Cháy rừng Hà Tĩnh: Vì sao khó khống chế đám cháy

VOV.VN - Đến thời điểm này, ước tính có khoảng gần 100 héc ta rừng bị cháy. Đêm qua lửa tiếp tục bùng phát dữ dội.

Đám cháy rừng trên dãy núi Mồng gà, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được xác định là lớn nhất trong mùa khô năm nay và đang có diễn biến phức tạp. Đến thời điểm này, ước tính có khoảng gần 100 héc ta rừng bị cháy. Đêm qua lửa tiếp tục bùng phát dữ dội.

Xuất hiện từ chiều tối ngày 29/6 tại xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), sau đó đám cháy rừng lan sang địa phận xã Sơn Long và xã Sơn Trà, dọc dãy núi Mồng Gà. Đêm qua ngọn lửa tiếp tục bao phủ dãy núi Mồng gà và tiến sát khu vực dân cư, gây lo lắng cho người dân.

Đám cháy rừng trên dãy núi Mồng gà, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Đêm qua, hàng trăm người cùng nhiều phương tiện tiếp tục được huy động tiếp cận hiện trường chữa cháy rừng. Thế nhưng do địa hình phức tạp, phương tiện cứu hỏa, chữa cháy không thể  tiếp cận được đám cháy, lực lượng chữa cháy cũng đành chấp nhận rút lui đảm bảo an toàn. Thiếu tá Chu Thanh Tú, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, việc chữa cháy rừng hiệu quả chưa như mong muốn: "Tối qua chúng tôi chỉ đợi thời cơ là lúc nào lửa bùng lên thì lược lượng lùi ra, khi giảm xuống thì lực lượng ào xuống thổi, nhưng cuối cùng hiệu quả không cao vì cháy quá lớn."

Ông Lê Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn cho biết, với việc dân cư đang sinh sống dọc chân núi Mồng gà phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn cho người dân: "Phải chủ động, nếu cháy gần phải sơ tán nhân dân, coi tính mạng con người là trên hết, đảm bảo không để sơ xuất ảnh hướng đến tính mạng con người."

Mặc dù đến thời điểm này người dân vẫn được đảm bảo an toàn, thế nhưng qua theo dõi tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy, đám cháy trên dãy núi Mồng gà đã và đang diễn biến phức tạp, trong khi lực lượng tham gia chữa cháy mỏng với phương tiện thô sơ vì vậy rất khó khống chế được đám cháy.

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là phải làm được đường băng cản lửa: "Tất cả phải gác liên túc, xử lý thực bì trước và chống cháy lây lan vì đến gần là khó lắm, cứu hỏa cũng không vào được mà có vào cũng không có nước, vậy thì chúng ta phải cắt đường băng và phương châm không được để hộ dân nào có nguy cơ lửa vào nhà."

Bước sang ngày thứ 3, lửa rừng vẫn bùng phát trên dãy núi Mồng gà. Hàng trăm lực lượng tham gia chữa cháy, thế nhưng việc chỉ đạo có nơi có lúc chưa kịp thời, sát sao, đến thời điểm này đường băng vẫn chưa được thiết lập và khó khống chế ngọn lửa trên đỉnh núi Mồng gà là điều dễ hiểu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên