Ái ngại cho bảo vật quốc gia “Cửu vị thần công”
VOV.VN - Được công nhận là 1 trong những Bảo vật quốc gia lần đầu tiên, nhưng "Cửu vị thần công" chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ đúng mức.
“Cửu vị thần công”, hay tên gọi đầy đủ “Thần oai vô địch thượng tướng quân cửu vị” là 9 khẩu súng thần công bằng đồng được đúc từ tháng 1 năm 1803 đến tháng 1 năm 1804 dưới thời vua Gia Long nhà Nguyễn. Vật liệu đúc là toàn bộ mãnh khí bằng đồng thu hồi được của triều Tây Sơn. Các khẩu thần công này được thực hiện tại Kinh đô Phú Xuân (Huế) bởi lính thợ ở Bộ Công và lính Bộ Binh triều Nguyễn.
“Cửu vị thần công” được đúc không nhằm mục đích chiến đấu trong trận mạc và thực tế chưa bao giờ khai hoả. Các khẩu thần công này tượng trưng cho các vị thần bảo vệ vương triều; là đồ tế khí dùng để trang trí và thị uy cho bộ mặt Kinh thành, Hoàng cung thêm phần oai nghiêm.
9 khẩu thần công được chia làm 2 nhóm: Nhóm “Tứ thời” gồm 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu – Đông; và nhóm “Ngũ hành” gồm 5 khẩu Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ. Hiện “Cửu vị thần công được đặt thành hai nhóm phía sau 2 cửa Thể Nhơn và Quảng Đức ở mặt trước Kinh thành Huế.
Ngày 1/10/2012, “Cửu vị thần công” là 1 trong 30 hiện vật/nhóm hiện vật được công nhận là “Bảo vật Quốc gia Việt Nam” lần đầu tiên. Tuy nhiên, hiện tại, bảo vật quốc gia này chưa có được sự quan tâm bảo vệ đúng mức, xứng đáng với danh xưng; ít nhiều để những tâm lý, cảm giác ái ngại cho những người chiêm ngưỡng và khách tham quan tới Cố đô./.
Xem chùm ảnh "Cửu vị thần công":