Bức tranh dân số Việt Nam cho thấy rất nhiều điểm “sáng”, điểm tích cực. Chính sách đúng đắn, tầm nhìn dài hạn và quyết tâm thực hiện sẽ là những điều cần thiết để tận dụng được quy mô dân số 100 triệu và để Việt Nam sẽ là một nước “Giàu trước khi già”.

Việt Nam sẽ cần tới giải pháp đặc biệt quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó, gia tăng năng suất lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, công nghệ cao để thay thế việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên bằng các nguồn lực tái tạo khác…

Điểm sáng nổi bật trong bức tranh toàn cảnh dân số Việt Nam là tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng cao, đạt trên 60 triệu, chiếm hơn 60% tổng dân số, cung cấp nguồn vốn nhân lực dồi dào cho đất nước. Dân số trong độ tuổi lao động cũng được dự đoán tiếp tục tăng cho đến khi kết thúc giai đoạn cơ cấu dân số vàng và những năm 2030-2040. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) Nguyễn Trung Tiến cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và phải tận dụng được cơ hội này. Theo ông Tiến, Việt Nam đã duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập niên qua, xu hướng sinh hai con là phổ biến, cần tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hóa dân số.

“Quy mô dân số 100 triệu người là nguồn lực vững vàng cho thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội phát triển đất nước nhanh, bền vững. Hơn nữa, chúng ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội “có một không hai” để các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia”, ông Tiến khẳng định.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, khi các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia thì sự ra đời của công dân thứ 100 triệu là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới. Tận dụng được cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, đầu tư hiệu quả cho giáo dục - đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng, trình độ lao động sẽ tạo ra nguồn lực để phát triển đất nước.

Cũng theo nhận định của GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân, con số 100 triệu dân thể hiện quy mô dân số khá lớn so với các quốc gia trên thế giới cho Việt Nam hai tiềm năng lớn. Thứ nhất là dân số của Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng tự nhiên, chưa bị rơi vào nguy cơ như một số quốc gia là dân số giảm. Thứ hai, dân số tăng cao sẽ tạo ra các thế hệ trẻ tương lai, cơ cấu tuổi trẻ gia tăng khiến nguồn lực lao động cho xã hội tiếp tục được bổ sung. Điều này giúp làm chậm quá trình bị già hóa dân số và kéo dài thời kỳ dân số vàng của đất nước.

“Dân số tăng tạo ra một thị trường tiêu thụ khá lớn. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với thế giới, doanh nghiệp và hàng hóa trong nước đạt trình độ chưa cao thì đã có thị trường trong nước giúp hệ thống sản xuất trong nước có nơi tiêu thụ ngay, để từ đó tích lũy kinh nghiệm và tăng dần trình độ sản xuất đến mức có thể vươn ra được thế giới. Tôi cho đó là những cơ hội rất lớn của dân số 100 triệu trong bối cảnh hiện nay”, GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

Lực lượng lao động trẻ là cơ hội mà Việt Nam cần tận dụng để tiệm cận nhiều hơn với các công nghệ cao… từ đó vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, thu nhập đầu người của Việt Nam hiện nay đang tăng cộng với lực lượng trẻ tăng lên thì việc tiêu thụ thị trường cũng sẽ lớn lên nhanh chóng. Nhu cầu hàng hóa, giải trí vật chất - tinh thần cũng tăng lên. Từ đó, tạo điều kiện tăng cầu để kích nền kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển. 

“Một thuận lợi lớn nữa là giới trẻ trong những năm gần đây trong nền kinh tế thị trường, tính kỷ luật cao hơn các thế hệ trước do Việt Nam đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh hơn các thế hệ trước. Vì thế, chúng ta hy vọng sẽ tạo ra những thế hệ người Việt Nam mới có tri thức, ý thức, kỷ luật, năng suất lao động cao, tinh thần trách nhiệm với quốc gia - dân tộc và có tính hội nhập cao với thế giới”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, quy mô dân số tăng điều quan trọng nhất là phải tăng được chất lượng nguồn nhân lực. 

Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay ở mức rất thấp, số lượng việc làm không nhiều. Dân số tăng nhưng không kèm kỹ năng tăng sẽ khiến năng suất lao động càng bị kìm lại và dẫn đến dư thừa lao động, thậm chí năng suất lao động có thể chậm được cải thiện.

“Những thách thức đó đặt ra yêu cầu chúng ta phải khẩn trương tranh thủ điều kiện của gia tăng dân số, đó là thị trường, lực lượng lao động dồi dào, phong phú trong hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải có các biện pháp để làm chủ, thích ứng với quy mô dân số cao trong hoàn cảnh các nguồn lực đều hạn chế”, GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

Vấn đề chất lượng lực lượng lao động là điều đáng quan tâm. Hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động có bằng, chứng chỉ còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, dưới 30%. Theo số liệu năm 2022, số người từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 75,4 triệu người, trong đó có 51,7 triệu người thuộc lực lượng lao động. Tuy nhiên, cả nước hiện có khoảng 38,1 triệu người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 13,6 triệu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên.

Sự khác biệt về thu nhập giữa lao động có trình độ, kỹ năng và lao động không có trình độ ở mức 1,6 lần. Đặc biệt, kỷ nguyên số 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) Nguyễn Trung Tiến nhận định: “Năng suất lao động và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Nhưng để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập của người lao động cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp…”.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chỉ trong 10 năm (2009-2019), tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm. Theo nghiên cứu của các nhà nhân khẩu học, mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định quy mô, cơ cấu của một dân số trong hiện tại và tương lai. Nếu mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội. Hệ lụy càng nghiêm trọng nếu già hóa dân số quá nhanh xảy ra với những quốc gia còn đang trong quá trình phát triển, năng suất lao động chưa cao.

Tuổi thọ của người Việt Nam ngày một tăng và hiện đã đạt mức cao so với mức trung bình của thế giới. Theo thực hành quốc tế, một quốc gia bước vào thời kỳ dân số già khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân số hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số. Như vậy, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già” vào năm 2036.

Số liệu trên cho thấy, già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với nhịp độ tăng dân số, thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác. Già hóa dân số nhanh đi kèm với các vấn đề kinh tế - xã hội cần phải giải quyết như việc làm, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và vấn đề an sinh xã hội. 

Để chuẩn bị cho già hóa dân số, Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025”, được triển khai trên toàn quốc. Theo đó, yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm đến chính sách BHYT, dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với người cao tuổi; phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mãn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng…

Bệnh cạnh đó, đang có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền. Trong đó, hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế.

Hiện nay, mức sinh đã giảm tới mốc 2 con/phụ nữ và được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những năm tới. Xu hướng giảm cùng với yếu tố văn hóa trọng nam còn tồn tại sẽ đưa đến những tác động không tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Điều này có thể dẫn tới gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như bất bình đẳng giới. 

Việt Nam được dự đoán sẽ dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn - sẽ có tới hàng triệu nam giới gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời.

Đề xuất giải pháp cho Việt Nam, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nhấn mạnh, những thay đổi quan trọng về cơ cấu dân số đang diễn ra tại Việt Nam như một phần của xu hướng lớn toàn cầu. Trong đó, những giải pháp cho những thách thức bùng nổ dân số cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu đặc thù của các nhóm dân số dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực giới. 

Theo UNFPA, với vấn đề già hóa dân số, an sinh xã hội cũng như các cơ chế hỗ trợ và chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi, cần phải được đảm bảo bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận theo vòng đời, và khuyến khích người cao tuổi tiếp tục và mở rộng tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội./.

Tác giả: Hoàng Lê, Vân Anh - Trình bày: Kiều Anh

Ảnh, Flycam: Đỗ Hưng

Thứ Ba, 05:55, 18/04/2023