Hé lộ ứng viên sáng giá có thể trở thành nữ bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Mỹ

VOV.VN - Ông Biden được kỳ vọng sẽ thực hiện bước đi mang tính lịch sử đó là lần đầu tiên lựa chọn một phụ nữ đứng đầu Lầu Năm Góc, phá vỡ một trong số ít các rào cản đối với nữ giới tại cơ quan này và trong nội các tương lai của ông.

Phá vỡ tiền lệ

Bà Michele Flournoy – một nhân vật kỳ cựu trong Lầu Năm Góc, có đường lối chính trị ôn hòa, được nhiều quan chức Mỹ và các nhân vật trong giới chính trị coi là lựa chọn hàng đầu cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

Việc lựa chọn ứng viên này diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ đang trải qua thời kỳ nhiều biến động với 5 lần “thay máu” các nhân vật cấp cao dưới thời Tổng thống Trump. Mới đây nhất, ông Trump đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper do bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó có việc rút quân đội khỏi các cuộc chiến ở nước ngoài và điều động binh sỹ trấn áp biểu tình.

Nếu được phê chuẩn giữ cương vị nói trên, bà Flournoy sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong Lầu Năm Góc, bao gồm giảm ngân sách dành cho cơ quan này và khả năng quân đội tham gia việc phân phối vaccine phòng chống Covid-19.

Đảng Dân chủ từ lâu đã tìm cách đưa một phụ nữ vào vị trí cấp cao nhất trong Bộ Quốc phòng – cơ quan từng đặt ra nhiều hạn chế với nữ giới, điển hình là việc không cho phép các nữ quân nhân tham gia những nhiệm vụ liên quan đến chiến đấu. Tuy nhiên, quy định này đã bị dỡ bỏ vào năm 2015.

Bà Flournoy từng được ứng cử viên Hillary Clinton cân nhắc đề cử vào vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc nếu bà chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Và giờ đây, bà tiếp tục trở thành lựa chọn hàng đầu trong nội các của ông Joe Biden, AP dẫn nguồn tin từ một số quan chức thảo luận về vấn đề nhân sự cho biết.

Bà Flournoy, 59 tuổi, đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Lầu Năm Góc kể từ những năm 1990, được biết đến là nhân vật ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác quân sự của Mỹ với nước ngoài.

Bà từng là thứ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề chính sách từ năm 2009 đến năm 2012. Bà cũng làm việc trong hội đồng quản trị của nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton. Với quan điểm ôn hòa, nhiều khả năng bà sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng trong một cuộc bỏ phiếu xác nhận tại Thượng viện.

Ngoài bà Michele Flournoy, một số tên tuổi khác cũng được cân nhắc cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, trong đó có cựu Giám đốc Bộ An ninh Nội địa Jeh Johnson. Tuy nhiên, việc lựa chọn một người phụ nữ sẽ phù hợp hơn với cam kết của ông Biden tạo ra một nội các mới với đội ngũ nhân sự đa dạng và hài hòa hơn.

Trong một phát biểu vào tháng 3 vừa qua, bà Michele Flournoy khẳng định: “Dù tổng thống tiếp theo là ai, ông Trump, ông Biden hoặc bất cứ ai khác, một trong những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự sẽ là cố gắng thay đổi nhận thức cho rằng Mỹ có thể không còn là một đối tác tin cậy. Nhưng tôi không nghĩ đây là công việc dễ dàng. Sẽ phải mất rất nhiều nỗ lực và thời gian để khôi phục lại sự tin tưởng và vị thế của nước Mỹ”. Bà Michele Flournoy cũng cảnh báo hậu quả của những thay đổi mạnh mẽ, mang tính tức thời.

Ông Arnold Punaro – cựu Tướng Thủy quân lục chiến, từng làm việc tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện đánh giá, bà Flournoy là người “tài giỏi, có năng lực tốt”, rất phù hợp với vai trò đứng đầu Bộ Quốc phòng.  

Bộ Quốc phòng là một trong 3 cơ quan trong chính phủ Mỹ (2 cơ quan còn lại là Bộ Tài chính và Bộ Cựu chiến binh) chưa từng có nữ giới đảm nhiệm vai trò lãnh đạo từ trước đến nay. Trong số 28 nam giới nắm vai trò đứng đầu cơ quan này kể từ khi thành lập vào năm 1947, có 3 người dưới chính quyền ông Trump, bao gồm ông Jim Mattis, ông Mark Esper và Quyền Bộ trưởng đương nhiệm Christopher Miller từng là cựu chiến binh quân đội. Bà Flournoy chưa từng phục vụ trong quân ngũ.

Cứng rắn với Trung Quốc

Giống như ông Jim Mattis và ông Mark Esper, bà Flournoy coi Trung Quốc là thách thức nổi bật và lâu dài đối với vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Hồi tháng 7 vừa qua, bà cho biết, Mỹ đang đánh mất lợi thế về công nghệ quân sự trước các đối thủ cạnh tranh chính như Trung Quốc và việc đảo ngược xu hướng này phải là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng.

Một số nhà quan sát nhận định, ứng viên hàng đầu cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng này có thể củng cố “tuyến phòng thủ” cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc với phát ngôn kêu gọi các lực lượng của Mỹ tăng cường khả năng răn đe đến mức có thể “đánh chìm tất cả tàu Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ”.

Theo SCMP, trong bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 6, bà Flournoy nói rằng, do sự suy giảm khả năng và quyết tâm của Mỹ trong đối phó với nỗ lực gia tăng ảnh hưởng về mặt quân sự của Bắc Kinh trong khu vực, Mỹ cần có một biện pháp răn đe rắn chắc để giảm nguy cơ “tính toán sai lầm” từ giới lãnh đạo Trung Quốc.

“Chẳng hạn, nếu quân đội Mỹ có khả năng đáng tin cậy để đánh chìm tất cả tàu quân sự, tàu ngầm và tàu thương mại của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi phát động một chiến dịch quân sự, họ sẽ phải tự hỏi liệu có đáng để đẩy các hạm đội của họ vào tình trạng rủi ro hay không”.

Trong bài viết, bà Flournoy cũng nhấn mạnh nhu cầu đổi mới, đặc biệt, tạo ra các hệ thống không người lái được điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo, nâng cấp phòng thủ mạng và phòng thủ tên lửa, xây dựng các mạng lưới chỉ huy và liên lạc linh hoạt. Bà chỉ ra rằng, Mỹ đã đầu tư quá mức vào “các nền tảng và hệ thống vũ khí kế thừa” trong khi chưa chú trọng đầu tư nhiều vào các công nghệ mới vốn quyết định bên nào sẽ có lợi thế trong tương lai.

Bà Flournoy cũng đề cao lợi thế độc nhất của Mỹ so với Trung Quốc đó là xây dựng được mạng lưới đồng minh và đối tác rộng rãi, cho rằng Washington cần tăng cường phối hợp với các quốc gia trong khu vực để đối phó với “những biện pháp cưỡng ép” của Trung Quốc. Bà đề xuất gia tăng tần suất các cuộc tập trận giữa Mỹ với đồng minh và đối tác, triển khai thêm nhiều quan chức cấp cao và lực lượng quân sự đến khu vực.

Nhiều nhà quan sát và nhà ngoại giao nhận xét, để hiện thực hóa ý tưởng này sẽ cần rất nhiều nguồn lực và rất tốn kém, nhưng việc lựa chọn người đưa ra ý tưởng đó vào vị trí đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép về mặt quân sự với Trung Quốc.

Ông Su Hao, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Hòa bình tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc đánh giá, khác với chủ nghĩa đơn phương của ông Trump, chính quyền ông Biden nhiều khả năng sẽ theo đuổi cách tiếp cận đa phương, mang tính tập thể để kiềm chế Trung Quốc. Điều này có thể bao gồm tăng cường quan hệ hợp tác về mặt quân sự thông qua liên minh Mỹ-Nhật-Hàn hay “Bộ tứ” (Mỹ-Nhật-Australia- Ấn Độ) và hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Theo ông SuHao, mặc dù chính quyền ông Biden có kế hoạch thúc đẩy các quan hệ liên minh, nhưng việc xây dựng một NATO tại châu Á để đối phó với Trung Quốc sẽ khó xảy ra vì các quốc gia châu Á luôn tránh đối đầu với với nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Quan điểm khác biệt so với thời ông Trump

Về tình hình Trung Đông, bà Flournoy cảnh báo Mỹ không nên từ bỏ khu vực này, thay vào đó, “duy trì sự hiện diện liên tục nhưng với quy mô khiêm tốn hơn”. Bà ủng hộ một vai trò hạn chế của Mỹ ở Afghanistan, tập trung nhiều vào việc chống lại các mối đe dọa khủng bố thay vì tái thiết quốc gia này.

“Chúng tôi muốn giảm bớt các cam kết của nước Mỹ tại Afghanistan, nhưng chúng tôi muốn làm điều đó theo cách phù hợp nhất, giúp đảm bảo những lợi ích của chúng tôi”, bà Flournoy cho biết trong một tuyên bố vào tháng 3 vừa qua. Tổng thống Trump đang có kế hoạch rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, nhưng đến thời điểm hiện tại, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa ban hành bất cứ mệnh lệnh gì.

Liên quan đến Triều Tiên, trong một diễn đàn trực tuyến hồi tháng 10, bà Flournoy nhấn mạnh, việc giải trừ vũ khí hạt nhân nên được đặt lên hàng đầu. Bà Flournoy cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ khó lòng từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân, vốn được xem như “con át chủ bài” của Triều Tiên.

Đối với Iran, bà Flournoy đã đưa ra một cách tiếp cận khác biệt. Cách tiếp cận này phá vỡ mô hình quen thuộc là điều thêm nhiều lực lượng Mỹ tới vùng Vịnh để ứng phó với những hành vi “khiêu khích” của Iran như chính quyền ông Trump đã làm vào tháng 5/2019, sau khi cáo buộc Iran đang tạo ra những mối đe dọa thực sự đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Bà Flournoy là người  đồng sáng lập của Westexec Advisors, một công ty tư vấn chuyên cung cấp lời khuyên và phân tích rủi ro địa chính trị cho khách hàng doanh nghiệp. Bà làm việc với nhiều cựu quan chức chính phủ cấp cao, trong đó có ông Antony Blinken, cựu thứ trưởng ngoại giao và hiện là cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Biden, cùng một số các chuyên gia quân sự như cựu tướng Vincent Brooks, từng chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho đến năm 2019. Trước đó vào năm 2007, bà Flournoy đã giúp thành lập Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điều ít biết về quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa được ông Trump chỉ định
Điều ít biết về quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa được ông Trump chỉ định

VOV.VN - Ông Christopher Miller từng là cựu sỹ quan của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn trong các hoạt động chống khủng bố cùng nhiều hoạt động đặc biệt khác.

Điều ít biết về quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa được ông Trump chỉ định

Điều ít biết về quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa được ông Trump chỉ định

VOV.VN - Ông Christopher Miller từng là cựu sỹ quan của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn trong các hoạt động chống khủng bố cùng nhiều hoạt động đặc biệt khác.

Ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng: Chính trường Mỹ bắt đầu thời kỳ sóng gió nhất
Ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng: Chính trường Mỹ bắt đầu thời kỳ sóng gió nhất

VOV.VN - Chiều qua (9/11), theo giờ địa phương, Tổng thống Trump bất ngờ đăng tải dòng Tweet nói rằng ông sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.

Ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng: Chính trường Mỹ bắt đầu thời kỳ sóng gió nhất

Ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng: Chính trường Mỹ bắt đầu thời kỳ sóng gió nhất

VOV.VN - Chiều qua (9/11), theo giờ địa phương, Tổng thống Trump bất ngờ đăng tải dòng Tweet nói rằng ông sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng
Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 09/11 đã thông báo sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia được chỉ định làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng

Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 09/11 đã thông báo sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia được chỉ định làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng.