Cần quan tâm công tác cán bộ về người dân tộc thiểu số

VOV.VN - Theo Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, công tác cán bộ về người dân tộc thiểu số là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.

Xây dựng Đăk Lăk là trung tâm vùng Tây Nguyên; thu hút nhân lực và phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; vấn đề giao thông; phát triển nông lâm nghiệp... là những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17, diễn ra ngày 13/5 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. (ảnh: Báo Đắk Lắk)

Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về chủ đề báo cáo chính trị và phương châm đại hội, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015-2020; mục tiêu, chỉ tiêu và định hướng phát triển nhiệm kỳ 2020-2025; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp; định hướng phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm.   

Về chủ đề báo cáo chính trị và phương châm đại hội, đa số các đại biểu thống nhất chọn phương án chủ đề "Nâng cao năng lực, sức mạnh lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, bản sắc, xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên".

Trong đó, đại biểu đề nghị làm rõ thêm thành tố “xứng đáng là Trung tâm vùng Tây Nguyên" một cách cụ thể hơn, cần làm rõ “Trung tâm” là gì, Trung tâm về đô thị hay Trung tâm kinh tế - Văn hóa - Xã hội của Vùng. Về phương châm của Đại hội là khẩu hiệu hành động xuyên suốt của cả nhiệm kỳ 5 năm 2020-2025 vì vậy cần chỉ đạo hành động thống nhất, đồng bộ, không xem nhẹ nội dung nào.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Lắk trong nhiệm kỳ mới, với nội dung quan trọng liên quan đến thế mạnh phát triển của tỉnh là nông lâm nghiệp.

Ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật và kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đề xuất, cùng với các cây công nghiệp chủ lực khác thì tỉnh nên đưa cây mắc ca vào quy hoạch nông lâm nghiệp để giải quyết kép vấn đề kinh tế và môi trường. Bởi vì cây mắc ca là một cây đa mục tiêu, là cây chống hạn, cây trồng rừng, cây xoá đói giảm nghèo, tạo nên một sản phẩm kinh tế có giá trị cao.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng phát triển giao thông là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Cùng với đó, vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực, nguồn cán bộ cho tỉnh cũng cần quan tâm và đưa vào thành chỉ tiêu nghị quyết.

Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa- giáo dục- xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk nêu ý kiến, Tỉnh uỷ đã có những dự án lớn nhằm tạo ra sự chuyển biến về chất về kinh tế - xã hội của tỉnh Đăk Lăk, ví dụ như dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, nâng cấp trường Đại học Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo ông, cần phải bổ sung thêm là nâng cấp trường Đại học Buôn Ma Thuột là trường đại học thứ 2 của tỉnh Đắk Lắk và hệ thống các trường cao đẳng, nhất là trường cao đẳng nghề.

"Việc xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị, đó là nhiệm vụ chung của toàn tỉnh, cần phải đưa vào Nghị quyết" - ông Võ Tấn Tài nói.

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực, bà H'Giang Niê, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk cho rằng, với một tỉnh có đông thành phần dân tộc như Đắk Lắk thì việc phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cần được quan tâm xác đáng và nên đưa vào chi tiêu phát triển và có đánh giá cụ thể trong nghị quyết nhiệm kỳ.

Theo bà, trong những năm gần đây, công tác cán bộ về người dân tộc thiểu số là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn để có sự kế thừa và có lớp kế cận trong nhiệm kỳ tiếp theo. Chính như vậy thì trong Đại hội lần này, bà mong muốn trong dự thảo Văn kiện cần đánh giá thêm về nội dung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đi đôi với việc phát triển nguồn nhân lực thì cần đánh giá đúng thực trạng chuyển dịch trong ngành y tế, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ từ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư.

"Chúng ta phải có các giải pháp đồng bộ để làm sao vừa duy trì, vừa thu hút được nguồn nhân lực trong ngành y để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong địa bàn" - bà H'Giang Niê cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên