Dấu ấn Hoàng Sa- Trường Sa

Hoàng Sa và Trưòng Sa là hai quần đảo thiêng liêng trên Biển Đông của Tổ quốc Việt Nam, là phần máu thịt không tách rời của đất nước Việt Nam.

Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã chiếm hữu một cách hòa bình và thực thi chủ quyền liên tục ở Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17, khi hai quần đảo này chưa thuộc chủ quyền của quốc gia nào trong khu vực hay trên thế giới.

Qua những biến động của chính trị và lịch sử của Việt Nam, khu vực cũng như trên thế giới trong thế kỷ 20; quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa đã bị nhiều nước khác chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nhà nước Việt Nam – dù dưới chế độ hay thể chế chính trị nào cũng không từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, luôn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của đất nước Việt Nam.

Bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa là một sự nghiệp lớn và lâu dài của toàn dân tộc. Dấu ấn Hoàng Sa và Trường Sa cần và phải được hiện diện để Hoàng Sa và Trường Sa luôn có trong tâm thức, trong tình cảm mỗi người dân Việt Nam.

Ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), quê hương Hải đội Hoàng Sa, có di tích kiến trúc - lịch sử Âm Linh Tự là nơi thờ những hùng binh Hoàng Sa đã hy sinh khi xác lập chủ quyền và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa từ 300 năm trước. Cũng ở huyện đảo Lý Sơn, bảo tàng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa), cùng tượng đài đội Hoàng Sa đã được xây dựng (hoàn thành tháng 1/2010). Đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10 km2 nhưng mỗi km2 có một di tích về Hoàng Sa và Trường Sa. Lý Sơn là một bảo tàng sống động về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Cửu đỉnh (9 chiếc đỉnh đồng) được đúc từ thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn (hoàn thành năm 1837), hiện đặt tại sân Thế Miếu trong Đại Nội – Kinh Thành Huế được coi là một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh của Việt Nam. Trên Cao Đỉnh - chiếc đỉnh lớn nhất , ứng với vua Gia Long - người sáng lập triều Nguyễn; có hình ảnh Biển Đông với chữ chú thích ngắn gọn và rõ ràng: “Đông Hải”. Đây cũng là một minh chứng cho thấy sự khẳng định chủ quyền ở Biển Đông (cùng các quần đảo) của triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

Tại Sở Nội vụ - UBND thành phố Đà Nẵng, nơi đặt trụ sở UBND Huyện đảo Hoàng Sa có “Phòng trưng bày Hoàng Sa - những tư liệu lịch sử”. Nơi đây lưu giữ và trưng bày nhiều kỷ vật và tư liệu quý giá liên quan đến quần đảo Hoàng Sa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này. Tháng 7/2010, HĐND thành phố Đà Nẵng đã chính thức đặt tên Hoàng Sa và Trường Sa cho hai con đường đẹp và dài nhất thành phố, từ bán đảo Sơn Trà, trải dọc bờ biển tới giáp tỉnh Quảng Nam với tổng chiều dài 27km. Trước đó, ở T.P Hồ Chí Minh cũng đã  có đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc bờ kênh Nhiêu Lộc thuộc địa bàn quận 3 và quận Tân Bình.

Không chỉ ở Lý Sơn, Quảng Ngãi (quê hương Hải đội Hoàng Sa), hay Đà Nẵng, Khánh Hòa – các tỉnh mà Hoàng Sa - Trường Sa là các huyện đảo trực thuộc sự quản lý hành chính; dấu ấn Hoàng Sa và Trường Sa cần phải được hiện diện nhiều hơn nữa trên mọi miền Tổ Quốc để nhắc nhở và ghi sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đó có thể là tên những con đường, tên phố, tên công trình, công viên, hay là tên tổ chức - đoàn thể chính trị xã hội… Những hòn đá chủ quyền ở Trường Sa cần đặt ở nhiều nơi hơn nữa…

Hoàng Sa và Trường Sa phải được hiện diện trên mọi miền, trên từng cây số, Đó là cách giáo dục lịch sử hữu hiệu nhất, cũng là khơi dậy lòng yêu nước, ý thức đấu tranh giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ trong mỗi người dân Việt Nam. Giữ gìn hình ảnh, cũng là một cách giữ gìn chủ quyền mạnh mẽ và bền vững, để khẳng định và chứng minh với thế giới rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam./.

Âm Linh Tự trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Tượng đài Đội Hoàng Sa trước Bảo tàng Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

 Hình ảnh Biển Đông (Đông Hải) khắc trên Cao Đỉnh trong Cửu Đỉnh ở Đại Nội – Kinh Thành Huế

Đường Hoàng Sa bên bờ biển bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng

Đá chủ quyền Trường Sa tại cụm di tích lịch sử cột cờ giới tuyến bên sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị

Đường Hoàng Sa ở TP Hồ Chí Minh

Đường Trường Sa ở TP Hồ Chí Minh

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên