Trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa được ban hành mới đây, một yêu cầu quan trọng được đề ra đó là “Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.

Chủ trương này xuất phát từ thực tiễn nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gần đây cho thấy có sự tiếp tay, móc ngoặc của những cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy Nhà nước với doanh nghiệp để tham nhũng.

Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

PV: Theo ông, đã đến lúc cần phải mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Trước hết phải nói là không có tham nhũng nào mà không liên quan đến khu vực tư, kể cả tham nhũng khu vực công chủ yếu là do khu vực tư, ít có chuyện công hối lộ công mà chủ yếu tư hối lộ công. Nhưng tại sao Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 chỉ đặt vấn đề chống tham nhũng ở khu vực công?

Thứ nhất, tham nhũng trong lĩnh vực công là cội nguồn của mọi tham nhũng. Bởi vì tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh cố hữu của quyền lực Nhà nước, nó xuất phát từ quyền lực Nhà nước, thế cho nên phải chống cái gốc là khu vực công.

Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên luôn đặt vấn đề phải chống tham nhũng trong cả khu vực công và khu vực tư. Đây là quy phạm khuyến nghị, không phải là quy phạm bắt buộc. Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của việc chống tham nhũng ở khu vực tư, nhưng vì nó quá sức, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện, cho nên thời gian đầu Nhà nước ta tập trung lực lượng trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để chống tham nhũng ở khu vực công trước.

Thứ hai, chống tham nhũng khu vực tư là một yêu cầu tất yếu khách quan, chỉ có điều khi nào chúng ta chống và chống như thế nào. Chúng ta đang chống tham nhũng ở khu vực công rất quyết liệt, nhưng tại sao trong lần sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng (năm 2018) mới bắt đầu mở ra khu vực tư bởi vì nó có căn nguyên của nó. Trong nền kinh tế thị trường rất khó phân định công và tư, nhất là vấn đề quan hệ kinh tế; công và tư đan xen nhau giữa TPP, giữa liên doanh…Trong lần sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tham nhũng (năm 2018) chỉ bổ sung phạm vi rất hẹp trong chống tham nhũng ở khu vực tư như công ty đại chúng, ngân hàng, tín dụng và một số tổ chức chứng khoán… Bởi vì chống tham nhũng ở khu vực tư khó hơn khu vực công rất nhiều.

Qua phân tích như vậy, ta thấy rằng, khu vực tư bắt buộc phải chống bởi vì khu vực công là nguồn gốc, còn khu vực tư là động lực (cung cấp tiền) để nguồn gốc tham nhũng phát triển. Khi quyền lực và tiền gặp nhau sẽ làm tha hóa khu vực công, vì vậy bắt buộc phải chống, còn nếu không chống thì sẽ ngày càng “mất” cán bộ.

Bởi vì Karl Marx đã từng nói: “Nếu lợi nhuận lãi suất 300% thì có treo cổ nhà tư bản lên, họ cũng sẽ làm”. Ở đây không phải là 300% mà là hàng nghìn, hàng trăm nghìn tỷ đồng lợi ích tư cung cấp cho tham nhũng công khiến những cán bộ suy thoái “ngã gục”. Vì vậy, chống tham nhũng khu vực tư là tất yêu khách quan phải làm, còn làm từng bước vững chắc như thế nào hoặc là làm đột phá ra sao thì phải tính.

PV: Như ông phân tích, Kết luận số 12 là một định hướng quan trọng, là gọng kìm thứ hai để siết chặt và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Bắt buộc phải mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư chứ không chỉ loay hoay chống tham nhũng khu vực Nhà nước. Trong khi đó, chúng ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội, trong đó có tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn thì sẽ không hiệu quả.

Vì vậy, việc mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước cũng chính là chống tham nhũng thực chất và đánh vào chỗ hiểm nhất của tham nhũng. Vì tham nhũng công ẩn náu ở khu vực tư, cho nên phải đánh vào chỗ mà tham nhũng công đang ẩn náu, cũng chính là đánh vào chỗ hiểm nhất.

PV: Một loạt vụ án, vụ việc được khởi tố gần đây cho thấy, hành vi móc ngoặc giữa doanh nghiệp với quan chức để tham nhũng ngày càng trở nên phổ biến. Doanh nghiệp câu kết với cả cơ quan Trung ương và địa phương để trục lợi. Thực tế này đã gây ra những hệ lụy gì? Mức độ nghiêm trọng ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Chúng ta đều biết tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm “ẩn”, chủ thể đặc biệt, hành vi rất tinh vi, xảo quyệt, móc nối giữa quyền lực và “sân sau”, giữa lợi ích nhóm và “sân sau”, giữa tham nhũng chính sách và tham nhũng tiền của “sân sau”… Cho nên, chống tham nhũng khu vực tư cũng chính là đánh vào chỗ ẩn náu của tham nhũng công.

Trước sự liên kết “ma quỷ” giữa quyền và tiền (quyền là khu vực công, tiền là khu vực tư - PV) mà mình không đánh vào động lực của tham nhũng ở khu vực công là tiền thì sẽ thất bại.

Và ở đây còn một câu chuyện rất lớn lâu nay người ta nói đến đó là tham nhũng chính sách. Nghiên cứu vấn đề này, tôi thấy tham nhũng chính sách chủ yếu nằm ở văn bản dưới luật. Quyết định một dự án, một chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo, hay quyết định về vấn đề đấu thầu, đấu giá... tham nhũng chính sách đều nằm ở đây. Có những quy định nghe thì hay lắm nhưng thực chất là có lợi cho “sân sau”. Đây là sự liên kết “ma quỷ” nhất, ngày càng tinh vi, ngày càng kinh khủng như đường dây sản xuất xăng giả, vụ Việt Á, vụ liên quan Cảnh sát biển…

Các đường dây có tổ chức liên kết vô cùng tinh vi giữa khu vực công và khu vực tư. Khu vực công hoạch định chính sách để khu vực tư “bơm” tiền vào. Hậu quả mà nó đem lại rất khủng khiếp, không chỉ làm thất thoát tiền bạc, tài sản công của Nhà nước, của nhân dân, mà còn gây ra hậu quả lớn hơn đó là làm lệch chuẩn tất cả hoạt động công vụ, loạn chuẩn mực, tính đúng đắn, tính công khai, minh bạch cũng như sự tuân thủ và chấp hành pháp luật trong nền công vụ. Hậu quả khiến người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn chân chính cảm thấy nản lòng, mất lòng tin.

Khi nền công vụ bị tha hóa thì thiệt hại vô hình này khủng khiếp hơn rất nhiều. Mặt khác, chúng ta còn bị mất cán bộ, như thời gian qua, nhiều giáo sư, tiến sĩ giỏi, nhiều chuyên gia có tiếng trong ngành đã bị kỷ luật… đó là điều đáng tiếc vô cùng.

Vụ án Công ty Việt Á nâng khống giá kit test COVID-19 là một ví dụ điển hình của tham nhũng "ẩn náu" ở khu vực tư

PV: Với các thiết chế như hiện nay liệu có đủ chống tham nhũng ở khu vực công và tư không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Khi chúng ta chưa khắc phục, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng ở khu vực công thì vẫn còn mảnh đất dung dưỡng cho tham nhũng ở khu vực tư, đó là tất yếu.

Lâu nay chúng ta kêu gọi tinh thần trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, đảng viên, sự kêu gọi đó mang tính chất khuyến nghị, đánh vào tự trọng, sự tự giác của mỗi người, song đây là yếu tố cần nhưng chưa đủ, còn thiếu kiểm soát quyền lực và kiểm soát trách nhiệm công vụ. Đó là mặt yếu nhất hiện nay trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Tham nhũng khu vực công xảy ra là vì kỷ luật, kỷ cương, chấp hành và tuân thủ pháp luật trong nền công vụ có vấn đề; do sự tha hóa, biến chất, lợi ích nhóm trong khu vực công; do sự sơ hở, chồng chéo mâu thuẫn trong thể chế, chính sách pháp luật. Cho nên khi còn những “kẽ hở”, khi quyền lực Nhà nước chưa được kiểm soát, trong khi sự tha hóa, biến chất, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đem lại giá trị quá lớn thì sự móc nối giữa khu vực công và khu vực tư ngày càng phát triển và ngày càng trầm trọng hơn.

Sự móc nối giữa công và tư để tham nhũng không phải bây giờ mới có mà nó đã xuất hiện từ lâu, chỉ có điều trước kia chúng ta chưa có đủ năng lực để tìm ra, còn bây giờ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án thì chúng ta mới tìm ra.

Để đối phó với sự quyết liệt của cơ quan chức năng, sự móc nối giữa công và tư bây giờ khủng khiếp hơn, tinh vi, xảo quyệt hơn và có tổ chức hơn. Do vậy, chúng ta phải quyết tâm làm, làm song song nhưng ưu tiên làm cái gốc trước là khu vực công.

PV: Theo ông, chống tham nhũng ở khu vực tư có khác so với khu vực công và sẽ gặp những khó khăn, rào cản gì?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Chống tham nhũng khu vực tư khó hơn khu vực công rất nhiều. Vì khu vực công liên quan đến các thiết chế về công chức, công vụ, một người là viên chức hoặc công chức thì bắt buộc thực hiện các thiết chế như kê khai tài sản, chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ, pháp luật của Nhà nước… Trong khi khu vực tư lại liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Điều 14 của Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ngoài 4 trường hợp này, nếu pháp luật không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm hết. Còn công chức thì ngược lại, chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Trên cơ sở tất cả các vụ án, vụ việc được phát hiện, xử lý tham nhũng thời gian vừa qua, chúng ta phải tổng kết, đưa ra những bài học để hoàn thiện tiếp thể chế, chính sách pháp luật trong thời gian tới.

Theo tôi, cái cốt lõi nhất của phòng, chống tham nhũng, để khu vực công không thể “nương náu” vào khu vực tư đó là cần ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn. Đấy là công việc từ thời ông Park Chung-hee (cựu Tổng thống Hàn Quốc) và rất nhiều quốc gia khác đã làm thành công.

Nếu không làm bây giờ thì mãi mãi chúng ta không làm được và khu vực tư luôn là nơi “ẩn náu” của khu vực công. Nếu ra Luật này, chúng ta sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu, không những chống được tham nhũng mà còn chống rửa tiền, chống trốn thuế, chống cho vay nặng lãi, chống gian lận thương mại, chống sở hữu chéo giữa các ngân hàng, chống doanh nghiệp ma, chống chứng khoán ảo, chống buôn lậu…

Mặc dù đã có quy định về kê khai tài sản và xử lý những trường hợp kê khai gian dối nhưng dường như thiết chế này chưa hiệu quả và không đủ sức kiểm soát tài sản, thu nhập của của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn.

Việc mở rộng chống tham nhũng ở khu vực tư là rất cần thiết nhưng phải đồng bộ với việc tăng cường các thiết chế của khu vực công, cũng như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của cả khu vực công và khu vực tư, trong đó cần thiết ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó có Luật đăng ký bất động sản.

Khởi tố bị can, bắt tạm giam một số nguyên lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

PV: Theo ông, cần cấp bách có những giải pháp đột phá nào để ngăn chặn triệt để sự bất minh, móc nối tiêu cực trong hợp tác công- tư?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Chúng ta sẽ phải sửa Luật phòng, chống tham nhũng trong đó có nội dung mở rộng phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư. Mở rộng phạm vi đó có liên quan đến cả khu vực công nên cũng phải hoàn thiện cả thể chế khu vực công.

Tôi thiết tha đề nghị ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi thiết chế trong xã hội hoặc là có một đề án cấp quốc gia tầm Chính phủ thực hiện trong 7 -10 năm. Đồng thời xác định trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác. Muốn xác định được thì phải phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm một cách rõ ràng, công khai, minh bạch, làm một cách đồng bộ trong thể chế cải cách hành chính hiện nay.

Phải bảo đảm tính độc lập của hoạt động tư pháp trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Do tham nhũng là tội phạm đặc biệt, chủ thể đặc biệt, khách thể đặc biệt, hậu quả pháp lý đặc biệt, vậy mà chúng ta sử dụng phương pháp thông thường, thanh tra, kiểm toán, tố tụng thông thường thì không hiệu quả.

Ở các nước, họ thành lập một cơ quan điều tra tham nhũng đặc biệt trực thuộc Tổng thống hoặc Thủ tướng (người đứng đầu hành pháp của nước đó) và chỉ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống hoặc Thủ tướng. Cơ quan điều tra đặc biệt này liên kết với cơ quan kiểm toán, thanh tra, ngân hàng, thuế, cơ quan đăng ký bất động sản, cơ quan điều tra… Các cơ quan này chia sẻ thông tin cho nên việc phát hiện tham nhũng rất hiệu quả.

Chúng ta có thể học tập mô hình này và thành lập cơ quan điều tra tham nhũng đặc biệt trực thuộc Thủ tướng với tổ chức đặc biệt, tố tụng, cơ chế hoạt động, cơ chế trách nhiệm đặc biệt thì sẽ phát huy hiệu quả. Đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu ở từng cấp trong công tác này. Đấy là những cái mà trước mắt chúng ta phải phải làm cho được.

Còn ở khu vực tư, pháp luật về kinh tế, kinh doanh, đầu tư khởi nghiệp phải bảo đảm tính minh bạch trên mọi phương diện gồm minh bạch về mối quan hệ, về tài chính, nguồn nhân lực, điều kiện, tiêu chí thì sẽ hạn chế được rất nhiều hành vi tham nhũng. Còn một ý nữa cũng rất quan trọng đó là phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật - đây cũng là nội dung mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các phát biểu quan trọng đều đã nhấn mạnh.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thứ Hai, 05:31, 25/04/2022