạt các vụ việc vi phạm pháp luật cũng như tiêu cực liên quan đến công chức, viên chức thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến tư cách, chất lượng, quy trình tuyển dụng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Chủ đề này sẽ được trao đổi trong mục điểm nóng dư luận với vị khách mời là ông Lê Minh Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc hội.

Trong phần tin thế giới, các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu nhất trí đàm phán về tranh chấp khí đốt.

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến cáo cần đưa ra các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Ebola, đồng thời cảnh báo người dân cần thận trọng với các tin đồn về giải pháp chữa trị dịch bệnh này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên