Sau khi lập kỷ lục giành 205 HCV trên sân nhà vào năm ngoái, thể thao Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công ở kỳ SEA Games 32 trên đất Campuchia.

SEA Games 32 là lần đầu tiên trong lịch sử, thể thao Việt Nam nhất toàn đoàn một kỳ đại hội trên sân khách. Các vận động viên của chúng ta đã giành được 136 HCV, 105 HCB, 114 HCĐ sau những ngày tranh tài ở Campuchia.

Đoàn thể thao Việt Nam bỏ xa Thái Lan ở vị trí thứ hai với khoảng cách 28 HCV trên bảng tổng sắp chung cuộc, dù tham dự SEA Games 32 với số lượng vận động viên ít hơn và đặt chỉ tiêu thành tích khiêm tốn hơn.

Trước ngày lên đường sang Campuchia với 702 vận động viên, Đoàn Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 90 – 120 HCV và phấn đấu góp mặt trong top 3 chung cuộc. Trong khi đó, Thái Lan cử 846 vận động viên tham dự SEA Games 32 với mục tiêu giành 160 HCV và đứng nhất toàn đoàn.

SEA Games 32 ban đầu được dự báo là thử thách với Đoàn Thể thao Việt Nam, bởi lẽ chương trình thi đấu có nhiều thay đổi so với trước đây. Nhiều môn thế mạnh của Việt Nam không góp mặt ở đại hội lần này như bắn súng, đua thuyền, bắn cung, cờ vua, kurash… Ngoài ra, chủ nhà Campuchia chỉ cho các nước đăng ký tối đa 70% số bộ huy chương ở nhiều môn võ.

Cảm nhận về một kỳ SEA Games khó khăn đến trong buổi sáng của ngày thi đấu chính thức đầu tiên 6/5, khi các vận động viên Việt Nam liên tiếp lỗi hẹn với HCV. Đoàn Thể thao Việt Nam phải chờ tới chiều 6/5 mới được “giải khát” với chiến thắng của liên tiếp của đội tuyển Karate, ở nội dung kata đồng đội nữ và kata đồng đội nam.

Sau 5 tấm HCV trong ngày thi đấu chính thức đầu tiên, Đoàn Thể thao Việt Nam đã tiến bước vững vàng trên bảng tổng sắp, với “vận tốc trung bình” 13,1 HCV/ngày khi giành 131 HCV trong 10 ngày thi đấu tiếp theo.

Những bộ môn mang về nhiều HCV nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 gồm lặn (14), vật (13), điền kinh (12), Judo (8), bơi (7), Vovinam (7) Karate (6)… Đặc biệt, đội tuyển Aerobic Việt Nam đã thống trị tuyệt đối khi giành 5/5 HCV.

Ngoài ra, Đoàn Thể thao Việt Nam còn thể hiện khả thích ứng và năng cạnh tranh ở các môn truyền thống của nước chủ nhà, với 6 HCV Kun Bokator, 5 HCV Kun Khmer, 2 HCV cờ ốc (Ouk Chaktrang).

Tổng kết về kỳ đại hội trên đất Campuchia, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt đánh giá: “Chúng ta đã khẳng định thể thao Việt Nam là một thế lực trong khu vực. Thành tích ở các kỳ đại hội là thước đo sự phát triển của thể thao thành tích cao và phong trào thể thao của một đất nước. Những con số ở SEA Games 32 cho thấy thể thao Việt Nam đã có bước phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua”.

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt thẳng thắn chỉ ra những mặt chưa được của Đoàn TTVN tại SEA Games 32

Điểm nhấn trên hành trình của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 là những tấm huy chương lịch sử, những khoảnh khắc phi thường và những chiến tích truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Nguyễn Thị Oanh trở thành vận động viên đầu tiên trong lịch sử điền kinh Việt Nam giành 4 HCV cá nhân ở một kỳ đại hội. Cô gái nhỏ nhắn “lập poker” chiến thắng thuyết phục ở các nội dung chạy 5.000m, 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 10.000m.

Nguyễn Thị Oanh thể hiện ý chí và sự bền bỉ

Đặc biệt, Nguyễn Thị Oanh đã liên tiếp giành 2 HCV trong vòng 30 phút hôm 9/5. Cô gái vàng của điền kinh Việt Nam không chỉ chấp nhận thử thách, khi ban tổ chức dồn lịch nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật thi đấu cách nhau 20 phút, mà còn thể hiện đẳng cấp vượt trội trước các đối thủ.

VĐV Nguyễn Thị Huyền đi vào lịch sử điền kinh khu vực với tổng cộng 12 HCV ở các kỳ SEA Games

Nếu như Nguyễn Thị Oanh thể hiện ý chí và sự bền bỉ, thì Nguyễn Thị Huyền để lại dấu ấn đặc biệt trên đường chạy điền kinh với những màn nước rút ngoạn mục. Bà mẹ 30 tuổi giành HCV ở các nội dung 4x400m hỗn hợp, 4x400m nữ và chạy vượt rào 400m, để đi vào lịch sử điền kinh khu vực với tổng cộng 12 HCV ở các kỳ SEA Games.

Phạm Thanh Bảo gây ấn tượng mạnh với cú đúp phá kỷ lục SEA Games

Trên đường đua xanh, Phạm Thanh Bảo gây ấn tượng mạnh với cú đúp phá kỷ lục SEA Games để giành HCV nội dung 100m và 200m bơi ếch nam. Trong khi đó, cô bé 14 tuổi Nguyễn Thuý Hiền trở thành vận động viên nhỏ tuổi nhất giành huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam với HCĐ nội dung bơi tự do 100m nữ.

Những môn giành nhiều HCV nhất cho Thể thao Việt Nam ở SEA Games 32

Lớn hơn Thuý Hiền 1 tuổi, Lê Khánh Hưng làm nên lịch sử cho golf Việt Nam với chiến thắng tại nội dung đơn nam. Tay golf 15 tuổi không chỉ mang về tấm huy chương SEA Games đầu tiên cho golf Việt Nam, mà còn là tấm HCV.

Nhiều VĐV tuổi teen đã thi đấu thành công

Ở môn bóng bàn, hai tay vợt tuổi teen Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc đã giúp bóng bàn Việt Nam có HCV đôi nam nữ đầu tiên sau 26 năm chờ đợi. Tại sàn đấu cử tạ, lực sĩ Trần Minh Trí đã khiến các đối thủ cũng phải vỗ tay tán thưởng, khi lập kỷ lục cử đẩy để bất ngờ giành HCV hạng 67kg nam dù chỉ đứng thứ 4 sau phần thi cử giật.

Mang đến cảm xúc vỡ oà cho người hâm mộ là chiến thắng của đội tuyển bóng rổ 3x3 nữ Việt Nam. Huỳnh Ngoan, Tiểu Duy và chị em Việt kiều Thảo My, Thảo Vy đã giúp bóng rổ Việt Nam lần đầu giành HCV tại SEA Games, với thành tích toàn thắng trên đất Campuchia.

Huỳnh Ngoan, Tiểu Duy và chị em Việt kiều Thảo My, Thảo Vy đã giúp bóng rổ Việt Nam lần đầu giành HCV tại SEA Games

Không thể quên, kỷ lục giành HCV ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp của ĐT nữ Việt Nam. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đánh bại Myanmar 2-0 trong trận chung kết, nhờ các pha làm bàn của Huỳnh Như và Thanh Nhã.

Và SEA Games 32 còn rất nhiều khoảnh khắc vàng nữa của những ngôi sao thể thao Việt Nam như Dương Thuý Vi (Wushu), Trần Hưng Nguyên (bơi lội), Nguyễn Quốc Toàn (cử tạ), Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), Nguyễn Linh Na (điền kinh)…

Kỷ lục giành HCV ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp của ĐT nữ Việt Nam

Sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp được tận hưởng niềm vui trọn vẹn với tấm HCV bóng đá nam, người hâm mộ Việt Nam đã trở lại với cảm giác “thiếu thiếu” khi U22 Việt Nam chỉ có được tấm HCĐ trên đất Campuchia.

Thầy trò HLV Philippe Troussier đã được chơi hơn người trong 30 phút cuối trận bán kết, nhưng lại để thua 2-3 trước U22 Indonesia ở phút bù giờ. U22 Việt Nam trả giá đắt khi vội vàng đẩy cao đội hình, để rồi nhận bàn thua sau đợt phản công của đối phương.

Ngoài trường hợp U22 Việt Nam, thể thao Việt Nam cũng có không ít tiếc nuối ở SEA Games 32.

Giữa lằn ranh mong manh của chiến thắng và thất bại, Trần Hưng Nguyên đã không thể bảo vệ HCV nội dung bơi ngửa 200m nam. Hưng Nguyên đã phá kỷ lục quốc gia, nhưng chỉ về nhì tại SEA Games 32 vì thua Tonnam Kanteemool của Thái Lan 5% giây.

Trong khi đó, Nguyễn Huy Hoàng không thể bảo vệ tấm HCV bơi bướm 200m nam vì phải thi đấu nội dung này chỉ 10 phút sau khi giành HCV nội dung bơi tự do 400m nam.

Nếu Hưng Nguyên hoặc Huy Hoàng mang về thêm 1 HCV nữa, thì bơi lội Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu giành 8 HCV ở SEA Games 32.

Đội tuyển điền kinh cũng không hoàn thành chỉ tiêu giành 14 HCV ở SEA Games 32, khi mang về 12 HCV. Điền kinh Việt Nam giảm 10 HCV so với SEA Games 31 trên sân nhà và mất vị trí nhất toàn đoàn bộ môn về tay kình địch Thái Lan.

Ở môn quần vợt, Lý Hoàng Nam không may bị ốm trước trận chung kết nội dung đơn nam và lỗi hẹn với tấm HCV thứ 3 liên tiếp. Tay vợt số 1 Việt Nam ra sân trong tình trạng bị sốt và đau dạ dày, để rồi thất bại 4-6, 1-6 trước Rifki Fitriadi của Indonesia.

Trên sàn đấu boxing, á quân thế giới Nguyễn Thị Tâm bất ngờ gục ngã ở trận ra quân SEA Games 32 vì dính chấn thương. Cú sốc lớn nhất, có lẽ là trường hợp Vũ Thành An thua ngược 14-15 và tuột HCV nội dung cá nhân nam kiếm chém dù đã dẫn Srinualna Vogarun tới 13-9.

Vũ Thành An thua ngược 14-15 và tuột HCV kiếm chém

“Thế mạnh của thể thao Việt Nam vẫn tập trung ở các môn Olympic như điền kinh, bơi lội, đua thuyền, bắn súng, bắn cung và một số môn võ. Chúng ta vẫn tập trung nguôn lực của nhà nước và xã hội vào các môn trọng điểm, cũng như định hướng liên thông giữa SEA Games, ASIAD, Olympic” – Trưởng đoàn Đặng Hà Việt đánh giá khi nhìn lại hành trình ở SEA Games 32.

Sau khi khẳng định đẳng cấp trong khu vực Đông Nam Á, bằng việc đứng nhất toàn đoàn 2 kỳ SEA Games liên tiếp, thể thao Việt Nam sẽ hướng ra đấu trường châu Á tại ASIAD 19 diễn ra vào tháng 9 tới.

Theo định hướng của ngành thể thao, SEA Games vừa là sân chơi để các VĐV vừa tranh chấp huy chương, vừa là bước chuẩn bị cho ASIAD 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc.

ASIAD 19 sẽ là thước đo thực lực của thể thao Việt Nam, khi bước ra đấu trường khắc nghiệt hơn. Đây cũng là dịp để kiểm chứng định hướng đầu tư liên thông giữa SEA Games, ASIAD và Olympic của ngành thể thao Việt Nam.

Trường đoàn Đặng Hà Việt cho biết: “SEA Games 32 không phải là điểm rơi phong độ của nhiều VĐV đang hướng tới ASIAD 19. Ví dụ như bơi lội, điền kinh và một số môn khác. Giải đấu lần này chỉ là thành tích ban đầu thôi, chứ chưa phải điểm rơi chính về thành tích”.

Hãy chờ xem SEA Games 32 phát huy vai trò bước đệm ra sao, khi thể thao Việt Nam bước vào tranh tài ở ASIAD 19./.

Thứ Sáu, 11:52, 19/05/2023