Thông xe 6 cây cầu huyết mạch trên QL1 và tuyến đường biên giới N1

VOV.VN - Việc đưa vào khai thác cầu Tân An và 5 cầu trên tuyến N1 sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn.

Sáng 7/6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ thông xe cầu Tân An trên Quốc lộ 1 và 5 cầu xây dựng trên tuyến đường biên giới N1 qua địa bàn tỉnh Long An. 

Cầu Tân An trên tuyến QL1 được xây dựng vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, cách cầu hiện hữu nằm bên phải tuyến khoảng 10m.

 

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.046m, trong đó phần cầu dài 301m, rộng 12m (hai là xe cơ giới). Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, vận tốc thiết kế 60km/h, nhịp chính của cầu có kết cấu thép dạng vòm mạng lưới với chiều dài 63m.

5 cầu còn lại gồm: Mỏ Heo, Kênh T62, Kênh T4, Kênh T2 và Kênh T61 được xây dựng trên tuyến N1, mỗi cầu có thiết kế rộng 9m. Tổng giá trị hợp đồng của 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An khoảng 165 tỷ đồng. Trong đó cầu Tân An trên Quốc lộ 1 là cầu lớn nhất với giá trị 110 tỷ đồng được khởi công vào cuối quý 4/2019, 5 cầu còn lại giá trị khoảng 55 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Tân An và 5 cầu trên tuyến N1 sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn, kết nối vùng sâu vùng xa gồm các huyện nghèo biên giới giáp nước bạn Campuchia để tạo đà kết nối các tuyến vận tải nhằm đưa được hàng hóa tiếp cận nhanh về các trung tâm chế biến và tiêu thụ của khu vực.  

Lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Long An tại lễ thông xe. 

Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: "Việc đầu tư để kết nối giao thông đã được định hướng từ TPHCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam ra khu vực biên giới. Các công trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo tiền đề và là động lực phát triển KT-XH của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ nói chung"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên