Hội Phủ Giầy

Hội Phủ Giầy (Nam Định) diễn ra từ mồng 1 – 10/3. Người ta đổ về dự hội vừa để thưởng ngoạn cảnh đẹp của phủ điện, vừa cầu mong Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn.

Nếu trẩy hội đền Kiếp Bạc (giỗ Cha) chúng ta được chứng kiến một vùng sông rộng Lục Đầu mênh mông sóng vỗ, sức sống của nước, thì về đây dự hội Phủ Giầy (giỗ Mẹ) chúng ta đứng trước một biển lúa bát ngát màu xanh của vùng đồng bằng, sức sống của đất. Hơn thế, sức sống tâm thức của người Việt sông Hồng còn được hiện diện với hàng loạt, đình, đền, chùa, miếu xung quanh Phủ Giầy, như đền Giếng, chùa Gôi, đền Khâm Sai, đền Đức Vua, đền Cây Đa, đền Ông Khổng, đền Thượng, đền Quan.

Phủ Giầy có tên cổ là Kẽ Giầy, cho tới khi Liễu Hạnh được suy tôn là Mẫu Nghi thiên hạ, Chế Thắng Hoà diệu đại vương và được sắc phong là Thượng Đẳng Tối Linh Thần, thì Kẽ Giầy được đổi thành Phủ Giầy.

Theo truyền thuyết, Liễu Hạnh nguyên là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng, có lỗi (đánh vỡ chén ngọc) phải giáng trần (1557). Đầu thai vào nhà Lê Thái Công, một nhà giáo tích đức, nên Quỳnh Hoa – lúc này là Giáng Tiên - trở thành người tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, nhiều lần xướng hoạ thơ văn với Đào Lan (chồng) và các bậc danh nho như Phùng Khắc Khoan. Đặc biệt tương truyền về sau, khi nương cửa Phật, nàng có công âm phù triều đình, dẹp yên giặc giã, giúp dân trừ dịch…

Công chúa Liễu Hạnh đi nhiều nơi, tới đâu cũng làm điều thiện nên nhân dân tôn là Thánh Mẫu, Mẫu Liễu và lập đền thờ.

Nhưng nơi chính vẫn là Phủ Giầy, nơi Mẫu sinh ra. Ngoài ra, một nơi nữa được gọi là phủ, đó là Phủ Tây Hồ (Hà Nội), nơi Mẫu mấy lần qua lại bình thơ, hoạ thơ với các bậc danh nho. Không rõ tự bao giờ, nhân dân Việt Nam xếp Liễu Hạnh vào hàng Tứ bất tử bên cạnh Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Tiên Chử Đồng Tử.

Điện thờ chính, thờ hệ thống Mẫu Tứ Phủ.

Ở Phủ Giầy có bộ ba kiến trúc liên quan chặt chẽ tới Liễu Hạnh là: phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.

Phủ Chính là một công trình đẹp. Trước phủ là một giếng tròn giữa có cột cờ rồi đến một sân rộng nối với một hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh đắp chim phượng và lân. Tiếp đến là ba toà nhà ngang; Nhà bia, nhà trống, nhà chiêng. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá.

Điện thờ chính, thờ hệ thống Mẫu Tứ Phủ, Mẫu Thượng Thiên (Trời) ở giữa, Mẫu Địa (Đất) ở bên phải, Mẫu Thoải (Nước) ở bên trái, Mẫu Thượng Ngàn (Núi, Rừng) ở phía trước. Phủ Vân Cát cách không xa phủ Chính, mang một vẻ đẹp khác. Phía trước là hồ bán nguyệt, rồi tới ngũ môn uy nghi.

Trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu. Khu vực bên trái là thờ chúa Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế. Lăng Chúa Liễu, bên cạnh phủ Chính, chiếm một khu vực riêng hình chữ nhât. Toàn bộ công trình đều xây bằng đá, chạm trổ đẹp. Giữa lăng là một ngôi mộ hình bát giác, mỗi cạnh chừng 1 mét.

Hội Phủ Giầy mở vào cuối xuân. Từ khắp các tỉnh thành miền Bắc, người ta đổ về dự hội (giỗ Mẹ) vừa để thưởng ngoạn cảnh đẹp của phủ điện, vừa cầu mong Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn.Hội kéo dài 10 ngày, từ mồng 1 -10/3.

- Mồng 1: Lễ nhập hội. Họ Trần Lê (họ của Mẫu Liễu) vào lễ tại phủ Chính, rồi sang lễ ở nhà thờ họ Lê ở phủ Nội, phủ Ngoại. Cùng ngày, phủ Vân Cát cũng làm lễ nhập hội và làng lo việc tế.

- Mồng 2: Làng cử hành cuộc lễ vào tối và làm lễ rước nước kèm theo có đuốc thắp sáng. Nước được lấy vào chính sứ đem về tắm tượng Thánh Mẫu (lễ mộc dục).

- Mồng 3: Ngày giỗ Mẫu Liễu Hạnh, xưa được cử hành như quốc tế. lễ vật gồm có: hương, hoa, 100 bánh dầy to, một con lợn sống. Trong ngày nay, ở phủ Vân Cát cũng tổ chức lễ như bên Tiên Hương, nhưng không phải là quốc tế. Song cỗ cũng lớn: một trâu thui, một bò thui, một lợn luộc (tam sinh) cũng hàng trăm cặp bánh dầy và hương hoa.

- Mồng 4, 5: Tiếp tục các lễ tế do chức sắc các làng tế theo thứ tự định trước.

- Mồng 6: Rước Thánh Mẫu từ phủ Tiên Hương đến chúa Gôi. Trong hội có nhiều đám rước, nhưng chỉ có đám rước này có quy mô lớn nhất. Đám rước dài tới gần 1 km, rất trang trọng, biểu hiện ở thành phần dự lễ và nghi thức tiến hành: Nhà chùa (Hoà Thượng), Mẫu Liễu (Đạo Tứ Phủ), quan chức cao cấp và những người hành nghề phù thuỷ, ma thuật cùng tín đồ các đạo. Ngoài ra còn có các đội múa rồng, múa sư tử.

- Mồng 7, 8, 9: Diễn trò kéo chữ: Đây là nét độc đáo của hội Phủ Giầy. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng trên 100 phu cờ, ăn mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm một cây gậy khoảng 2 m. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc, chủ lễ xin Mẫu “ra chữ”, sau đó lệnh cho tổng cờ điều khiển phu xếp chữ theo chủ đích như “Thiên hạ thái bình”…

Trong những ngày hội, nhân dân còn tổ chức nhiều hình thức vui chơi khác như hát chèo, hát tuồng, hát trống quân và các cuộc thi đấu mang tính thượng võ.

Hội Phủ Giầy còn là hội chợ hàng năm. Dân trong vùng thường đưa các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ra bày bán, trong đó có những hàng cao cấp như giường, tủ, bàn ghế chạm trổ công phu, đồ gỗ khảm xà cừ, hoành phi, liễn đối…

Đi hội phủ Giầy, người ta không quên thưởng thức những món đặc sản ở đây như thịt bò thui chấm với tương gừng, hợp với thời tiết tháng ba. Hội Phủ Giầy có sức thu hút mạnh người tứ xứ:

Còn trời, còn nước, còn non
Mồng năm rước Mẫu ta còn đi xem.
Ai về nhắn chị cùng em,
Bảo nhau dắt díu đi xem hội này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên