Nhân viên phòng thay đồ phát cho tôi bộ đồ bảo hộ màu trắng của bệnh viện. “Vào ICU phải mặc mức cao nhất là cấp 4”- Chị nói, tay viết vào cuốn sổ ghi chép xuất - nhập đồ bảo hộ trong ngày.

Chúng tôi, những phóng viên VOV từ Hà Nội vào TP.HCM tác nghiệp khi những khu phố F0 và những người F1 đã không còn mới ở thành phố 10 triệu người, gần 4 tháng qua đóng cửa để chống chọi với dịch bệnh. Thế nhưng, nhắc đến Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) người ta vẫn phải rùng mình.

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh covid-19 bệnh viện Việt - Đức, thuộc Bệnh viện dã chiến 13, TP.HCM là dãy nhà lợp tôn, không có điều hòa, chỉ có quạt công nghiệp công suất lớn.

Lúc này là 10h30. Nhân viên phòng thay đồ vừa giúp tôi bọc máy ảnh, máy ghi âm vừa thở dài nói: “Em chỉ vào được 2-3 tiếng là ngất”. Tôi định sẽ ở cả đêm cơ mà!

Tôi đã không ngất khi trải qua 3 tiếng đầu tiên trong bộ đồ bảo hộ kín bưng như “phi hành gia” đi lại giữa các khu nhà điều trị. Mồ hôi quanh miệng thấm vào từng kẽ răng, đầu lưỡi mặn chát. Tôi ước mình có thể đưa tay lên gạt dòng mồ hôi ở mắt đang cay xè. Nóng. Khát. “Anh cho em mở hé khẩu trang, uống một ngụm nước nhỏ thôi, một giây thôi, không thì anh sẽ có một ca cấp cứu ngay bây giờ” - Tôi khẩn khoản nói với bác sĩ trong ca trực.

“Không nhé”- anh bác sĩ cố gắng nói to giữa hàng chục chiếc quạt máy công nghiệp đang chạy hết tốc lực. “Chị ra ngoài, thay đồ bảo hộ, tắm gội và đến phòng có phục vụ ăn nhẹ, nước uống”.

Tôi bước ra khỏi ICU là 14h30, tròn 4 tiếng. Đây là lần vào ICU lâu nhất mà tôi đã trải qua và nhận ra đâu là giới hạn của sức mình. 4 tiếng không ăn, không uống, không toilet. Trong khi ở đây mỗi ca trực của bác sĩ, điều dưỡng là 5-6 tiếng.

Bước vào phòng tắm, tôi đã phải uống trực tiếp nước từ vòi sen cho đã cơn háo nước. Chạm tay vào vòi nước là giây phút thấy mình sống lại.

“Khi nhìn bệnh nhân uống nước, chị thèm như trẻ con thèm kẹo vậy” - nữ bác sĩ ngồi ở bàn bên cạnh trong căng-tin chia sẻ sau khi thấy tôi tu cạn chai nước bù khoáng chỉ trong vài giây.

Nhân viên phòng thay đồ bắt đầu bài kiểm tra kiến thức về trang phục bảo hộ. Giọng chị nghiêm túc như cô giáo gọi học sinh lên trả bài. “Quan trọng nhất là lúc cởi đồ, đó là công đoạn dễ lây nhiễm nhất” - chị nói. Nếu không “trả bài tốt” nghĩa là tôi chỉ dừng bước ở căn phòng này.

Tôi đã không vào ICU cùng với ca trực mới. “Em sẽ dành cả buổi chiều nay, học đến khi nào chị bảo OK em mới vào trong đó” - Tôi nói trong cái gật đầu ủng hộ của chị. Phải an toàn để không trở thành gánh nặng của người khác.

Chỉ cởi găng tay đúng cách thôi nhưng chúng tôi cũng phải đeo vào cởi ra cả chục lần. Hai phóng viên của cơ quan báo chí khác đã hẹn quay trở lại vào ngày hôm sau. Còn mình tôi ở lại kiên trì học thuộc và thực hành “quy trình”. Quy trình nghiêm ngặt là cách họ bảo vệ an toàn cho hơn 300 nhân viên y tế đang chiến đấu ở đây.

ICU chỉ có một đường vào và một đường ra để đảm bảo không lây nhiễm chéo. Tác nghiệp xong, nhân viên y tế hướng dẫn lối ra nơi thay đồ. Dù sắp lả đi vì mệt nhưng như một phản ứng tự nhiên, khi cởi đồ, não tôi vẫn nhẩm thầm: “bước 1 là, bước 2 là…”. Chỉ cần đặt tay sai vị trí khi cởi đồ, nhân viên y tế ở đó đã nhìn tôi và nghiêm khắc “Nào, nào”. Những ngày sau đó, dù không vào ICU, chỉ thay đồ bình thường tôi cũng nhầm lẫn mình đang thay đồ bảo hộ, “bước 1 là…”

Ở phòng tắm gội, chúng tôi được phát trang phục mới, khẩu trang mới, ngay cả đồ lót cũng phải thay hết. Đôi dép tổ ong sẽ được thả vào thùng nước sát khuẩn. Thiết bị tác nghiệp của phóng viên được xịt khuẩn lần nữa. “Nếu được tuyên dương về sự bền bỉ, dấn thân thì nên trao cho điện thoại và máy móc tác nghiệp” - Tôi đã nghĩ vậy khi xịt đẫm cồn lên thân máy. Lúc nào tôi cũng chuẩn bị tâm lý cho việc điện thoại sẽ hỏng.

Tôi đi thẳng ra ngoài. Đường phố vắng lặng. Một vài chiếc xe cấp cứu đi vào cổng. Ngửa mặt lên hít no nê khí trời mới thấy: Được thở bình thường dưới bầu trời này là điều hạnh phúc nhất!

Chiều hôm đó, tôi ngồi ở phòng điều hành, hoàn thành kịch bản cho phiên livestream buổi tối tại Bệnh viện dã chiến 16, bên cạnh là một bác sĩ đang gõ lạch cạch. Tiếng bộ đàm gần đó vang lên. Vị bác sĩ thở dài rồi lại gõ uể oải trên bàn phím. “Công việc buồn chán nhất trong ngày là cập nhật ca tử vong đây em ạ” - Anh nói.

Màn hình camera hiện lên một chiếc giường đã phủ vải đen, xung quanh là bác sĩ, điều dưỡng. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến một ca tử vong ngay trước mắt mình. Chiếc xe cáng nhanh chóng đưa người mất đi qua hành lang, ra khu nhà lạnh.

7h30 hàng ngày ở Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến 16 diễn ra cuộc họp giao ban. “Chúng tôi luôn mong phần báo cáo ca tử vong sẽ ngắn lại”- Th.s BS Hoàng Thị Phú Bằng trả lời. Thời điểm đó mỗi ngày có 10-20 ca tử vong.

Bước vào ICU. Tôi đã để ngón tay cái vào giữa lòng bàn tay và nắm chặt lại. Đây là cách giảm sợ hãi, căng thẳng mà lúc nhỏ tôi đã học được từ bà ngoại. Sự im lặng bao trùm. Một vài trao đổi ngắn gọn của nhân viên y tế về tình hình ca bệnh. Âm thanh rõ nhất là tiếng tút tút phát ra từ máy thở và monitor (máy đo chỉ số sinh tồn).

Covid-19 đã dạy con người mọi thứ trang sức đều vô nghĩa, ở đây chỉ cần hơi thở. Đó là thứ xa xỉ nhất. Tôi đưa máy lên và bắt đầu chụp. Một khoảnh khắc mà chẳng ai muốn xuất hiện trong khung hình.

Phòng hồi sức số 3 là nặng nhất. Dĩ nhiên phóng viên sẽ không phỏng vấn được ai ở nơi mà chỉ có máy móc phát ra nhịp thở. Có bao nhiêu chiến binh sẽ tỉnh dậy và đi ra khỏi phòng này? Tôi ghi nhớ một vài gương mặt bệnh nhân và hy vọng một ngày họ sẽ được xuất viện cả.

Phương Lan, Thi Uyên, Thành Lương là những đồng nghiệp của tôi xung phong trong chuyến đi này. Như những sinh viên Y khoa lần đầu trực ở phòng cấp cứu, chẳng ai kìm được nước mắt khi thấy một người phút trước còn đó, nay đã vào cửa tử. Sự ra đi không có người thân bên cạnh, không có cái nắm tay lần cuối. Tiếng xe cáng lọc cọc trên đường khuya chạy về phía nhà lạnh giữ thi hài, ban thờ cạnh đó chưa hết hương cũ đã thắp hương mới, cái lạnh tỏa ra khi cánh cửa được mở và hình ảnh người tình nguyện viên ở lại cuối cùng cầu nguyện cho người mất vẫn mãi ám ảnh trong tôi. Có những bức hình chẳng dám xem lại dù đó là khoảnh khắc đắt giá của người làm báo.

Vui nhất là những ngày tổ chức ra viện cho bệnh nhân. Những cái vẫy tay chào tạm biệt nhưng chắc chắn chẳng ai mong ngày gặp lại ở nơi này.

Những ngày này, TP.HCM đã không còn ca thở ECMO. Lượng bệnh nhân giảm, số giường trống trong ICU đã nhiều lên. Những bác sĩ, điều dưỡng mà chúng tôi gặp trong ICU giờ này cũng bắt đầu đăng lên facebook những bức ảnh ngày trở về.

Nhắn tin hỏi thăm nhau, chúng tôi tránh nói về những ngày đã qua. Ai cũng muốn quên đi. Nhưng tất cả vẫn còn đó, nguyên vẹn.