Ấn tượng văn hóa Tết Việt trong con mắt người Séc
VOV.VN - Buổi giao lưu ngày 28 Tết được thiết kế dành riêng cho người dân Séc để tìm hiểu về Năm mới và cách đón Tết cổ truyền của người Việt.
Tối 2/2 (tức 28 Tết), hàng trăm người dân Séc đã tới tham dự đêm giao lưu văn hóa Việt-Séc ở thủ đô Praha để tìm hiểu phong tục đón Năm mới cổ truyền của người Việt. Chương trình do Lãnh đạo Trung tâm Thương mại Sa Pa phối hợp với chính quyền Phường Libus ở thủ đô Praha tổ chức.
Hàng trăm người dân Séc chăm chú xem màn múa lân mở màn cho đêm giao lưu văn hóa Việt-Séc.
Khác với buổi gặp mặt đón xuân của bà con cộng đồng người Việt tổ chức trước đó, buổi giao lưu ngày 28 Tết được thiết kế dành riêng cho người dân Séc để tìm hiểu về Năm mới và cách đón Tết cổ truyền của người Việt.
Mới 17h30 chiều, toàn bộ khán phòng với sức chứa trên 500 chỗ ngồi của Trung tâm sự kiện Đông Đô nằm trong Trung tâm thương mại Sa Pa ở thủ đô Praha đã chật kín không còn một chỗ trống. Rất nhiều gia đình người Séc đến muộn đã phải tìm chỗ đứng ở phía cuối khán phòng hoặc lên tầng 2 để theo dõi các tiết mục biểu diễn giao lưu và thưởng thức các món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam.
Với nhiều người chưa một lần đặt chân tới Việt Nam, mà chỉ biết tới Việt Nam qua sách báo, bạn bè, buổi giao lưu thực sự là một trải nghiệm thú vị để khám phá nét độc đáo trong văn hóa ngày Tết của Việt Nam. Họ được tận mắt nhìn thấy cách người Việt bố trí không gian đón Tết, được nghe kể về các phong tục ngày Tết, được xem màn biểu diễn múa lân sôi động đầy sắc màu, được giao lưu với các liền anh, liền chị Quan họ ngày xuân, hay đơn giản chỉ muốn đứng chụp ảnh cùng với thiếu nữ trong tà áo dài duyên dáng và chiếc nón lá truyền thống của người Việt.
Nhiều người dân Séc lựa chọn bánh chưng - món ăn không thể thiếu của người Việt trong dịp Tết cổ truyền. |
Biết thông tin về buổi giao lưu qua người thân và bạn bè, bà Mareckova Danuse cùng chồng đăng ký tham dự với mong muốn được khám phá văn hóa ngày Tết của người Việt mà bà hàng ngày vẫn gặp đâu đó trên phố nhưng ít có dịp chuyện trò để hiểu sâu hơn về họ.
Bà chia sẻ: “Chúng tôi đón Năm mới cách đây một tháng, nhưng không tưng bừng hay rộn ràng như của các bạn. Thật thú vị khi thấy các bạn tổ chức đón Năm mới với một không gian rất riêng, ấm cúng và đầy sắc màu. Tôi rất thích màn múa lân rộn ràng và trang phục biểu diễn của các nghệ sĩ trong màn hát đối giao duyên đầu xuân”.
Điểm nhấn của đêm giao lưu chính là màn trưng bày và thưởng thức các món ăn ngày Tết của người Việt. Người Séc từ lâu đã biết tới nét tinh tế trong ẩm thực của người Việt. Kể từ khi được công nhận là một dân tộc thiểu số của Séc năm 2013, rất nhiều lễ hội văn hóa ẩm thực của cộng đồng người Việt được tổ chức và nhiều món ăn của người Việt như Bún chả, phở bò, nem rán, nem cuốn… càng được nhiều người Séc biết tới. Đó là lý do tại sao cả một dãy dài quầy giới thiệu món ăn ngày Tết của Việt Nam luôn đông kín người dân Séc đứng xếp hàng chờ tới lượt được phục vụ.
Các liền anh, liền chị Kinh Bắc mang tới đêm giao lưu một làn điệu Quan Họ ngày xuân. |
Biết đến các món ăn Việt Nam nhiều năm nay, nhưng lần này chị Nikola Horackova lại lựa chọn cho mình miếng bánh chưng xanh mà chị được nghe mô tả là một món ăn không thể thiếu trong dịp đón Năm mới cổ truyền của người Việt.
Ngạc nhiên vì hương vị đặc biệt của bánh sau khi thưởng thức, chị Horackova cho biết: “Tôi rất thích ăn các món ăn dân tộc của Việt Nam, đặc biệt món bánh chưng tôi đang cầm trên tay điều hấp dẫn tôi vô cùng. Đây là món ăn rất thơm, ngon cả về hương và vị. Thực sự tôi không còn từ nào để diễn tả nữa”.
Khác với cô bạn Horackova, chị Misa Pospisilova lại chọn cho mình món nem rán bởi chị chưa một lần thưởng thức dù đã được nghe giới thiệu nhiều lần.
“Đây là lần đầu tiên tôi được ăn món nem rán của Việt Nam, mà lại được thưởng thức trong không gian thật ấm cúng này. Giờ tôi mới hiểu tại sao món ăn có hương vị lạ miệng, rất thơm và ngon này lại thu hút nhiều người Séc đến thế…. Tôi nghĩ giới thiệu ẩm thực chính là cách tốt nhất để đưa văn hóa các bạn đến gần hơn với người dân chúng tôi”, chị Pospisilova nói.
Đó cũng là chia sẻ của ông Jiri Koubek, Chủ tịch Phường Libus - nơi có số lượng người Việt sinh sống, làm ăn kinh doanh nhiều nhất thủ đô Praha. Ông cho biết chính quyền phường luôn ủng hộ các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước để tăng cường sự hiểu biết, gắn bó và tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Các cháu thiếu nhi Séc thích thú với trò chơi tô vẽ các con vật, trong đó có chú lợn - con giáp của năm Kỷ Hợi 2019. |
Ông Koubek cho biết: “Tôi đã tham dự chương trình đón Tết cổ truyền của Việt Nam tại đây 6 lần rồi. Chương trình giao lưu như thế này rất có ích để mọi người hòa đồng với nhau hơn, thưởng thức những món ăn cũng như các tiết mục văn nghệ hay, đặc biệt là tìm hiểu về văn hóa, con người và phong tục ngày Tết của Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi giao lưu này của lãnh đạo Trung tâm thương mại Sa Pa”.
Người Séc đã biết tới nhiều phong tục truyền thống của Việt Nam qua nhiều lễ hội văn hóa được tổ chức quanh năm, nhưng phong tục đón Năm mới của người Việt thì chỉ được giới thiệu duy nhất một lần trong năm vào dịp này. Buổi giao lưu một lần nữa đưa văn hóa của người Việt đến gần hơn với người dân Séc, khẳng định mong muốn của người Việt trở thành người láng giềng tốt, thân thiện của người dân Séc trên quê hương thứ hai của mình./.