Nếu lạm phát tăng cao phải thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất

VOV.VN - Lo ngại giá xăng dầu có thể tạo hiệu ứng domino dẫn tới lạm phát cao, đại biểu Quốc hội cảnh báo, khi lạm phát cao thì “liều thuốc” rất đắng. Một trong những liều thuốc rất ngại uống nhưng phải uống đó là thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và nâng lãi suất trên thị trường.

Phải “uống thuốc liều cao” để trị bệnh lạm phát

Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn đến khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu, xăng dầu, khí đốt kéo theo mặt bằng giá cả khác cũng tăng.

Dẫn chứng thực tế tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát đang tăng lên, như: Mỹ hiện nay lạm phát ở mức 8,5% - cao nhất trong 40 năm qua, châu Âu lạm phát 7,4 % cao nhất trong 30 năm; tại Anh lạm phát là 9% - cao nhất trong 30 năm… Theo ông Ngân, với đất nước có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình biến động của thế giới, đặc biệt là nhập khẩu lạm phát.

“Lạm phát cao sẽ dẫn đến phải “uống thuốc liều cao để trị bệnh”. Một trong những liều thuốc rất ngại uống nhưng phải uống đó là thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt chính sách tài khóa và nâng lãi suất trên thị trường. Đây là điểm mà chúng ta rất lo ngại khi Fed đã 2 lần liên tục tăng lãi suất trong tháng vừa qua”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Do đó, đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị cần tăng cường kiểm soát giá, chống đầu cơ, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ để góp phần bình ổn giá cả. Đặc biệt, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu.

“Đây là dư địa để chúng ta có được thêm công cụ kéo giảm kiểm soát giá xăng dầu, tránh tình trạng giá xăng dầu có thể lan tỏa đẩy domino đến khi lạm phát xảy ra. Khi lạm phát cao thì lúc đó “liều thuốc” rất đắng. Đây là bài học mà chúng ta đã từng gặp trong những năm 2008 – 2011”, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý, đồng thời khẳng định “Nếu giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu đề ra từ 6- 6,5 %”.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay, giá xăng dầu thay đổi từng ngày. Qua tiếp xúc cử tri, người dân rất băn khoăn, nếu giá xăng tiếp tục tăng cao sẽ kéo theo một loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là những người nghèo sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Do vậy, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để kiềm chế giá xăng dầu, trong đó có giảm các loại thuế, tránh những tác động đẩy mặt bằng giá các hàng hóa khác tăng.

“Tôi mong muốn các bộ, ngành có đánh giá hết sức kỹ lưỡng, quan tâm để vừa tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Từ đó, người dân được tiếp cận với nguồn xăng giá cả hợp lý cũng như giảm giá các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, cũng cần tính toán kỹ để không làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách cũng như điều tiết chung của Chính phủ”, đại biểu Đặng Bích Ngọc kiến nghị.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, GDP đạt 6 - 6,5% có thể đạt được

Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, giá xăng dầu neo ở mức như hiện nay chưa phải là đe doạ lớn cho lạm phát. Bởi với dư địa hiện nay, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% không phải là nhiệm vụ khó đối với Chính phủ. 

“Áp lực lạm phát không phải là quá lớn bởi tổng cầu không quá cao. Sau thời gian dịch bệnh, có thể thấy nguồn tích luỹ của người dân và doanh nghiệp giảm đi rất nhiều. Tuy vậy, tôi vẫn đề nghị Quốc hội cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, bởi sau 2 năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, thu nhập của họ đã bị “bào mòn” rất nhiều”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Cũng theo ông Lộc, số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 5/2022 cho thấy, nền kinh tế có chuyển biến tích cực, tăng trưởng cao, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức 2 con số. Các cân đối khác của nền kinh tế vẫn được đảm bảo.

“Nếu tiếp tục đà như quý I, năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, tăng trưởng đạt 6 - 6,5%”, ông Lộc nhận định.

Để đạt được mục tiêu này, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị, bên cạnh việc khẩn trương triển khai gói hỗ trợ để tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ cần nỗ lực thúc đẩy cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá để đẩy nhanh đầu tư công vì lĩnh vực này đang triển khai khá chậm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xăng tăng giá, giải pháp nào kiềm chế lạm phát?
Xăng tăng giá, giải pháp nào kiềm chế lạm phát?

VOV.VN - Xăng tăng giá ở mức hơn 30.000 đồng/lít đang khiến giá của nhiều mặt hàng cũng tăng theo. Chỉ số giá tiêu dùng đang trên đà tăng, nếu chậm có những giải pháp “hạ nhiệt” có thể sẽ dẫn đến lạm phát ở mức cao.

Xăng tăng giá, giải pháp nào kiềm chế lạm phát?

Xăng tăng giá, giải pháp nào kiềm chế lạm phát?

VOV.VN - Xăng tăng giá ở mức hơn 30.000 đồng/lít đang khiến giá của nhiều mặt hàng cũng tăng theo. Chỉ số giá tiêu dùng đang trên đà tăng, nếu chậm có những giải pháp “hạ nhiệt” có thể sẽ dẫn đến lạm phát ở mức cao.

"Cần hành động gấp để lạm phát không tăng, tiếp tục "bão giá" người dân sẽ rất vất vả"
"Cần hành động gấp để lạm phát không tăng, tiếp tục "bão giá" người dân sẽ rất vất vả"

VOV.VN - Sau 2 năm đại dịch đã lấy đi phần lớn tích lũy của người dân. Nay lại gặp “bão giá”, người dân sẽ hết sức vất vả.

"Cần hành động gấp để lạm phát không tăng, tiếp tục "bão giá" người dân sẽ rất vất vả"

"Cần hành động gấp để lạm phát không tăng, tiếp tục "bão giá" người dân sẽ rất vất vả"

VOV.VN - Sau 2 năm đại dịch đã lấy đi phần lớn tích lũy của người dân. Nay lại gặp “bão giá”, người dân sẽ hết sức vất vả.

Kinh tế Việt Nam 2022-2023: Nguy cơ tăng trưởng chậm và gia tăng lạm phát
Kinh tế Việt Nam 2022-2023: Nguy cơ tăng trưởng chậm và gia tăng lạm phát

VOV.VN - Dù nhiều ngành kinh tế đã có sự phục hồi ngay từ những tháng đầu năm 2022, nhưng để duy trì đà tăng trưởng theo mục tiêu đã đề ra còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng triển khai kịp thời, có hiệu quả từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.

Kinh tế Việt Nam 2022-2023: Nguy cơ tăng trưởng chậm và gia tăng lạm phát

Kinh tế Việt Nam 2022-2023: Nguy cơ tăng trưởng chậm và gia tăng lạm phát

VOV.VN - Dù nhiều ngành kinh tế đã có sự phục hồi ngay từ những tháng đầu năm 2022, nhưng để duy trì đà tăng trưởng theo mục tiêu đã đề ra còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng triển khai kịp thời, có hiệu quả từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.