Ngoại giao vaccine của Trung Quốc gặp khó ở Singapore?

VOV.VN - Trung Quốc gửi lô vaccine ngừa Covid-19 tới Singapore trước khi giới chức Singapore phê duyệt sử dụng. Điều này khiến một số chuyên gia y tế đặt câu hỏi về ý đồ của Bắc Kinh.

Khi vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech tới Singapore vào tháng 12/2020, sự kiện này  được người dân cũng như các chính khách nước này chào đón. Bộ trưởng Giao thông Ong Ye Kung tiếp nhận lô vaccine này với sự hồ hởi và giám sát quy trình đưa các liều vaccine này tới kho bảo quản lạnh. Trong khi đó, Thủ tướng Lý Hiển Long gọi đây là “món quà được chào đón mà Singapore đang mong mỏi”.

Câu chuyện tương tự diễn ra 2 tháng sau đó, khi Singapore nhận lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Moderna. Thủ tướng Lý Hiển Long rất “hài lòng” về đợt bàn giao này. Các phóng viên cũng được phép thực hiện loạt ảnh chụp những lô hàng vaccine bên cạnh những chiếc máy bay của  Singapore Airline.

Vaccine Trung Quốc không được “hồ hởi” chào đón?

Lô vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất được đưa tới Singapore tối 23/2 lại không được chào đón một cách hồ hởi đến vậy. Thay vào đó, sự kiện này dường như đã bị giảm nhẹ và chỉ được biết tới vào ngày hôm sau từ Đại sứ quán Trung Quốc.

Bộ Y tế Singapore sau đó xác nhận lô vaccine Sinovac đã “cập cảng” nhưng nhấn mạnh, vaccine này vẫn chưa được các cơ quan quản lý cấp phép và vì thế sẽ chưa thể sử dụng ngay lập tức như vaccine của Pfizer và Moderna.

Leong Hoe Nam, một chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm tại Singapore nhấn mạnh, thật “bất thường” khi vaccine được chuyển tới trước khi được nước sở tại cấp phép.

Điều này có thể đem lại nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ vaccine hết hạn trước khi chúng được phê duyệt, dù theo các thông tin, vaccine Sinovac có thời hạn sử dụng 3 năm khi bảo quản lạnh.

Ông cũng đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc gửi đi lô vaccine trước khi chúng được phê duyệt và điều này “cứ như thể họ đang nài nỉ Singapore hãy sử dụng chúng”.

Khor Swee Kheng, một chuyên gia về chính sách y tế người Malaysia cho rằng, các nước nhận vaccine trước khi được các cơ quan chức năng phê duyệt có thể đối mặt với khả năng “bỏ qua phê duyệt” hay sức ép chính trị buộc các cơ quan kiểm duyệt phải cấp phép.

Tìm kiếm dấu kiểm duyệt cho mọi loại vaccine Trung Quốc?

Bộ Y tế Singapore ngày 24/2 nói rằng Sinovac đã bắt đầu trình các dữ liệu ban đầu về hiệu quả vaccine cho Cơ quan Khoa học Y tế nước này. Tuy nhiên, ông Leong nói rằng, không có khung thời gian cụ thể nào cho quá trình này. Việc phê duyệt vaccine mà không có các dữ liệu cần thiết cũng giống như đánh giá sức khỏe tài chính của một công ty mà không có các báo cáo tài chính.

“Chỉ khi tất cả các yếu tố được đáp ứng thì việc phê duyệt mới được thực hiện”, ông Leong nói.

Chong Ja Ian, một nhà khoa học chính trị, đồng thời là học giả chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học quốc gia Singapore nói rằng, Bắc Kinh đang háo hức muốn có sự phê duyệt quốc tế đối với vaccine do nước này sản xuất như một phần trong “ngoại giao vaccine”. Ông nói rằng, lô vaccine đưa tới Singapore ngày 23/2 cũng là một phần của chiến dịch này.

Ông Chong cho biết, có khả năng Trung Quốc sẽ phải “thất vọng” nếu Singapore không phê duyệt hoặc chậm trễ trong việc phê duyệt vaccine Sinovac.

“Tuy nhiên, cốt lõi của việc đánh giá trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay nên là độ an toàn và hiệu quả chứ không phải là việc chính phủ nước nào đó, nhà lãnh đạo nào đó có hài lòng hay không. Bất cứ trọng tâm nào ngoài sức khỏe cộng động ở thời điểm khủng hoảng hiện nay đều là vô trách nhiệm”, ông nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore đánh giá việc lô vaccine Sinovac tới Singapore là “điểm nhấn mới” trong mối quan hệ 30 năm qua giữa 2 nước. Trên Facebook, Đại sứ quán Trung Quốc bày tỏ tin tưởng lô vaccine này có thể góp phần vào nỗ lực chống Covid-19 của Singapore và rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác với Singapore để “giành chiến thắng cuối cùng” trước đại dịch.

Theo ông Chong, với danh tiếng của Singapore về các tiêu chuẩn chặt chẽ, việc nước này phê duyệt vaccine Sinovac có thể được xem như dấu kiểm duyệt đối với tất cả các vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Theo Victor Shih, một giảng viên về kinh tế chính trị tại Đại học San Diego California, sự phê duyệt của Singapore có thể khiến nhiều người nghĩ rằng vaccine của Trung Quốc được chấp nhận trên toàn cầu, nhất là khi loại vaccine này hiện được sử dụng chủ yếu ở các nước đang phát triển, trong đó có Indonesia và Philippines.

Singapore, cùng với UAE, nằm trong số ít các nước giàu đang cân nhắc sử dụng vaccine của Trung Quốc.

Ngoại giao vaccine hay đánh vào tâm lý người dân Trung Quốc?

Tuy nhiên, theo ông Shih, “khán giả” chính của ngoại giao vaccine của Trung Quốc chủ yếu vẫn là người dân trong nước.

“Khi Trung Quốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng ở trong nước, chính phủ nước này muốn người dân chấp nhận các vaccine nội địa cho dù hiệu quả của nó thấp hơn so với các vaccine hàng đầu của phương Tây.

Các dữ liệu về thử nghiệm cho thấy, Sinovac có hiệu quả 50,4% trong khi Pfizer/BioNTech là 95% và Moderna là 94%.

Ông Shih cho rằng có thể có những “sức ép hậu trường” buộc Singapore phải phê duyệt vaccine Sinovac. Tuy nhiên, dù được phê duyệt thì nhiều khả năng sẽ có ít người sử dụng loại vaccine của Trung Quốc hơn khi Singapore đã có các lô vacicne của Pfizer-BioNTech and Moderna.

Chính phủ Singapore không tiết lộ số liều của mỗi loại, đồng thời nhấn mạnh, người dân sẽ không phải lựa chọn tiêm loại vaccine nào. Giới chức nước này cho biết, tính đến ngày 19/2, khoảng 250.000 người đã được tiêm những mũi vaccine đầu tiên và hơn 110.000 người đã được tiêm 2 mũi.

Trong khi đó, Zha Daojiong, giáo sư nghiên cứ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nhấn mạnh rằng, quyết định của Singapore về việc có phê duyệt vaccine Sinoacà sẽ dựa trên các tiêu chí khoa học chặt chẽ chứ không phải là “thiện chí chính trị hay ngoại giao”.

Ông cho rằng, vaccine Sinovac đã vượt qua các vòng thử nghiệm chính sách và khoa học ở nhiều nước khác nhau và sức ép của Trung Quốc trong vấn đề này là “khó chứng minh”.

“Sẽ thiếu khôn ngoan nếu các cơ quan ngoại giao Trung Quốc gây sức ép để bất cứ nước nào có quyết định tích cực về vaccine Trung Quốc cũng như đưa ra quyết định dựa trên thiện chí chính trị”, ông nói./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc và Ấn Độ chạy đua ngoại giao vaccine Covid-19
Trung Quốc và Ấn Độ chạy đua ngoại giao vaccine Covid-19

VOV.VN - Vào đúng ngày Nam Phi nhận 1 triệu liều vaccine Covid-19 của Ấn Độ, Trung Quốc cũng tuyên bố viện trợ vaccine do nước này sản xuất cho Pakistan.

Trung Quốc và Ấn Độ chạy đua ngoại giao vaccine Covid-19

Trung Quốc và Ấn Độ chạy đua ngoại giao vaccine Covid-19

VOV.VN - Vào đúng ngày Nam Phi nhận 1 triệu liều vaccine Covid-19 của Ấn Độ, Trung Quốc cũng tuyên bố viện trợ vaccine do nước này sản xuất cho Pakistan.

Trung Quốc thúc đẩy "ngoại giao vaccine" ở châu Phi và Đông Nam Á
Trung Quốc thúc đẩy "ngoại giao vaccine" ở châu Phi và Đông Nam Á

VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay (12/1) tiếp tục chuyến thăm Đông Nam Á.

Trung Quốc thúc đẩy "ngoại giao vaccine" ở châu Phi và Đông Nam Á

Trung Quốc thúc đẩy "ngoại giao vaccine" ở châu Phi và Đông Nam Á

VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay (12/1) tiếp tục chuyến thăm Đông Nam Á.

Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng “ngoại giao vaccine” Covid-19
Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng “ngoại giao vaccine” Covid-19

VOV.VN - Dù các thử nhiệm vaccine Covid-19 hiện nay thành công, Trung Quốc sẽ vẫn gặp nhiều rào cản từ những vụ bê bối về tính an toàn của vaccine trước đây.

Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng “ngoại giao vaccine” Covid-19

Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng “ngoại giao vaccine” Covid-19

VOV.VN - Dù các thử nhiệm vaccine Covid-19 hiện nay thành công, Trung Quốc sẽ vẫn gặp nhiều rào cản từ những vụ bê bối về tính an toàn của vaccine trước đây.