NSND Nguyễn Hữu Tuấn và cuộc gặp với bến đò nông thôn

VOV.VN - "Máy ảnh đối với tôi như cái bướu trên lưng lạc đà. Máy ảnh tự thân nó đã gắn với tôi”, NSND Nguyễn Hữu Tuấn ví von.

Buổi triển lãm “Sang Sông" trưng bày những sáng tác ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn, đang diễn ra tại 360 Đê La Thành (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp). 

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của tháng “Vì một Hà Nội đáng sống”, diễn ra tại chuỗi không gian sáng tạo Ơ Kìa Hà Nội. Đây cũng là một trong những hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hoá nghệ thuật sau thời gian giãn cách. 

Một tác phẩm của NSND Hữu Tuấn trưng bày tại triển lãm.

“Sang sông” là tên cuốn sách ảnh chưa được xuất bản của nhà quay phim – NSND Nguyễn Hữu Tuấn. Đến với triển lãm, khán giả có cơ hội chiêm ngưỡng những bức ảnh, thấy được những câu chuyện riêng tư, những tâm tình ấp ủ, những lời qua tiếng lại, những tin đồn hay những giai thoại dân gian, những nết – nếp – nét trong con người và văn hoá Việt Nam. Tất cả đều xoay quanh những bến sông, bến đò, những dòng chảy trôi nơi làng quê Việt Nam. 

 

Như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có nói: “Nếu xem tranh của Hữu Tuấn không ngửi được mùi rơm rạ, thì chúng tôi có rơm rạ quanh các bạn. Và nếu không cảm nhận được tre thì chúng tôi cũng sẵn sàng mang về những cây tre để bố trí.

Cha đẻ của loạt ảnh, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, chia sẻ trong buổi trò chuyện: “Tôi đã chụp bến đò phải 20 năm mà vẫn chưa hết. Và mặc dù là một người hay phải đi lại, tôi cũng thích đi đò hơn là đi trên cầu. Vì qua đò, tôi được ngắm nhìn cuộc sống của con người kĩ hơn, được bắt lại những khoảnh khắc. Máy ảnh đối với tôi như cái bướu trên lưng lạc đà. Máy ảnh tự thân nó đã gắn với tôi”.

 

Ông cũng cho rằng, thông qua những bức ảnh, các câu chuyện sẽ được gìn giữ lâu hơn, những cảm xúc không bị mất đi mà được tái hiện mỗi khi nhìn lại. “Nhiếp ảnh là một bằng chứng. Bằng chứng để thấy bến đò ngày đó như thế này. Và tôi chụp vì sợ, rằng nếu không chụp, một ngày nào đó những hình ảnh ấy sẽ không còn".

Những câu chuyện ấy không chỉ được kể ra qua những bức ảnh đen trắng hiếm có. Nó còn được bồi đắp, cắt nghĩa, nhìn nhận, phóng chiếu qua những
sắp đặt nhỏ, những ngẫu hứng tươi mới, những lời ca tiếng đàn từ nghệ nhân, nhà văn, nhà làm phim, nhạc sĩ, hoạ sĩ...và từ chính công chúng tham gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên