Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022) - Đài Tiếng nói Việt Nam xin trân trọng giới thiệu 10 câu chuyện nhỏ về một cuộc đời lớn: Anh Sáu Dân.

Mỗi câu chuyện là một lát cắt trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước nói chung và cuộc đời ông nói riêng.

Nội dung được thể hiện trên nền tảng đa phương tiện: Audio – giọng đọc của các phát thanh viên/phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, hình ảnh và văn bản.

Võ Văn Kiệt - Giọng đọc: Minh Tâm

Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, là con út trong một gia đình có năm anh trai và hai chị gái. Mẹ ông nhận nuôi thêm một người con (vì vậy ông được gọi là Chín Hòa). Bố là Phan Văn Dựa, mẹ là Võ Thị Quế. Cả hai đều sinh ra ở ấp Bình Phụng - một ấp nghèo thuộc xã Trung Lương, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Lúc ấy, trong ấp chỉ có vài hương chức có nhà ngói, dân làng phần lớn phải thuê đất, thuê ruộng. Gia đình ông cùng nghèo như số đông trong làng, từ đất ở, đất ruộng, đến trâu cày, đều phải đi thuê.

Trong xóm, có một ông chủ họ tên là Phan Văn Chi (Hai Chi) không con, không vợ. Ông Hai Chi phần thấy chị dâu mình vất vả, phần cũng lo nghĩ tới tuổi già, nên xin Chín Hòa về nuôi. Mỗi bữa, Chín Hòa khát sữa, ông Hai Chi lại cất công lòng vòng khắp xóm, ai cho thì bú, người dân quê gọi là "bú thép”.

Từ năm lên sáu lên bảy tuổi, vào mùa gặt, Chín Hòa thường theo cha nuôi lênh đênh đi gặt mướn cho các điền chủ dọc sông Tiền, sông Hậu. Công việc của cậu là giữ ghe hoặc mót lúa. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Chín Hòa chưa bao giờ được đến trường một cách chính thức.

Năm tám tuổi, cậu được đi học. Lớp học do những gia đình trung nông, địa chủ rước thấy về dạy sau ngày mùa cất trại (còn gọi là “dạy mùa”) nên tiền học chỉ phải trả "rất nhẹ".

Ông Hai Mẹo, một trong hai người thầy “dạy mùa" của ông Chín Hòa kể: “Chín Hòa thông minh và ăn nói lễ độ lắm. Nhưng dạy được hai năm thì tôi cũng hết chữ, rồi thôi”.

Mẹ Chín Hòa có tiếng là người phụ nữ nhân hậu, giàu đức hy sinh và nhạy cảm, tinh tế. Dù không sống cùng bà trong một mái nhà nhưng Chín Hòa luôn dành cho mę niềm thương yêu, kính trọng lớn. Khi cần đặt bí danh để hoạt động, Chín Hòa lấy họ Võ của mẹ và Võ Văn Kiệt được dùng như là tên chính thức của ông từ đó đến nay.

Tác giả: Võ Kim Anh – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng

"Đêm cộng sản dậy" - Giọng đọc: Hiền Thục

Năm 1940, Quận ủy Vũng Liêm chủ trương làm một cuộc mít tinh thật vang dội để bắt mạch phong trào chuẩn bị khởi nghĩa. Diễn giả chính trong cuộc mít tinh là chị Năm Hồng, Bí thư Quận ủy. Chị Hồng nói về ruộng đất, nói về tương lai mỗi nông dân sẽ có được một mảnh ruộng của mình. Nghe, ai nấy đều vô cùng sung sướng. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư xã, được phân công truyền đạt lại một bài do trên gửi xuống về “thanh niên phản đế”. Khi nói đến “đánh đuổi đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến địa chủ, giành bình đẳng, tự do” thanh niên bật dậy hô to khẩu hiệu. Chính quyền sửng sốt trước cuộc mít tinh. Dân chúng thì xôn xao về vụ cộng sản diễn thuyết quốc sự.

Sau đó, chính ông Võ Văn Kiệt là một trong những người chỉ huy cuộc dấy binh đêm 23/11/1940 ở Vĩnh Long - “Đêm cộng sản dậy”, theo cách nói của dân chúng lúc đó, và “Nam Kỳ khởi nghĩa", theo cách gọi của lịch sử Đảng Cộng sản sau này.

Đêm đó, Chín Hòa dẫn lực lượng hai xã gần trăm người đi “lấy” đồn Bắc Nước Xoáy. Anh em, toàn thanh niên, trong tay chỉ có giáo mác, gây gộc và một ống loa làm bằng thùng sắt.

Sau này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhớ lại: “Trong đầu chỉ có một cách đánh thô sơ, hết sức ấu trĩ vì chỉ tính có một tình huống là thắng”. Đoàn quân đi cướp đồn mà như đi hội, lội bộ 10 km, cứ thẳng đường cái mà đi. Đến bên bờ con sông Mang Thít trong xanh, đồn lính ở bên kia thuộc quận Tam Bình, phải qua bằng phà.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt điều hành phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Ảnh: Minh Đạo.

Cả trăm người xuống phà. Lên bờ, đèn xe rọi vào đồn, thấy trong đồn lính ngủ la liệt, bên ngoài vài tên đứng gác lớ ngớ. Toàn bộ lực lượng hợp lực tấn công, quân lính trở tay không kịp, chạy tán loạn. Đoàn quân vây bắt lại, tước súng. Một số anh em khác leo lên lấy giáo mác chặt dứt hết dây thép, cắt đường thông tin liên lạc. Rồi Chín Hòa trèo lên cổng đồn, bắc loa kêu gọi đồng bào nổi dậy đánh đổ ách thống trị của thực dân đế quốc, phong kiến địa chủ. Đội quân của Chín Hòa đã hoàn toàn chiếm được đồn Bắc Nước Xoáy.

Cuộc nổi dậy vào đêm 23/11/1940 với giáo mác, gậy gộc đã đánh chiếm được đồn Bắc Nước Xoáy. Kỷ niệm cách mạng đầu đời ấy được ông chọn làm ngày sinh của mình sau này.

Tác giả: Võ Kim Anh – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng

Sáu Lục lạc - Giọng đọc: Minh Tâm

Trong điều kiện giặc truy lùng gắt gao, ông vẫn hòa mình với đồng bào địa phương, được đồng bào hết lòng thương yêu, chở che, đùm bọc... Hình ảnh chàng thanh niên Chín Hòa lanh lợi, miệng nói tay làm khi phát cỏ, lúc cắt lúa, xắn khóm (dứa),.... còn đọng mãi trong tâm trí người dân vùng Kinh 1, Kinh 2 , Kinh 3, Kinh 4,... (Vĩnh Thuận). Ông sống cuộc sống của một người dân thường. Ông đến với đồng bào, đồng chí hết sức thật lòng, cởi mở, chan hòa. Câu chuyện của Chín Hòa lúc nào cũng đầy tiếng cười và lạc quan...

Kể về ông trong thời kỳ gian khổ này ở U Minh, Rạch Giá, bà Hai Được, người mà ông Kiệt xem như chị ruột của mình nói: “Nó lí lắc dữ lắm... Tới đâu là biết liền hà! Như cái lục lạc.... Cái lục lạc!”.

Từ đó, biệt danh "Sáu Lục Lạc" ra đời. Đây chỉ là cái tên tồn tại trong một thời gian ngắn của ông, sau này cũng ít người nhắc lại. Nhưng niềm vui và sự lạc quan mà ông mang cho nhiều người, cho cả dân tộc vẫn còn mãi.

Tác giả: Diệp Hoàng Du - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Phát khóc vì bị ép làm Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá - Giọng đọc: Việt Cường

Lúc này, Đảng còn hoạt động bí mật, chưa ra công khai. Danh xưng cơ quan của Đảng, từ tỉnh đến huyện, vì vậy cũng được lấy nhiều tên gọi khác nhau. Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Rạch Giá gọi là “Cứu Quốc hội"... Đại hội này là "cuộc Đại biểu hội nghị của Cửu Quốc hội tỉnh Rạch Giá". Đây cũng là Đại hội lần đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Rạch Giá kể từ ngày tỉnh có tổ chức đảng.

Bấy giờ, ông Nguyễn Thành Nhơn (Năm Nhơn) là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh Rạch Giá. Tỉnh ủy dự kiến Đại hội kỳ này sẽ bầu ông Nhơn tiếp tục làm Chủ tịch, còn ông Kiệt làm Bí thư Tỉnh ủy. Khi đem ra bàn, ông Kiệt nói rằng, mình học hành không bao nhiêu, lãnh trách nhiệm lớn quá e sẽ gặp khó khăn cho tập thể và công việc chung, trong khi đó cấp ủy các cấp, số cán bộ, đảng viên trí thức, “Tây học" rất nhiều...

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cưỡi ngựa thị sát.

Ông giới thiệu và đề nghị nên để ông Nhơn làm Bí thư thì “thuận hơn” vì ông Nhơn học hành giỏi giang, quá trình hoạt động, công tác đã chứng tỏ được là người cán bộ có năng lực, đạo đức, gương mẫu, lại nói tiếng Tây... "ra lỗ mũi".

Ông Nhơn thì cho rằng, trong Tỉnh ủy hiện thời, ông Kiệt là thành phần cơ bản, là cán bộ tiền khởi nghĩa (tham gia từ Nam Kỳ khởi nghĩa), là Tỉnh ủy viên lớp đầu của tỉnh Rạch Giá, có quá trình cách mạng kiên cường, tư cách cá nhân, uy tín lãnh đạo cao... nếu làm Bí thư Tỉnh ủy thì không có gì phải bàn cãi!

Các đồng chí trong Tỉnh ủy như Nguyễn Thanh Danh, Trần Văn Hình, Phạm Xuân Hòa, Trần Hữu Phước cũng nói thêm vào.

Bị các đồng chí ép quá, ông Kiệt vừa tìm cách từ chối, vừa…khóc!

Cuối cùng thì cũng thỏa hiệp được một phương án: Đại hội thống nhất bầu ông Nhơn làm Bí thư Tỉnh ủy (kiêm luôn Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh), ông Kiệt làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Khi bị "dồn ép”, ai cũng phải tìm cách “chống trả". Không được thì nóng nảy, bực bội, đổ quan; yếu thế quá thì... cũng có thể khóc, là chuyện bình thường. Nhưng bị ép làm lãnh đạo mà khóc là chuyện mà tôi cho là vô cùng hiếm!

Tác giả: Diệp Hoàng Du - Trương ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Tổ buôn lậu gạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM - Giọng đọc: Minh Tâm

Một buổi sáng sớm, bà Nguyễn Thị Ráo, tức bà Ba Thi - Giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM - nhận được điện thoại của anh Sáu Dân, tức đồng chí Võ Văn Kiệt. Anh Sáu mời bà đến nhà ăn sáng. Bà Ba Thi đến nhà Bí thư thì thấy ba vị khách nữa cũng là quan chức đầu ngành của thành phố. Đó là ông Lữ Minh Châu - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, ông Năm Ẩn - Giám đốc Sở Tài chính và một hai vị khách khác cũng đang chờ... ăn sáng. Đó là một buổi sáng của năm 1979.

Khi đó 3,5 triệu dân của một thành phố từng là "hòn ngọc Viễn Đông" đang rơi vào nạn thiếu đói đầu tiên và gay gắt chưa từng có.

Lúc này đất nước đã thống nhất được gần 5 năm và mùa này lúa ở ĐBSCL cũng vừa gặt xong, chất đầy bồ. Mặc dù người dân ở thành phố sẵn sàng bỏ tiền mua nhưng gạo vẫn không có. Bởi Sở Lương thực hay Công ty Lương thực dẫu có tiền cũng không thể mua được lúa của dân vì Ủy ban Vật giá quy định giá mua quả thấp, bà con không bán.

Bí thư nói: “Chúng ta là lãnh đạo của thành phố mà để dân đói thì chúng ta có xứng là lãnh đạo không? Có còn là người cộng sản không? Hôm nay, tất cả các anh, chị ngồi đây phải nghĩ kế để làm cho dân thoát đói. Ai không có kế thì tôi không cho về! Tôi sẽ nhốt ở đây..." Bà Ba Thi nói ngay: “Kế không khó, không cần phải nghĩ vì chỉ cách đây ít cây số, ĐBSCL có rất nhiều lúa. Chỉ cần xuống đó mua về rồi xay xát bán cho dân”.

Anh Sáu hỏi: “Vậy sao không mua được?". Bà Ba Thi nói: "Ủy ban Vật giá Nhà nước chỉ đạo giá mua lúa chỉ có 5,2 hào/ký. Giá này là giá treo, không thể mua được, vì giá ngoài chợ là 3 đồng/ký. Nếu mua với giá chợ là vi phạm”.

Bí thư nói: “Nếu làm cho dân hết đói thì không phải là vi phạm sao?”. Bà Ba Thi tiếp: “Tôi cũng không sợ vi phạm kiểu đó, nhưng muốn mua phải có tiền. Nhà nước chỉ cấp cho công ty tiền theo giá lúa 5,2 hào thôi".

Bí thư nói: "Thế nên tôi mới nhờ anh Lữ Minh Châu đến đây. Vậy kế của anh Châu là gì?". Ông Châu nói: "Ngân hàng không thiếu tiền nhưng phải có lệnh của (ngành) tài chính thì mới xuất được". Anh Sáu lại quay sang ông Nam Ẩn (Giám đốc Sở Tài chính) nói: “Kế của anh Năm là sao?".

Ông Nam Ấn trả lời: “Thưa Bí thư, nếu có lệnh của anh thì tôi sẽ viết được lệnh cho ngân hàng". Bí thư kết luận ngay: "Trong buổi sáng nay, UBND TP sẽ có văn bản yêu cầu Sở Tài chính đồng ý cho ngân hàng xuất tiền cho Công ty Lương thực. Công ty và Sở Thương mại phải tổ chức mua lúa gạo phân phối cho nhân dân. Việc hôm nay chúng ta đang làm có thể gọi là thành lập tổ buôn lậu gạo. Nhưng thực chất là cứu đói cho dân. Ngày mai chị Ba Thi xuống ĐBSCL mua lúa đúng giá chợ, về xay xát bán cho bà con không cần lấy lãi".

Hôm sau, bà Ba Thi chỉ huy một đoàn xe vận tải tràn xuống ĐBSCL. Tuy nhiên, thời đó mỗi km đường là một trạm gác. Trạm gác chỉ cần một cây súng, cắm một lá cờ là có thể ách bất cứ phương tiện vận tải nào và kiểm tra, lập biên bản. Bà Ba Thi liền nhờ một chiếc xe quân đội, biển đỏ, có lính mặc quân phục xanh, đeo súng dẫn đầu đoàn xe. Xe quân đội vượt qua tất cả mọi trạm gác. Xuống tới chợ, công ty rút tiền mua lúa công khai với giá 3 đồng/kg. Bà con nông dân mừng quá tranh nhau cân lúa. Lãnh đạo địa phương các tỉnh nghe tin đây là kế hoạch của anh Sáu cũng hết sức tạo điều kiện bằng cách “làm ngơ.

Lúa về thành phố được xay xát rồi chia cho các cửa hàng lương. thực, các chợ bán cho bà con đúng giá vốn: 5 đồng/kg gạo. Trong khi người thành phố phải bỏ 7-8 đồng/kg đi mua chui như người ăn trộm mà cũng không đủ ăn. Lúc này ai cũng vui mừng khôn tả.

Sự việc được báo cáo về Trung ương. Trung ương triệu tập bà Ba Thi ra Hà Nội. Làm việc với bà là người lãnh đạo cao nhất của Đảng là Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tổng Bí thư ngồi yên lặng nghe bà Ba Thi báo cáo đầy đủ tình hình từ đầu đến cuối. Sau cùng ông nói: “Cô Chín Ráo làm như vậy là đúng”.

Cũng sau đó ít lâu, bà Ba Thi được phong tặng danh hiệu anh hùng. Đây là lần thứ hai bà nhận danh hiệu đó. Lần trước là trong chiến đấu giải phóng miền Nam và Lần này là xây dựng đất nước. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giả Nhà nước cũng được thuyên chuyển sang công tác khác.

 “Tổ buôn lậu” của anh Sáu không chỉ cứu đói cho 3,5 triệu dân TP.HCM mà còn cứu cho hơn 10 triệu bà con nông dân lúc đó thoát khỏi cảnh phải bản lúa cho Nhà nước với giá lỗ vốn: 0,52 đồng/kg.

Tác giả: Đặng Phong - Báo Tuổi trẻ

"Để tôi đưa anh đi, đừng vượt biên nguy hiểm" - Giọng đọc: Hiền Thục

Năm 1980, trong khi Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn đang đi công tác ở Liên Xô, một người con của ông “vượt biên" không thành. Phải sống ở Sài Gòn thời ấy mới cảm nhận được sự dữ dội của hai từ “vượt biên”. Trở lại Sài Gòn, ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Để cháu đi như vậy, có gì, tôi với anh có tội".

Vợ Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn là một dược sĩ đang làm ở một bệnh viện lớn. Giải phóng, bà được xếp vào thành phần “bóc lột”, bị thay thế bởi một người yếu kém về chuyên môn. Con gái ông, sau này trở thành một bác sĩ giỏi ở Mỹ, những năm ấy, thi vào dự bị y khoa không đỗ. Cho dù giáo sư vẫn quyết tâm gắn bó với chế độ mới, lòng tin của vợ con ông vơi dần.

Biết chuyện, ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng qua lại, trò chuyện với gia đình Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, nhưng ông nhận ra mình bất lực. Ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và mấy cháu đi, đi chính thức. Bên đó, có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này, nếu các cháu trở về thì tốt, nếu không, tôi với anh cũng được làm tròn bổn phận”.

Cũng trong những năm ấy, ông Kiệt cho gọi Tổng thư ký Hội Trí thực yêu nước Huỳnh Kim Báu lên dặn: “Anh nghe ngóng, anh em trí thức lỡ "đi", nếu có bị bắt ở đâu, anh phải đi lãnh về".

Ông Huỳnh Kim Báu nhớ lại: "Một lần, nhận được tin công an Bình Thuận bắt giam kỹ sư Dương Tấn Tước về tội vượt biên, ông Kiệt cấp giấy cho tôi, ra Bình Thuận “di án" về TP. Hồ Chí Minh thụ lý".

Ông Báu kể: “Khi bước vô trại giam, anh Tước thấy tôi, mừng quá định kêu lên, tôi phải giả vờ làm mặt lạnh, bước tới, còng tay anh Tước. Dọc đường, tôi cứ phải làm thinh mặc cho kỹ sư Dương Tấn Tước ngơ ngác. Qua khỏi Bình Thuận, tôi mới mở còng và giải thích”.

Đích thân ông Kiệt nhiều lần đến các trại giam để bảo lãnh các tri thức. Theo ông Phạm Văn Hùng và Nguyễn Văn Huấn, hai người giúp việc thân cận thời đó của ông, hình thức “xử lý” đối với những tri thức vượt biên của “anh Sáu Dân" là kêu tụi tôi đích thân đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo cho họ. Một trong những trí thức mà ông Kiệt rất quý trọng là kỹ sư ngành dệt Phạm Văn Hai. Khi ông Hai vượt biên bị bắt, ông Kiệt vào trại giam nói: “Khi nào không ở lại được nữa hãy nói với tôi, anh đừng đi như thế, nguy hiểm lắm".

"Nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì người ra đi không phải là chúng tôi" - Giọng đọc: Việt Cường

Ông Võ Văn Kiệt nhiều lần tâm sự, ông hiểu phần lớn những trí thức chọn ở lại sau ngày 30/4 không phải vì họ bị “kẹt”. Ông biết nhiều người có trong tay cả một chiếc máy bay đã cất cánh nhưng không thể nào rời bỏ Việt Nam được.

Nhiều người, như giáo sư Châu Tâm Luân, đã từng là một "kẻ chống đối" trong chế độ cũ. Kết thúc chiến tranh là một cơ hội mà phần lớn người dân miền Nam lúc ấy hy vọng sẽ nhanh chóng thống nhất được lòng người để xây dựng một đất nước ấm no, hạnh phúc. Nhưng, ông hiểu vì sao chính những người đó về sau đã "vượt biên".

Ông Đặng Anh Võ, một chuyên gia trong ngành viễn thông, do từng phục vụ trong quân đội, sau 1975, phải đi "học tập" một thời gian. Cũng như nhiều tri thức lúc đó, ông Võ phải làm đủ nghề để kiếm sống. Ông, một người lãnh lương gần 4 cây vàng một tháng hồi trước 1975, kể lại cuộc sống về sau trong tập sách “Những trang đời” do hội Nghiên cứu dịch thuật xuất bản: 16:30 tan sở; 17:00 đến Trung tâm ngoại ngữ, 21:00 về, ăn qua loa rồi phụ vợ gọt thơm, gọt ổi để sáng còn kịp đi bỏ mối. Nhiều hôm, 21:00 dạy ra, bánh xe bị xẹp, phải dắt bộ 9 km về nhà tự vá để tiết kiệm 3 đồng! Nhưng, sự khốn khó của cuộc sống không phải là tất cả.

Ông Huỳnh Kim Báu kể, năm 1978, khi có nhiều trí thức bỏ nước ra đi, ông Võ Văn Kiệt đã gặp gỡ trí thức thành phố, kêu gọi họ ở lại. Ông nói: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường". Lúc đó, GS Nguyễn Trọng Văn đứng lên trả lời ông: “Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người ra đi không phải là chúng tôi”. Câu nói của Giáo sư Nguyễn Trọng Văn gây rúng động.

Tối hôm ấy tại văn phòng Thành ủy có một cuộc họp, Huỳnh Kim Báu được mời dự. Các ý kiến phê phán GS Văn hết sức gay gắt, có người đề nghị: Bắt! Ông Báu kể, Sáu Dân làm thinh, nhưng cặp mắt đăm chiêu, buồn. Cuối cùng, ông nói: “Sau khi nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ, tôi thấy, anh Văn đã phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng người ra đi không thể là các anh ấy”. Kết luận của “Sáu Dân” khiến cho mọi người im lặng và nhờ kết luận đó, GS Nguyễn Trọng Văn đã không bị bắt.

Áo quần phương Tây - Giọng đọc: Hiền Thục

Năm 1990, khi đại diện Việt Nam lần đầu tiên tham dự diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, ông Kiệt kể: “Tôi không yên tâm với bài phát biểu do anh em văn phòng chuẩn bị. Anh em giỏi nhưng hiểu về phương Tây chưa nhiều”. Ông Kiệt không ngần ngại đưa bài phát biểu của mình vào Sài Gòn nhờ Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đọc lại.

Đồng thời, ông cho bà Tôn Nữ Thị Ninh liên hệ với Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo lúc ấy đang ở nước ngoài bay đến Davos. Như vậy, trong chuyến đi tới phương Tây lần đầu tiên ấy, ông không chỉ có một người bạn mà còn có một "cố vấn" ở bên cạnh.

Trước chuyến đi, ông cũng nhờ bà Tôn Nữ Thị Ninh tư vấn về trang phục. Đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu đổi mới và thế giới bắt đầu nhìn thấy một nhà lãnh đạo “cộng sản”, từ trong cách ăn mặc, phát biểu, hết sức thân thiện và không có nhiều khác biệt với thế giới bên ngoài.

ASEAN, EU và chuyện nhân quyền - Giọng đọc: Minh Tâm

Cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ XX, nhất là sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, “tình hình xuống tận đáy", Việt Nam đã lựa chọn quan hệ đối ngoại đa phương. Nhưng, cho dù làm bạn với tất cả" đã trở thành Nghị quyết của Đảng, việc thực hiện cũng không đơn giản, dễ dàng.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các vị lãnh đạo các nước ASEAN. Ảnh: Minh Đạo.

Vào ngày Bộ trưởng các nước ASEAN họp để nghe Việt Nam trả lời về việc gia nhập ASEAN, vẫn có những ý kiến khác nhau từ Thường vụ Bộ Chính trị. Tổng Bí thư Đỗ Mười ngay sau đó cử Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan bay vào TP.HCM gặp ông Võ Văn Kiệt, thành viên không tham dự phiên họp này của Thường vụ.

Khi nghe ông Vũ Khoan báo cáo, ông Kiệt trả lời tức thì: “Điện ngay cho anh Cầm trả lời ASEAN là Việt Nam đồng ý" (đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao). Ông Võ Văn Kiệt giải thích: “Nếu khi ấy Việt Nam do dự thì sẽ rất bất lợi, họ sẽ nghĩ Việt Nam chỉ thăm dò chứ không thành thật và như vậy thì cơ hội bỏ mất không biết đến bao giờ".

Cũng trong những năm 1993, 1994 khi đàm phán đã gần dẫn đến ký kết Hiệp định với EU thì gặp phải một điều kiện đó là điều khoản về nhân quyền mà “ở nhà” bàn rất nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, EU đưa vấn đề nhân quyền ra như một điều kiện chính trị là không thể chấp nhận.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến thăm Liên minh Châu Âu, khi còn đương nhiệm

Trước khi bay đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt bàn với Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Tôi đề nghị anh đống ý cho tôi về mặt nguyên tắc nếu những hiệp định mà EU ký với các nước khác không có vấn đề nhân quyền mà chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam thì ta sẽ thuyết phục họ rút lại điều khoản này; nếu đấy là thông lệ của EU thì anh cho tôi quyết định vì mình cũng không nên đặt mình như là một ngoại lệ" Tổng Bí thư Đỗ Mười nhất trí.

Võ Kim Anh – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng

Thủ tướng điện - Giọng đọc: Việt Cường

Chú tâm huyết xây dựng ngành điện đến nỗi người dân đã gọi Chú bằng cái tên thân thương “Thủ tướng Điện". Và biết bao lần tôi chứng kiến nỗi trăn trở của người lãnh đạo đã cực kỳ sáng suốt, quyết liệt phát triển điện năng cho Tổ quốc như là chiếc chia khóa mở cánh cửa hội nhập. “Với điện đóm chập chời, thiếu trước hụt sau như thế này thì có ai muốn đến đầu tư với mình chứ” - thời điểm ấy Chú hay bực bội như vậy.

Để xây dựng đường dây siêu cao áp 500KV, Chú liên tục có mặt trên những địa điểm thi công hiểm trở ở những cung đường Trường Sơn, đại ngàn Tây nguyên, thung lũng, đầm lầy miền Đông Nam Bộ... kịp thời gặp gỡ, khen thưởng từng đơn vị thi công cùng lãnh đạo ngành điện tháo gỡ những khó khăn phát sinh.

Tuy nhiên sóng gió lớn nhất với công trình đường dây 500KV bủa vây quanh Ông không hẳn là vấn đề kỹ thuật, là kinh phí... mà là điều tiếng, từng lúc hết sức nặng nề rằng đường dây 500 KV là dự án duy ý chí, là làm thâm hụt ngân sách, là chưa thông qua Quốc hội, là Thủ tướng chơi nổi...

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và lãnh đạo TP.HCM tại Lễ “Mừng dòng điện 500 kV” ở Hội trường Thống Nhất (5/6/1994)

Tôi đã từng ngồi hàng giờ nhìn ông đăm chiêu: “Nhiều ý kiến cho rằng đường dây 500 KV là công trình bất khả thi vì kéo dài hàng ngàn cây số từ Bắc vào Nam, sẽ gặp nhiều bất trắc, hiểm nguy trong công tác bảo vệ, tại sao không bán điện đang dư thừa ở miền Bắc, lấy tiền xây dựng nhiệt điện cho miền Nam, thì tiện lợi và khả thi hơn không? Tôi đã cân nhắc nhiều lắm, khi miền Bắc mất mùa, thiếu gạo thì miền Nam cấp tốc chi viện bằng mọi phương tiện. Gạo được chở ra Bắc bằng đường thủy, đường bộ, bằng xe lửa... Nay miền Nam đói điện, thì làm sao có thể đem điện thừa miền Bắc bán sang Trung Quốc, dù cho là để lấy tiến xây dựng nhà máy điện cho miền Nam, thì đâu có hợp với đạo lý và nhà máy điện nào cũng phải mất từ 3 đến 5 năm mới xây dựng xong, trong khi đường dây 500 KV chỉ mất 2 năm xây dựng và đưa vào tải điện”.

Lúc ấy tôi đã hỏi Ông rằng: “Nhưng nhiều người nói chú không phải là nhà khoa học thì đâu có cơ sở để quyết một công trình năng lượng hiện đại, tốn kém như vậy?".

Ông không hề tự ái, mà chỉ cười độ lượng: “Đúng vậy, tôi không là nhà khoa học, nhưng bạn bè tôi là những nhà khoa học hàng đầu ngành năng lượng. Tôi đã tập hợp, biết lắng nghe và tôi quyết định bằng cả sinh mạng chính trị của mình”.

Cuộc hành trình 2 năm xây dựng đường dây 500 KV kết thúc. Sau 20 năm đất nước thống nhất, hệ thống điện quốc gia mới được thống nhất qua lưới điện truyền tải 500 KV, vĩnh viễn chấm dứt thời kỳ phát điện phân tán, cục bộ từng địa phương trên cả nước.

Một buổi tối Trung thu năm 1994, sau khi đến thăm cán bộ công nhân trạm biến áp 500 KV Đà Nẵng, Ông điện thoại gọi tôi đến nhà khách Tỉnh ủy. Chỉ một mình tôi thưởng thức bánh Trung thu, còn Ông thì bác sĩ không cho dùng loại bánh nhiều dầu mỡ này. Ông trầm ngâm, chậm rãi nhắc chuyện ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, lúc ấy đang thụ án trong nhà giam vì vụ án 3.000 tấn thép của dự án đường dây 500 KV. Ông đã nói: “Công trình 500 KV đang phát huy hiệu quả, trong đó công lao của Vũ Ngọc Hải lớn lắm, không thể phủ nhận được. Hải đã tham mưu cho tôi, đã tập hợp, tổ chức lực lượng thi công dự án này. Tội của Hải, pháp luật đã xử lý, nhưng công thì cũng phải được ghi nhận. Tôi đã vào trại giam mở sâm panh chúc mừng với Hải đường dây 500 KV đã đóng điện thành công và gắn chiếc Huy hiệu 500 KV đầu tiên cho Hải. Không nhớ đến Vũ Ngọc Hải trong lúc này, lương tâm chúng ta không thanh thản được đâu”.

Tác giả: Minh Thu – PV Đài Truyền hình TP.HCM


Thứ Tư, 06:00, 23/11/2022