Tài liệu nghe nhìn ở Lào Cai – muốn thành di sản phải có sự khởi đầu

VOV.VN - Ở Việt Nam ta, tài liệu nghe nhìn phổ biến nhất có thể thấy ở các thư viện, bảo tàng, cơ quan báo chí…, việc bảo tồn các tài liệu này, biến chúng thành di sản bền vững cho mai sau, nhất là trong thời kỳ 4.0 đang được quan tâm từ trung ương đến địa phương, nhưng khó khăn, thách thức cũng vô cùng lớn.

Bồi hồi lật giở từng trang giấy đã ngả màu trong ấn phẩm tiền thân là Tờ tin Lào Cai cho đến số báo in đầu tiên ra đời vào năm 1963 mang tên Lào Cai đổi mới, Nhà báo Lê Trường Giang - Tổng Biên tập Báo Lào Cai cảm nhận như chính mình đang hòa giữa dòng chảy tin tức cuồn cuộn một thời qua ngòi bút của các tiền bối: "Các sản phẩm báo chí đúng là ghi chép lại sống động nhất, lưu lại gần như trọn vẹn các sự kiện xung quanh những vấn đề của cả tiến trình lịch sử. Bởi vì chúng ta ra theo số, theo kỳ, ngày nào cũng có thông tin báo chí cả nên không có gì liền mạch bằng. Và hay hơn nữa là còn có được sự so sánh giữa các thời điểm, các giai đoạn phát triển".

Giá trị là thế, nhưng việc lưu trữ thủ công sản phẩm báo giấy có rất nhiều hạn chế, dễ thấy nhất là mối mọt, rủi ro thiên tai và khó khăn trong tra cứu. Theo Nhà báo Lê Trường Giang, Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Lào Cai đang nghiên cứu phương án sưu tầm, tập hợp các số báo thất lạc trong quá trình chia tách, sáp nhập tỉnh hay trong thời kỳ chiến tranh biên giới; đồng thời, chuyển hóa toàn bộ nội dung, hình ảnh thành dữ liệu điện tử: "Đầu tiên phải nghĩ đến việc giữ cho nó được an toàn đã, cái đó thì khá đơn giản, có thể chỉ bằng một bản chụp PDF là không vấn đề gì nữa. Nhưng quan trọng hơn là dữ liệu đó phải sống thì sau đấy phải chuyển ra bản text, kèm cùng dữ liệu về hình ảnh, với một cách sắp xếp làm sao cho khoa học thì việc tra cứu, sử dụng tư liệu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều".

Một cơ quan sở hữu kho tài liệu nghe nhìn đồ sộ khác là Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lào Cai, rất nhiều thước phim, băng ghi âm quý đang được lưu giữ tại đây. Điển hình như về Đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lào Cai sau tái lập hơn 30 năm về trước; tái thiết thị xã tỉnh lỵ; thông cầu Hồ Kiều bắc sang Trung Quốc; các chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Theo Nhà báo Nguyễn Quốc Quân - Phó Giám đốc Đài, ngoài lưu trữ các chương trình đã phát sóng, Đài vẫn lưu trữ riêng các dữ liệu sạch và bản thân phóng viên cũng có trách nhiệm lưu trữ các dữ liệu cá nhân phục vụ sản xuất tin, bài. Tuy nhiên, công tác bảo quản, số hóa dữ liệu đang gặp khó khăn, nhất là với sản phẩm truyền hình do ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi công nghệ, trang thiết bị và chuẩn đầu ra: "Còn một số băng VHS ngày xưa, việc khôi phục lại cũng tương đối khó khăn vì bây giờ những thiết bị có thể đọc được loại băng đó đều đã hết niên hạn sử dụng và trên thị trường cũng không còn nữa. Thời gian tới có lẽ chúng tôi phải nhờ tới sự hỗ trợ của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam để khôi phục lại các tư liệu cũ".

Lào Cai là một tỉnh giàu sắc màu văn hóa vì có tới 25 dân tộc cùng chung sống. Thống kê của ngành văn hóa địa phương cho thấy, từ khi tái lập tỉnh đến nay, toàn tỉnh đã khôi phục, bảo tồn và tổ chức định kỳ hơn 30 nghi lễ, lễ hội truyền thống các dân tộc mỗi năm; sưu tầm, khôi phục, bảo tồn trên 1.000 làn điệu dân ca, dân vũ của các tộc người; kiểm kê hiện trạng và đánh mã số quản lý hơn 11.000 cuốn sách cổ dân tộc Dao…

Theo Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa – Trưởng phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Lào Cai, khôi phục, bảo tồn là một chuyện, nhưng để tạo dựng thành các tài liệu nghe nhìn và lưu trữ, bảo quản thì lại là thách thức lớn đối với ngành. Ngoài nhu cầu kinh phí đầu tư trang thiết bị, cán bộ chuyên môn còn đòi hỏi phải có thêm kỹ năng báo chí và công nghệ thông tin; nếu không việc thực thi vừa thiếu hiệu quả, vừa đối mặt với rủi ro mất dữ liệu: "Ví dụ quay phim đều phải thuê, mà người ta quay cũng chỉ là sản phẩm thô như vậy, còn đỏi hỏi phải xử lý hậu kỳ, rồi những dữ liệu này phải quản lý, phân cấp, phân loại như thế nào, còn chưa nói đến vấn đề chia sẻ. Ở đây mình lại đang thiếu chuyên môn về những lĩnh vực này nên rất cần thiết phải có đào tạo, tập huấn để những người đi làm thực tế ở cơ sở phải biết được".

Điểm qua một vài lĩnh vực nói trên, có thể thấy, tài liệu nghe nhìn ngày hôm nay là tài sản, nhưng về sau sẽ là di sản vô giá, không chỉ của địa phương như Lào Cai, mà thậm chí là di sản của cả Việt Nam và thế giới.

Lào Cai cũng đã có định hướng về việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, với sự tham gia của tất cả các ngành, địa phương. Nhưng để hiện thực hóa điều đó thì ngay từ bây giờ phải bắt tay thực hiện từng khâu một cách hiệu quả, khoa học; phân công đến từng cán bộ cụ thể chứ không thể chờ đợi vì mỗi ngày trôi qua, những giá trị hiện hữu luôn thường trực nguy cơ mai một, thế hệ tương lai sẽ gánh chịu thiệt thòi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên