Lên cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn - huyện Đồng Văn nằm ở phía bắc tỉnh Hà Giang và cũng là điểm cực Bắc của Tổ quốc. Hiện khu vực này đã được khoanh vùng bảo vệ và đang được đề nghị UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới.
Về cấu tạo địa chất, cao nguyên đá Đồng Văn bao phủ một vùng rộng lớn 4 huyện biên giới là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, có độ cao trung bình từ 1.000-1.600m so với mực nước biển. Trong đó, khu vực chính là huyện Đồng Văn có mật độ núi đá lớn và nhiều kiến tạo địa chất giá trị.
Đồng Văn cách thị xã Hà Giang 155km, theo Quốc lộ 4C, đi qua các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ và Yên Minh. Nếu đi qua huyện Mèo Vạc, du khách sẽ vượt đèo Mã Pì Lèng huyền thoại trên cung đường Hạnh Phúc. Mã Pì Lèng được mệnh danh là “Đệ nhất đèo” ở Việt Nam. Đèo có chiều dài 7km, độ dốc lớn, quanh co khúc khuỷu. Khu vực này là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ngày 16/11/2009, danh thắng Mã Pì Lèng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia.
Con đường lên cao nguyên Đồng Văn miên man một màu xám của đá…
Đường lên cao nguyên đá Đồng Văn đèo dốc quanh co |
Trung tâm của huyện Đồng Văn là thị trấn Đồng Văn- nơi có khu phố cổ và chợ cổ (trước đây, huyện lị của Đồng Văn là thị trấn Phó Bảng). Phố cổ Đồng Văn tuy có quy mô nhỏ với vài chục nóc nhà nhưng đẹp và có giá trị kiến trúc - lịch sử đặc sắc có thể sánh với các khu phố cổ Hà Nội, hay Hội An.
Phố cổ Đồng Văn được hình thành đầu thế kỷ 20 với những người Tày, Mông và người Hoa sinh sống. Phố mang dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những mái ngói âm dương. Chợ Đồng Văn được người Pháp quy hoạch xây dựng khi chiếm đóng trong những năm 1920. Chợ được xây bằng đá, lợp ngói và hiện vẫn gần như nguyên vẹn.
Đến Đồng Văn, không thể không tới 2 địa danh khác là Dinh Nhà Vương và Đỉnh Lũng Cú.
Dinh Nhà Vương thuộc xã Sà Phìn do Vương Chính Đức xây dựng đầu thế kỷ 20. Vương Chính Đức (1865-1947), người dân tộc Mông, từng là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông ở khu vực Đồng Văn, Hà Giang đầu thế kỷ 20 và được gọi là Vua Mèo. Dinh Nhà Vương đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia năm 1993.
Đỉnh Lũng Cú, hay là đỉnh núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú - địa đầu phía bắc Việt Nam. Tại điểm cực bắc này có cột cờ Lũng Cú.
Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng có giá trị lớn về mặt địa chất và cảnh quan. Hiện khu vực này đã được khoanh vùng bảo vệ và đang được đề nghị UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới với tên gọi “Công viên địa chất toàn cầu”.
Những hình ảnh về cao nguyên đá:
Một bên vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm |
Đèo Mã Pì Lèng, con đèo dài và dốc trên Đường Hạnh PhúcQuốc lộ 4C. Đây là con đường đặc biệt, tuyến giao thông chiến lược nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Đường Hạnh phúc được mở, nối thị xã Hà Giang và hai huyện Đồng Văn và Mèo vạc; thi công xây dựng từ năm 1959- 1965. |
Dòng sông Nho Quế nhìn từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng |
Miên man màu xám của đá |
Đá làm hàng rào, đá xếp thành ruộng bậc thang, đá quây quần xung quanh nhà… |
Nhưng cây xanh vẫn vươn lên cũng như sức sống của con người |
Nguồn nước sạch rất khan hiếm. Người dân có khi chờ cả buổi hứng nước bên vách núi từ những dòng nước nhỏ. |
Những bước chân trên đá |
Con phố chính ở thị trấn Đồng Văn |
Phố cổ Đồng Văn - một không gian kiến trúc đặc sắc ngay dưới chân núi với những ngôi nhà tường trình, mái ngói. Ở đây có những ngôi nhà trăm tuổi. |
Người dân tộc Mông đi chợ phiên Đồng Văn. Ngoài việc mua bán thì đây là dịp gặp gỡ nhau và trò chuyện. |
Càng lên cao, đá càng nhiều, địa hình càng hiểm trở hơn. |
Dinh “Vua Mèo” Vương Chính Đức cũng mang dấu ấn của đá |
Cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc của Tổ Quốc Việt Nam |
Nụ cười trẻ thơ cao nguyên đá. |