“Xóm chạy thận” và những ước vọng khi Xuân về

VOV.VN - Nhiều năm phải ăn Tết xa nhà nhưng các bệnh nhân chạy thận không thấy cô độc bởi họ nhận được sự quan tâm, sẻ chia của nhiều đoàn thể, tổ chức và luôn cảm thấy “không bị bỏ lại phía sau”.

Chúng tôi có mặt tại “xóm chạy thận” nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào một buổi sáng của những ngày giáp Tết, tiết trời se lạnh và lất phất mưa bay. Dãy nhà trọ lụp xụp, có từ 5-10 phòng trọ, mỗi căn phòng chỉ rộng hơn 10m2. Một vài bệnh nhân vừa đi chạy thận về và đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa.

Những bệnh nhân bị suy thận đến từ nhiều địa phương và ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ những người trẻ mới ngoài 20 tuổi đang phơi phới sức xuân và đầy hoài bão đến những ông, bà già đã ngoài 70 tuổi. Có người mới điều trị bệnh 4-5 năm, nhưng cũng nhiều người có “thâm niên” điều trị tới hơn 30 năm.

Số phận không may mắn đưa họ đến sống cùng nhau trong một dãy trọ. Hơn 100 con người là hơn 100 hoàn cảnh khác nhau, chỉ có sự nghèo khó, bệnh tật và phải chạy thận 3 lần/tuần là điểm chung của những bệnh nhân sống trong xóm trọ này.

Tết của những bệnh nhân “xóm chạy thận” đơn giản như chính con người và cuộc sống của họ. Tết của họ là được đón giao thừa, được trò chuyện, được chia sẻ và được ăn một bữa cơm ấm cúng với những người cùng cảnh ngộ trong xóm. Tết của họ là khi nhận được những chiếc bánh chưng, những gói quà nho nhỏ do các đoàn thiện nguyện trao tặng và đôi khi là cành đào, chậu quất nhỏ đặt trước sân chung để thấy rằng, ngày Tết đã về.

Tết sớm của bệnh nhân “xóm chạy thận”

Chị Đinh Thị Dung (sinh năm 1990, quê ở Giao Thủy, Nam Định) bị suy thận và phải “chạy” thận suốt 13 năm nay. Từng ấy thời gian chạy thận cũng là từng ấy năm Dung phải ăn Tết xa nhà, xa bố mẹ, xa con gái. 

Còn ông Trần Văn Tặng (Nghĩa Thành, Nghĩa Hưng, Nam Định) có “thâm niên” chạy thận tròn 20 năm. Ông gắn bó với “xóm chạy thận” 11 năm nay và cũng 11 năm ấy ông phải ăn Tết xa gia đình.

Cũng như chị Dung, ông Tặng, anh Phạm Văn Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) bị suy thận và chạy thận 23 năm nay. Trước kia khi mới bị bệnh, hàng tuần, anh đi xe máy gần 30 km đến bệnh viện chạy thận rồi lại về quê nghỉ ngơi. Nhưng 2 năm trở lại đây, sức khỏe suy giảm nên anh không đi lại được nữa. 2 năm qua anh phải ăn Tết một mình ở Hà Nội.

Được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình là mong ước của nhiều bệnh nhân chạy thận, bởi cứ 3 ngày/lần họ lại phải vào viện lọc máu. Buồn tủi lắm nhưng bệnh tình như vậy rồi, họ đành chấp nhận và kiên trì duy trì lọc máu để sức khỏe được ổn định.

Ngày tết, xa nhà, xa gia đình, tuy nhiên, những bệnh nhân trong “xóm chạy thận” không cảm thấy cô độc nơi “đất khách quê người”, bởi năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết, họ lại được đón nhận sự quan tâm, thăm hỏi của lãnh đạo phường, các nhà hảo tâm. Món quà mà các tổ chức đem đến chia sẻ với các bệnh nhân là quần áo ấm, chăn, nhu yếu phẩm, bánh kẹo, bánh chưng. Tất cả đến đây với mong muốn, làm được việc gì đó để các bệnh nhân cảm nhận được sự ấm áp, sẻ chia khi Tết đến, xuân về.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại xóm chạy thận là ngày 25 tháng chạp, con ngõ nhỏ vốn yên bình bỗng nhộn nhịp khác thường khi có một nhóm thiện nguyện của Câu lạc bộ tình nguyện trẻ trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) tới thăm và trao quà Tết cho các bệnh nhân chạy thận. Món quà mà các tình nguyện viên gửi tặng bệnh nhân ở đây là sữa, bánh ngọt và bánh chưng.

Đón nhận món quà tuy nhỏ nhưng nặng nghĩa tình, chị Đinh Thị Dung cho biết: “Tôi cảm thấy rất xúc động khi năm nào cũng được đón nhận những món quà Tết từ các nhà hảo tâm hay các tổ chức thiện nguyện. Món quà tuy nhỏ nhưng với chúng tôi có ý nghĩa vô cùng. Đây chính là sự động viên để chúng tôi vượt qua được khó khăn trước mắt và tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”.

Trong căn phòng trọ nhỏ hơn 10m2, ông Trần Văn Tặng ôm gói quà Tết vừa được một tổ chức thiện nguyện trao tặng, ông rưng rưng xúc động chia sẻ, ngày Tết phải xa gia đình thì buồn lắm. Thế nhưng, cận kề ngày Tết, cư dân trong xóm được các tổ chức, đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà, động viên nên nỗi buồn cũng với bớt phần nào.

“Được các đoàn thiện nguyện đến tặng quà ngày Tết, chúng tôi vui lắm. Buồn vì phải xa nhà ngày Tết nhưng chúng tôi không cảm thấy đơn độc. Đây là sự động viên lớn để các bệnh nhân vượt lên nghịch cảnh, tiếp tục giành giật sự sống từ tay tử thần”, ông Tặng nói.

Sát cạnh phòng ông Tòng là phòng trọ của anh Phạm Văn Phương. Bước vào căn phòng nhỏ ấy đã thấy được “hương vị” của Tết. Dăm ba chiếc bánh chưng, vài gói miến, mì, vài gói kẹo bánh, anh Phương khoe, đó là quà của các đoàn thiện nguyện đến tặng anh và xóm trọ trong mấy ngày gần đây.

“Chúng tôi rất vui, vui vì được các tổ chức quan tâm thăm hỏi, động viên, không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn và tiếp tục sống và điều trị bệnh”, anh Phương chia sẻ.  

Lần đầu tiên làm thiện nguyện tại xóm chạy thận, em Trần Đức Huy, thành viên CLB tình nguyện trẻ - trường THPT Phan Đình Phùng xúc động cho biết, đến đây, chứng kiến các cô chú, các bác phải vật lộn với bạo bệnh, các thành viên trong đoàn ai cũng thương cảm và muốn san sẻ tình yêu thương của mình cho các bệnh nhân

“Năm nay chúng em có sự kiện “Bánh chưng Lửa hồng” với hy vọng được mang những chiếc bánh chưng ấm áp cho các bệnh nhân ở xóm chạy thận. Đó là những chiếc bánh chưng tự tay chúng em gói, luộc chín và mang đến đây. Dịp Tết năm nay, chúng em mong muốn góp một phần bé nhỏ của mình để động viên các bệnh nhân chạy thận. Mong rằng, tấm lòng, sự ấm ấp của chúng em được lan tỏa đến các bệnh nhân, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt để chiến đấu với bệnh tật”, em Trần Đức Huy cho biết.

Ngày giáp Tết, trong căn phòng trọ các của bệnh nhân chạy thận đã có thêm những gói quà Tết. Nhận được quà, nhiều người xúc động và thốt lên rằng: Tết đã đến sớm với chúng tôi! Sự quan tâm của các tổ chức xã hội đã giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Kể về thời khắc giao thừa, các bệnh nhân cho biết, đêm 30 Tết, các anh chị em trong xóm thường tụ tập hát hò, liên hoan rất vui. Các thành viên coi xóm trọ như một gia đình nhỏ, mọi người luôn thương yêu nhau, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, để vơi đi nỗi nhớ nhà. Việc đón Tết tại Hà Nội xa gia đình cũng đã trở thành “thói quen” của những bệnh nhân điều trị lâu năm nơi đây.

Khi được hỏi về mong ước trong năm mới, các bệnh nhân đều có chung một ước muốn là có thêm sức khỏe và được sống khỏe để không còn là gánh nặng của gia đình, xã hội.

 Ngày Tết, với các cư dân ở “xóm chạy thận”, đã từ lâu họ đã không còn chúc nhau “làm ăn khấm khá” hay “tiền vào như nước” mỗi khi năm mới đến. Điều họ mong muốn nhất cho bản thân mình và cho những người hàng xóm của mình trong Tết này cũng như nhiều Tết sau là vẫn sống, vẫn đủ sức khỏe để chiến đấu với bạo bệnh và có đủ tiền để “chạy thận”.

Có lẽ cái Tết Hà Nội là cái Tết mà không một bệnh nhân chạy thận và người nhà nào mong chờ. Họ ước mong một cái Tết được đoàn viên bên gia đình, người thân, nhưng số phận trớ trêu đã gắn họ với căn bệnh này. Cầu chúc cho họ một năm mới bình an, có thêm nhiều sức khỏe để trụ vững và chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng tiếp tục sẻ chia, tiếp thêm động lực để các bệnh nhân có đủ năng lượng chiến đấu với "tử thần", giành giật sự sống, đón một cái Tết xa nhà đầy đủ, ấm áp tình người giữa lòng thành phố.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mơ ước nhỏ nhất và lớn nhất của cư dân xóm chạy thận giữa lòng Hà Nội
Mơ ước nhỏ nhất và lớn nhất của cư dân xóm chạy thận giữa lòng Hà Nội

VOV.VN - Có người ở đây đã gần 30 năm, có người mới đến một vài năm… nhưng với họ đây là gia đình thứ 2 của mình. Mong ước của họ thật giản dị: “Chỉ cần mỗi lần đi chạy thận về không bị mệt để tự chăm sóc bản thân mình là vui rồi”.

Mơ ước nhỏ nhất và lớn nhất của cư dân xóm chạy thận giữa lòng Hà Nội

Mơ ước nhỏ nhất và lớn nhất của cư dân xóm chạy thận giữa lòng Hà Nội

VOV.VN - Có người ở đây đã gần 30 năm, có người mới đến một vài năm… nhưng với họ đây là gia đình thứ 2 của mình. Mong ước của họ thật giản dị: “Chỉ cần mỗi lần đi chạy thận về không bị mệt để tự chăm sóc bản thân mình là vui rồi”.

Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận
Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận

VOV.VN -  TP.HCM có 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc bộ, ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Để đáp ứng nhu cầu lọc thận cho bệnh nhân, mỗi bệnh viện đều phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày. Tuy nhiên, hiện có những bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải.

Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận

Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận

VOV.VN -  TP.HCM có 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc bộ, ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Để đáp ứng nhu cầu lọc thận cho bệnh nhân, mỗi bệnh viện đều phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày. Tuy nhiên, hiện có những bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải.

Ngày 8/3 của những người phụ nữ ở xóm “chạy thận”
Ngày 8/3 của những người phụ nữ ở xóm “chạy thận”

VOV.VN - Ngày 8/3, ngày cả thế giới tôn vinh phái đẹp, nhưng không phải ai cũng được hưởng hạnh phúc ấy. Đâu đó vẫn có những phận đời éo le, họ phải tất bật với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và phải sống chung với bệnh tật đến hết đời.

Ngày 8/3 của những người phụ nữ ở xóm “chạy thận”

Ngày 8/3 của những người phụ nữ ở xóm “chạy thận”

VOV.VN - Ngày 8/3, ngày cả thế giới tôn vinh phái đẹp, nhưng không phải ai cũng được hưởng hạnh phúc ấy. Đâu đó vẫn có những phận đời éo le, họ phải tất bật với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và phải sống chung với bệnh tật đến hết đời.