Tượng sống rừng Sác anh hùng

Chiến khu rừng Sác - địa danh gắn liền với các chiến sỹ đặc công Đoàn 10 thời kháng chiến chống Mỹ. Gần 40 năm sau chiến tranh, những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của họ vẫn còn vang mãi…

Di tích căn cứ Rừng Sác nằm ở huyện Cần Giờ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km về hướng Đông Nam. Để vào tham quan nơi đây có 2 cách, đi bộ hoặc ca nô. Phần lớn du khách chọn ca nô để có những trải nghiệm thú vị.

Sau chừng 5 đến 7 phút lướt trên con lạch ngoằn ngoèo, ca nô sẽ cập bến. Dưới tán cây Rừng Sác, một không gian nhỏ tái hiện gần giống như chiến khu năm xưa một phần cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đặc công Trung đoàn 10 thời Mỹ ngụy. Những lán nhỏ mái lá rải rác khắp nơi là Hội trường, trạm xá, Sở chỉ huy, nhà hậu cần, nhà chế tạo vũ khí tự tạo, những căn hầm trú ẩn… được nối với nhau bằng những con đường giữa rừng dựng từ tre nứa, thân mắm, đước...

Nằm ở trung tâm khu căn cứ là Đài tưởng niệm liệt sĩ rừng Sác. Một tượng đài uy nghi, biểu tượng cho uy danh và lòng quả cảm của các chiến sỹ đặc công rừng Sác sừng sững giữa rừng đước xanh, khói hương lan tỏa. Đây cũng chính là bức thông điệp cho muôn đời sau về sức sống, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng con người và cả dân tộc Việt Nam. Trong 9 năm sống và chiến đấu tại đây, có 860 anh hùng, liệt sĩ đã làm nên những chiến tích anh hùng và đã ngã xuống ở mảnh đất này nhưng chỉ một phần ba trong số họ có mộ chí. Những người lính rừng Sác đa phần còn rất trẻ, khi hy sinh tuổi mới đôi mươi.

Ấn tượng hơn cả là những bức tượng “sống” về các chiến sĩ đặc công rừng Sác được tạo dựng ở đây. Góc này là cảnh họ đang trình bày phương án và hạ quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè. Nơi kia một nhóm mình trần, quần xà lỏn đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Dưới lạch, một chiến sỹ quần nhau với cá sấu. Ở bìa rừng, chỉ huy đang giao nhiệm vụ và tiễn đưa các chiến sĩ ra trận. Bên bể nước mưa hứng từ ngọn cây, o du kích nhỏ đang chưng cất nước ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu… Đến đây, được tận mắt nhìn thấy khung cảnh sinh hoạt, chiến đấu của những người lính Cụ Hồ trong lòng mỗi người trào dâng những tình cảm trân trọng, khâm phục xen lẫn sự biết ơn.

Đại tá Lê Hữu Ước (đứng giữa), nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác (82 tuổi) và người bạn đời, bà Thân Thị Vân (68 tuổi) đang kể chuyện về đồng đội ông – những chiến sĩ đặc công Rừng Sác anh hùng
Một điều thật tình cờ và may mắn khi chúng tôi có cơ duyên được gặp Đại tá Lê Bá Uớc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 Rừng Sác - đơn vị hai lần Anh hùng tại chính nơi ông cùng đồng đội đã sống và chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách vang động cả thế giới. Người anh hùng đặc công Rừng Sác đã kể lại những câu chuyện về các trận đánh "xuất quỷ nhập thần" làm địch khiếp vía trên sông Nhà Bè như những huyền thoại. Thú vị hơn ông còn đọc và ngâm những vần thơ mộc mạc và đầy lạc quan của mình.

Biệt khu Rừng Sác là một căn cứ cách mạng quan trọng của quân ta. Thời chống Pháp, rừng Sác là một căn cứ nổi tiếng, nơi giao liên và tiếp nhận binh vận và vũ khí. Thời chiến tranh chống Mỹ, một tổ chức quân sự của ta được thành lập gọi là "Đặc khu Rừng Sác" tại đây với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10.

Nhiệm vụ của lực lượng Đặc khu Rừng Sác tập trung “kiểm soát” sông Lòng Tàu. Đây là tuyến đường chiến lược để các tàu của địch từ biển Đông vận chuyện hàng hóa, vũ khí đạn dược về nội thành và là vành đai bảo vệ cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn. Trong hơn 9 năm (từ 1966 đến 1975), Đoàn 10 đã đánh 595 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 lính Mỹ, Ngụy; đánh chìm và đốt cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, bắn rơi 29 máy bay trực thăng, thiêu huỷ hàng trăm triệu lít xăng dầu. Trong đó có rất nhiều chiến vang dội: làm nổ tung tổng kho Long Bình, thành Tuy Hạ, thiêu rụi kho xăng Nhà Bè suốt 10 ngày… khiến Mỹ, Ngụy khiếp sợ.

Để "đập tan thế cầm cự của Việt Cộng" bên hông Sài Gòn, Mỹ đã trút xuống Rừng Sác 2 triệu tấn bom đạn và hơn 4 triệu lít chất diệt cỏ khiến cánh rừng ở đây nhiều nơi trơ trụi khiến cuộc chiến sinh tử lại càng cam go hơn bội phần. Bị bao vây, lương thực cạn kiện, các chiến sĩ phải ăn đọt chà là, đọt ráng, lá kìm, rau bui, dừa nước... để sống. Nhưng, họ vẫn bám rừng, tiếp tục lập thêm những chiến công vang dội. Lúc bấy giờ, Nha cảnh sát Sài Gòn đã từng treo thưởng hàng chục cây vàng cho ai bắt được đặc công rừng Sác.

Rừng Sác - địa danh đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Gần 40 năm sau chiến tranh, chiến khu rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục dục về truyền thống chiến đấu dũng cảm của quân dân Nam bộ.

Di tích căn cứ Rừng Sác – Cần Giờ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia trong năm 2005.

Cùng VOVOnline vào thăm Di tích căn cứ Rừng Sác lịch sử:

Để vào sâu bên trong chiến khu rừng Sác, du khách phải chờ đến hai giờ chiều nước thủy triều lên thì mới đi ca nô được. Tuyến đường thủy dài chừng 5 km dẫn đến khu căn cứ Rừng Sác do Công ty du lịch sinh thái Cần Giờ phục chế lại. Đây là mô hình tái hiện hình ảnh con đường trong rừng năm xưa của Đoàn 10 đặc công 9 năm bám trụ trong rừng Sác.

Phần lớn du khách chọn ca nô để được được hưởng cái cảm giác sảng khoái khi cano lướt vòng vèo dưới tán rừng đước rễ chùm to, đan xen chồng chéo lên nhau bám chắc vào bùn đất ven sông. 

Hội trường

Trạm xá

Quân nhu

Tại nhà bếp, du khách có thể thưởng thức cơm vắt cùng món ba khía muối ăn kèm gỏi lá kìm Rừng Sác… hồi tưởng đến những bữa cơm của chiến sĩ đặc công rừng Sác năm xưa

Nấu nước mặn thành nước ngọt theo kiểu chưng cất như nấu rượu. Dùng nước sông cho vào nồi đun bốc hơi, bên trên có chảo ngưng và có máng dẫn nước ngưng đó đến một dụng cụ chứa khác. Trung bình 2 chiến sĩ nấu 24h đồng hồ thu được 300 lít nước ngọt đủ cho một trung đội ăn uống trong 1 ngày. Sáng kiến này đã giải quyết được 1 trong những khó khăn lớn nhất của Trung đoàn

"Bể" hứng nước mưa

Pháo hỏa tiễn Đoàn 10 tập kích vào Sài Gòn. Pháo do Liên Xô chế tạo được cải tiến bằng lối đánh pháo – đặc công luôn luôn là mối đe dọa của kẻ thù. Chiến sĩ Trung đoàn 10 đánh trong mọi tình huống.  

Rừng Sác được ví là nơi “rừng sâu nước độc” bởi bạt ngàn là rừng và xen lẫn, bao quanh là hàng chục con sông lớn, nhỏ...

Chỉ huy Đoàn 10 đang nghe các chỉ huy phân đội báo cáo tình hình thực địa và Hạ quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè (3/12/1973) - một trung tâm cung cấp xăng dầu: 50% dân dụng,  50% cho quân lực VNCH của kẻ địch. Trong trận đánh này, các chiến sĩ mũi 5 Đoàn 10 đã thiêu hủy 140 triệu lít xăng, 14 bồn Buntagap, 1 tầu dầu  12.000 tấn và nhiều cơ sở vật chất khác của Mỹ ngụy.

Bộ chỉ huy Trung đoàn 10 thông qua kế hoạch đánh kho xăng Nhà Bè. Mũi trưởng Hà Quang Vóc chỉ huy trực tiếp trận đánh trình bày phương án tác chiến trước Trung đoàn trưởng Đoàn 10 Lê Hữu Ước và Chính uye Trần Thiết Lập.  

Chiến sĩ Rừng Sác diệt cá sấu. Cá sấu rừng Sác rất hung dữ, thường xuyên ăn thịt người.  Chuyện kể rằng, trong một lần hành quân, chiến sĩ Hoàng Dương bị cá sấu lao vào cắn vào vai. Trong giây phút nguy nan, anh đã bình tĩnh rút con dao đeo bên người đâm vào mắt cá sấu khiến nó phải buông mồi, Nhiều chiến sĩ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng đã thoát than nhờ lòng dũng cảm, mưu trí đánh lại cá sấu.

Giao nhiệm vụ và tiễn chiến sỹ ra trận

Trung đoàn trưởng Lê Hữu Ước, Trung đoàn phó Trần Việt Hải và Tham mưu trưởng Sáu Sang trên sông Thị Vải năm 1972

...và hôm nay. Đại tá Lê Hữu Ước và vợ chụp ảnh chung cùng đoàn thăm quan quan của tác giả tại Tượng Đài chiến sỹ Rừng Sác. Ông cũng là người đóng góp tích cực trong việc xây dựng tượng đài Liệt sĩ Đặc công Rừng Sác.

 

Tượng Đài chiến sỹ Rừng Sác: Mặt trước thể hiện hình ảnh của đoàn tàu không số - đoàn tàu lịch sử đưa vũ khí lầm lũi từ bắc tiếp tế miền nam thông qua Cần Giờ. Mặt kia là mô tả hình ảnh cá sấu - loài động vật đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với quân Mỹ khi tấn công mặt trận Cần Giờ và đối với cả chiến sỹ và nhân dân xứ này.

Xưởng quân giới Trung đoàn 10. Vũ khí chiến đấu chủ yếu được chế từ phế liệu chiến tranh của Mỹ

Quân giới Đoàn 10 đã cưa bom, đạn lép, lấy được hơn 3 tấn thuốc nổ, sản xuất nhiều loại vũ khí có hiệu quả, góp công lớn đánh chìm hàng trăm tầu chiến, phá hủy nhiều kho tang địch trên sông Lòng Tầu, cảng Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ

Gần 40 năm sau chiến tranh, chiến khu rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục  về truyền thống chiến đấu dũng cảm của quân dân Nam bộ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới thăm

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên