Hội chợ xuân Gia Lạc

Hội chợ xuân Gia Lạc do Đinh viễn công Nguyễn Phước Bình sáng lập được tổ chức hàng năm tại thành phố Huế từ mồng 1 đến mồng 3 Tết.

Đã trở thành tập quán từ lâu đời, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, những phiên chợ cuối năm vào các ngày 28, 29, 30 bao giờ cũng tràn ngập hàng hóa và đông đúc người mua, nhất là những mặt hàng tươi sống thường được tung ra nhiều nhất vào thời điểm này. Bởi vì, sang ngày mồng 1 và mồng 2 chợ không họp, các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa để vui chơi, thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau trong những ngày đầu xuân.

Thế nhưng hội chợ xuân Gia Lạc lại vượt ra ngoài thông lệ đó. Điều đáng lưu ý là quanh năm suốt tháng, chợ này không họp, mà mỗi năm chỉ họp đúng trong ba ngày Tết, sau đó thì giải tán, và chờ đến đầu Xuân năm sau mới xuất hiện trở lại.

Gia Lạc là một địa danh ở các trung tâm thành phố Huế 3 km, nằm cách bờ sông Hương khoảng 300 m. Bên cạnh chợ Gia Lạc là chợ Nam Phổ, và đối diện ở phía bên kia sông là chợ Dinh. Hai chợ này ngày nào cũng có họp và tên chợ đã đi vào ca dao cổ (Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh) của đất thần kinh.

Tương truyền, chợ Gia Lạc do Đinh viễn công Nguyễn Phước Bình - con thứ tư của vua Gia Long – lập ra dưới thời Minh Mạng, cách nay trên 170 năm. Lúc đầu, chợ được lập ra theo ý của ông hoàng là để có chỗ tập trung vui chơi, giải trí ngày xuân của giới hoàng tộc và số thị dân, thợ thủ công, quan chức, lính tráng vì lý do nào đó không về ăn Tết ở quê hương. Dần dần, chợ trở thành không những một tụ điểm vui chơi hấp dẫn, mà còn là nơi trao đổi, mua bán các sản vật, hàng hoá khác, nơi bán một số món ăn đặc sản ngày xuân. Vài người đem đi chợ bán một vài vật nhỏ cốt để lấy hên đầu năm, người mua cũng mang tâm lý đó không ít.

Tái hiện phiên chợ xuân Gia Lạc tại TP HCM tháng 1/2012 (ảnh VNE)

Sáng sớm tinh mơ ngày mồng 1 Tết, người từ các nơi nườm nượp đổ về mảnh đất trống với những ngôi lều dựng lên tạm bợ ở cạnh bờ sông Hương này. Kẻ bán, người mua, lẫn người đi xem, đi chơi chợ (thành phần đông nhất) trông thật nhộn nhịp.

Hàng hoá bày ra đủ loại. Ai có thứ gì muốn bán thì đem ra bán, từ đồ gia dụng hàng ngày như chén bát, cơi trầu, bộ chén ấm uống trà cũ, quả hộp, quần áo may sẵn đến đồ chơi trẻ em, bánh trái, hoa quả… giống như một dạng “chợ trời” ngày nay. Một số quán ăn kịp thời xuất hiện, bán bún, phở, đặc biệt món thịt heo quay và thịt bê thui ngon nổi tiếng. Cạnh đó là nơi tổ chức bài chòi, bài thai ghế và các trò chơi khác.

Khách vui xuân đến đây có thể thử thời vận đầu năm bằng một ván bài chòi, để được nghe giọng hô thai trầm bổng, xen đôi chút tiếu lâm, pha trò duyên dáng, để hồi hộp đón chờ một sự may mắn “bài tới”, hay chia sẻ sự vui lây của người bên cạnh giữa tiếng hoan hô, hò reo khoái trá, xen lẫn những tràng cười cùng tiếng pháo nổ tưng bừng sau một hồi mõ báo hiệu kết quả. Hoặc, khách có thể thưởng thức những món đặc sản cùng những ly rượu thuốc đặc biệt trong không khí xuân ấm áp.

Đại đa số khách đến hội chợ xuân Gia Lạc, từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến nam giới không phải chính vì nhu cầu về trao đổi kinh tế mà vì thói quen, vì một tập tục lâu đời, lấy vui, lấy việc cầu may làm chính trong không khí ngày Tết, nên mọi người đều ăn mặc sang trọng, chỉnh tề, đi lại nói năng trao đổi lịch thiệp, không ồn ào, to tiếng với nhau, không tranh mua tranh bán xô bồ như những phiên chợ ngày thường.

Người đến chợ sẽ mua một vài món kỷ niệm, tham gia vài trò chơi dân gian, giải trí, thưởng thức đôi câu hò, hát đối đáp trữ tình, một đôi câu thai dí dỏm, trào lộng trong không khí xuân ấm áp, vui tươi. Các em thiếu nhi đến chợ để được mua, hoặc được bố mẹ, anh chị mua cho những đồ chơi dân gian: con chim, con gà đất, ông trạng cưỡi ngựa bằng bột, ông phỗng miệng cười toe toét, chú voi, chú gấu con, con heo mập ú có chỗ bỏ tiền tiết kiệm được sơn phết đủ màu sắc.

Mọi người đến đây vui chơi, ai cũng cố gắng giữ một phong cách, thái độ đứng đắn trong ứng xử, giao tiếp nhằm biểu hiện chất văn hoá truyền thống của đất cố đô trong dịp đầu xuân.

Hội chợ xuân Gia Lạc tồn tại khá lâu qua nhiều giai đoạn lịch sử, có những bước thăng trầm và thay đổi về hình thức mua bán, trao đổi, vui chơi giải trí. Cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, những trò chơi bài chòi, bài thai ghế, hò hát đối đáp giữa nam nữ còn khá thịnh hành. Từ sau năm 1945, tiếp đến là hai cuộc chiến ranh giải phóng đất nước kéo dài suốt 30 năm với cường độ rất ác liệt, cuộc sống của người dân có nhiều đảo lộn, đo đó hội chợ xuân Gia Lạc đã từng bị đứt đoạn năm có năm không, mai một dần.

Hiện nay, hình thức họp chợ đầu xuân ở đây vẫn còn, nhưng đời sống cũng như tâm lý thưởng ngoạn, những nhu cầu giải trí của con người đã có nhiều thay đổi, do đó không khí chung của hội vui không còn sôi động như xưa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên