Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Âm nhạc là công bằng

Độc giả có quyền được nghe những sản phẩm âm nhạc chính thống, có chất lượng nhưng đồng thời họ cũng phải cho người nhạc sĩ sự công bằng.

 

Nghe trò chuyện với NS Đỗ Bảo

NS Đỗ bảo là một nhạc sĩ trẻ nhưng đã có khá nhiều đóng góp cho sân khấu âm nhạc và đạt được một số thành công đáng kể. Anh từng đoạt Giải nhạc sĩ của năm trong Giải Cống hiến và giải Nhạc sĩ phối khí hiệu quả của chương trình Bài hát Việt.

PV: Hình như nhạc sĩ Đỗ Bảo đang rất bận rộn với những dự án âm nhạc mới?

NS Đỗ Bảo: Tôi đang tập trung vào album thứ 3, hy vọng là cuối năm nay có thể phát hành.

Mỗi khi làm album riêng thì đều là chặng đường khó khăn mà tôi phải tự mình chọn lựa. Quan điểm của tôi là mỗi album phải thể hiện được cái tôi trong một giai đoạn sáng tác nhất định. Phải làm sao để đưa được cái nhìn thực tế, chân thực của mình về cuộc sống xã hội. Đề tài chính vẫn là tình ca, những bài hát về tình yêu. Album này vẫn sẽ bước trên nền tảng mà tôi đã tạo lập. Tôi hy vọng sẽ có những bước tiến, những bất ngờ dành cho thính giả và các khán giả quan tâm.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo

PV: Nhạc sĩ Đỗ Bảo đã từng kết hợp với rất nhiều ca sĩ. Có những ca sĩ rất trẻ, và cũng có nhiều tên tuổi nổi tiếng. Vậy, khi kết hợp với những ca sĩ trong vai trò là người phối khí, nhà sản xuất; anh rút ra được những trải nghiệm gì cho mình?

NS Đỗ Bảo: Tôi nghĩ, làm âm nhạc là một chặng đường rất dài và cần có sự kiên trì, niềm đam mê. Việc tích lũy kiến thức cũng như tích lũy những cảm xúc của mình cũng là việc cần phải làm hàng ngày. Nếu không có được những tích lũy đó thì tác phẩm sẽ rất máy móc và thiếu đi phần hồn. Những tác phẩm như vậy thì thường chỉ tồn tại được trong một thời gian rất ngắn. Vậy nên, phải luôn luôn tích lũy.

Đặc biệt là khi làm việc với những người cùng nghề thì ta sẽ có được những tích lũy sát với việc mình làm hơn. Không phải tích lũy là suy nghĩ để chiều chuộng nhu cầu, thị hiếu của khán giả mà là để điều chỉnh cho thích hợp với cái nhìn chủ quan của bản thân và cái nhìn khách quan của số đông khán giả.

Qua mỗi tác phẩm, tôi thấy mình đều có thêm trưởng thành, vững vàng hơn.

Nghe bài hát Thời gian để yêu

Thể hiện: Hồ Quỳnh Hương và Nguyên Thảo

PV: Trong ba vai trò nhà sản xuất, nhà phối khí, người biên tập thì anh thấy vai trò nào khó nhất?

NS Đỗ Bảo: Hoạt động âm nhạc ở Việt Nam vô tình tạo ra cho người nhạc sĩ thuộc thế hệ của chúng tôi kiêm nhiệm rất nhiều vai trò. Vừa sáng tác, vừa sản xuất, thậm chí biên tập chương trình, phối khí… Làm nhiều công việc như vậy thì mỗi người sẽ đi sâu vào các mảng khác nhau. Nhìn một cách khách quan thì công việc nào cũng đều có khó khăn riêng.

Quan điểm của tôi là, viết một bài hát không phải là khó. Nhưng sáng tác chỉ ở mức nghe được, nghe hay hoặc rất hay có khoảng cách rất lớn mà người nhạc sĩ không hẳn chỉ là tài năng mà còn cần rất nhiều cái khác. Ví dụ như may mắn, cảm xúc đến đúng lúc… ngoài ra còn là phản xạ của tâm hồn trước những vấn đề ập đến. Quá trình từ một cái nhìn, một cảm xúc cho đến một tác phẩm tốt thì phải đi qua rất nhiều cánh cửa, thử thách.

PV: Âm nhạc của anh không thị trường nhưng vẫn ăn khách, cũng không quá học thuật, gai góc, khó hiểu. Vậy, đó có phải chủ ý của anh khi sáng tác? Là hướng đi mà anh xác định riêng cho mình?

NS Đỗ Bảo: Mọi điều xảy ra với công việc viết nhạc của tôi rất tự nhiên, ngày này qua ngày khác đã hình thành lên như vậy. Lúc trước, tôi học sáng tác hay chơi nhạc ở nhạc viện thì đa số học cổ điển nên tính học thuật, kinh viện cũng có. Nhưng bên cạnh đó, tôi chơi nhạc rất sớm ở những vũ trường nhạc trẻ. Nó lại mang cho tôi cái nhìn về âm nhạc hiện đại, trẻ trung hơn. Đó là những thứ gây ảnh hưởng lớn với tôi.

PV: Những bản phối khí của anh luôn đầy màu sắc và đầy sự sáng tạo, vậy có bao giờ anh sợ lặp lại chính mình?

NS Đỗ Bảo: Nỗi sợ này thì ai làm nghệ thuật cũng đều có. Việc không đưa được cái mới, việc lặp lại chính mình là điều tối kỵ trong nghề của chúng tôi. Chính vì thế mà người nghệ sĩ là kiểu người luôn vận động về trí óc. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng có những gò bó nhất định như nốt nhạc có từng đấy nốt, nhạc cụ không xuất hiện những nhạc cụ mới. Thế nhưng, người sáng tác, ca sĩ, nghệ sĩ và những tác phẩm luôn luôn sinh ra. Công việc sáng tạo ngày càng khó khăn. Thiếu phương tiện để thể hiện sự khác biệt, để chiếm lĩnh, thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình. Đó luôn là trăn trở của người sáng tác nghệ thuật.

Nghe bài hát Bức thứ tình thứ 3 - Tấn Minh

PV: Loạt bài hát nổi tiếng của anh về Bức thư tình rất được khán giả đón nhận và cũng được nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Vậy, trong số những Bức thư tình thì anh hài lòng với tác phẩm nào nhất?

NS Đỗ Bảo: Chủ quan thì tôi đều thích những Bức thư tình của mình. Thích ở đây có nghĩa là nó có đủ cảm xúc để khiến tôi hài lòng, hạnh phúc. Nói hơi buồn cười khi tôi mê những tác phẩm của mình nhưng có lẽ tôi là người đi sâu nhất trong tác phẩm và hiểu nó hơn cả. Khán giả có người hiểu, có người không. Chỉ có một bài hát mà khiến tôi “vật vã” hơn cả  thì có lẽ là Bức thư tình thứ 3.

PV: Cách đây vài năm, nhạc sĩ Đỗ Bảo từng có những dự án âm nhạc nhằm khai thác và phục hồi nhạc dân tộc. Đây có phải là một mục tiêu mà anh đang chinh phục và anh đã gặp những khó khăn gì?

NS Đỗ Bảo: Đúng vậy, đây là mục tiêu rất lớn trong suy nghĩ của tôi. Nó ám ảnh và giống như giấc mơ mà tôi mong được làm và đi đến tận cùng. Nhưng những suy nghĩ thực tế từ khách quan như ai sẽ là người xem, ai sẽ là người mua những sản phẩm như thế khiến tôi nản chí. Tuy nhiên, phải nói, đó là hướng mà các nhạc sĩ Việt Nam cần phải làm. So với âm nhạc của khu vực, thế giới, âm nhạc dân tộc chính là để xác nhận cái tôi của những người nhạc sĩ Việt Nam, xác nhận giá trị của âm nhạc đương đại Việt Nam.

Đời sống có những sự phát triển tự nhiên thì âm nhạc Việt Nam bây giờ, đặc biệt là nhạc trẻ, chủ yếu là hướng tới nhạc thị trường. Nó tươi vui, sôi động, màu mè… cũng là đi bắt chước. Đây là việc mà tôi cũng rất trăn trở.

Đã làm âm nhạc thì cũng có rất nhiều khó khăn cho dù ở mảng ca khúc được khán giả yêu thích. Đầu tiên là chúng ta chưa có một tập quán thưởng thức âm nhạc một cách đúng nghĩa và công bằng. Công bằng cho khán giả khi thưởng thức cũng như cho những người làm âm nhạc. Chúng tôi cứ viết nhạc nhưng không thể sống chỉ bằng tiền bản quyền. Một album phát hành thì có ngay trên mạng. Họ tải về, chia sẻ với nhau… cũng không có ai mua album. Đó cũng là lý do khiến cho những nhạc sĩ cảm thấy chán nản.

PV: Theo anh, sáng tác của những nhạc sĩ trẻ hiện nay còn thiếu điều gì để cho ra những tác phẩm thực sự có chất lượng?

NS Đỗ Bảo: Ngoài những khó khăn từ khách quan thì tôi nghĩ khó khăn chủ quan đó là việc trau dồi nghề nghiệp. Nhắc đến nhạc sĩ hay ca sĩ thì khán giả vẫn nghĩ họ sống thiên về tinh thần, họ có tinh thần bay bổng. Nhưng thực ra, đó cũng là ngành nghề và có những kỹ năng cần phải khổ luyện, tập luyện hàng ngày.

PV: Có vẻ như nhạc sĩ Đỗ Bảo là một người khá cầu toàn trong công việc. Vậy anh có những nguyên tắc làm việc như thế nào?

NS Đỗ Bảo: Tôi cũng không nghĩ rằng mình có những nguyên tắc gì. Tôi chỉ biết chắc rằng mình có niềm say mê với công việc đang làm. Và khi có niềm say mê như vậy thì mọi hành xử, mọi điều xảy ra trong công việc đều bị chi phối bởi niềm say mê đó. Nó sẽ là hành trang trong cuộc sống và luôn thúc đẩy mình tiến lên mà không bị tác động bởi ngoại cảnh.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên