Bộ quy tắc về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Liệu đã phù hợp?

VOV.VN - Việc xây dựng Bộ quy tắc về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi công sở là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những quy định trong Bộ quy tắc ứng xử thiếu thực tế, thiếu tính khả thi. Vậy câu chuyện này nên được nhìn nhận như thế nào?

Hành vi quấy rối tình dục làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, gây ra sự lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng về tâm lý cho nạn nhân, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc và năng suất lao động bị giảm sút. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để ban hành Bộ Quy tắc ứng xử phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (trên cơ sở bổ sung, cập nhật Bộ Quy tắc đã được ban hành từ năm 2015). Tuy nhiên, luồng dư luận trái chiều khi Dự thảo này được đưa ra.

Anh Nguyễn Hoàng Trung ở Hà Đông, Hà Nội thì cho rằng: “Tôi thấy việc ra một bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục nơi công sở như thế này là cần thiết. Nhưng làm gì thì làm đều phải sát với thực tế, phù hợp với môi trường công sở để cả doanh nghiệp lẫn người lao động dễ hiểu, dễ thực hiện. Bản thân tôi thấy một số những quy định về hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc còn mơ hồ và rất khó có thể đưa vào áp dụng trong môi trường công sở”.

Theo chị Nguyễn Thanh Thùy ở Cát Linh, Hà Nội thì nếu áp dụng Bộ quy tắc này thì sẽ có rất nhiều tình huống dở khóc, dở cười: “Theo tôi một số quy định về hành vi quấy rối tình dục trong dự thảo bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc tưởng chừng như rất cụ thể nhưng rất mơ hồ. Chẳng hạn, một cái nháy mắt bạn bè trêu nhau hay những nhận xét về trang phục cũng không thể coi là hành vi quấy rối. Thậm chí nếu áp dụng những quy định này thì tôi nghĩ mọi người nhiều khi sẽ dè chừng nhau vì sợ bị hiểu lầm và dẫn đến sự mất đoàn kết trong doanh nghiệp”.

Có thể nói, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là vấn nạn nhưng lại rất khó bài trừ, bởi hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được nhận diện một cách đầy đủ để có biện pháp phòng chống, xử lý hiệu quả. Vì vậy, việc ra đời Bộ Quy tắc này là cần thiết để bảo vệ nhân phẩm, danh dự, đem lại cho người lao động môi trường làm việc trong lành, dễ chịu và an toàn. ThS.BS Phạm Vũ Thiên, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho rằng dự thảo của Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không có tính khả thi, nhiều quy định còn chung chung và mơ hồ, thậm chí nhiều khái niệm không cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn như tài liệu trực quan về tình dục, vậy nó là những cái gì? Ở đây cần phải cụ thể, bởi vì nó có rất nhiều hành vi. Có vẻ như các nhà soạn thảo vẫn còn e ngại về câu từ, ngôn từ… Điều này sẽ khiến các cơ quan áp dụng rất khó và nếu bị xử lý thì cũng không biết hành vi đấy cụ thể gồm những cái gì được đưa vào.

"Càng ngày cần phải chặt chẽ hơn, cụ thể, nối dài cho những quy định về pháp luật, liên quan đến phòng chống bạo lực giới, phòng chống quấy rối tình dục và trong đó nơi công sở là một nhóm cần phải quan tâm. Tuy nhiên, việc đưa ra những quy định, quy tắc không phải là hình thức mà phải rất cụ thể, chuẩn mực về mặt tài liệu bởi nếu không thì rất khó trong việc áp dụng để xử lý đối tượng" - ThS.BS Phạm Vũ Thiên nhấn mạnh.

Có thể nói, việc chỉ rõ các khái niệm về quấy rối tình dục cũng như hình thức quấy rối tình dục là cực kỳ quan trọng, bởi đây chính là cơ sở cho việc tố cáo, xử lý. Chính vì vậy, điều mà nhiều người băn khoăn là dựa vào đâu để xác định một người đang "nhìn gợi tình", "liếc mắt liên tục", "biểu hiện không đứng đắn" hay "dùng cử chỉ ngón tay" thế nào thì bị cho là quấy rối? Việc tìm bằng chứng để kết tội sẽ là không dễ dàng.

Theo ThS.BS Phạm Vũ Thiên, Bộ quy tắc ứng xử về phòng chống tình dục nơi làm việc cần phải bàn lại từ mặt khái niệm cho đến thuật ngữ vì nó chưa đầy đủ, chi tiết, mơ hồ và dễ gây hiểu lầm. Ví dụ ở trong khái niệm câu định nghĩa: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ một đối tượng nào đối với một người khác tại nơi làm việc lại không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận”. Rất nhiều các hành vi tình dục người ta chấp nhận nhưng người ta không mong muốn nên cụm từ “hoặc chấp nhận” ở đây rất nhạy cảm. Chính vì thế, nghe thì có vẻ to lớn, bao quát nhưng lại chưa đầy đủ thông tin. Hoặc có nhiều hành vi chúng ta có  thể nói theo kiểu nào cũng được, người tố cáo thì nói là: "Anh ý liếc mắt đưa tình tôi", nhưng người bị tố cáo lại bảo: "Không, tôi nhìn bình thường". Đây là một câu chuyện phức tạp vì sẽ khó đưa ra tố cáo và xử phạt những hành vi đó.

Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không phải là văn bản pháp lý nên không mang tính bắt buộc, song được khuyến nghị áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, dù sản xuất hay kinh doanh, dịch vụ, cả khu vực công và khu vực tư nhân… Tuy nhiên khi đã không bắt buộc thì việc áp dụng rộng rãi xem ra cũng rất khó, thậm chí sẽ có hiện tượng đưa vào doanh nghiệp nhưng là để đấy chứ không thực hiện. ThS.BS Phạm Vũ Thiên cũng cho rằng, nếu không bắt buộc thì đây lại là một câu chuyện rất khó. Bởi vì rất có thể hành vi đó ở đơn vị này sẽ bị xử lý nhưng đơn vị khác sẽ không. Chính vì thế, nếu đưa vào chỉ để có hình thức thì không nên vì nó không giải quyết được điều gì, vì tổn thương vẫn là tổn thương và cũng không cải thiện được môi trường làm việc nơi công sở.

Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc luôn là điều cần thiết, quan trọng. Việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử phù hợp không chỉ góp phần làm tăng tính hiệu quả của các quy định pháp luật trong vấn đề này mà còn giúp các nạn nhân có thêm dũng khí, niềm tin để tố cáo, và những kẻ quấy rối cũng vì sợ hãi mà chùn tay. Tuy nhiên, các quy tắc, quy định phải sát với thực tế, có tính khả thi cao, phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm văn hóa xã hội thì mới nên đưa vào áp dụng, bằng không sẽ phản tác dụng và khó có thể thực hiện được.

Để làm lành mạnh môi trường làm việc, dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đang được đưa ra lấy ý kiến cũng đã chỉ rõ 3 hình thức quấy rối, cụ thể như sau:

- Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất, gồm: Hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục như là cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.

- Quấy rối tình dục bằng lời nói, gồm: Lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục, có thể bao gồm những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng ngụ ý về tình dục như những truyền cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng họ tới. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục.

- Quấy rối tình dục phi lời nói, gồm ngôn ngữ cơ thể: trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử như là nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, các cử chỉ của các ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, các tin nhắn liên quan tới tình dục…

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên