Bà giáo 80 tuổi với lớp học không ngày ra trường

Không toan tính thiệt hơn, không một đồng học phí, bà giáo Hồ Hương Nam vẫn miệt mài đem con chữ đến với các em khuyết tật.

 

Suốt 15 năm qua, tại ngôi trường THCS An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội có 1 lớp học đặc biệt.

Những học sinh ở đây đều là trẻ em khuyết tật và người dạy dỗ thầm lặng cho các em lại là một bà giáo già đã ở tuổi 80 tên là Hồ Hương Nam.

Bà giáo Hồ Hương Nam (Ảnh:pwd)

 Trò chuyện với bà Hồ Hương Nam trong căn nhà nhỏ số 253, phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự lạc quan và nhân hậu toát lên từ ánh mắt, lời nói đến nụ cười của bà. Đều đặn 1 tuần 6 buổi, bà Nam đến với lớp học của mình, góp nhặt yêu thương để giúp trẻ em khuyết tật có thêm niềm tin vào cuộc sống. Không toan tính thiệt hơn, không một đồng học phí, nhiều người bảo bà nên nghỉ ngơi vui vầy với con cháu, nhưng bà Nam vẫn miệt mài đem con chữ đến với các em.

Mười ba học trò của bà ở đây đều mang trên mình thương tật như khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, liệt nửa người… Suốt 15 năm qua, lớp học này không chỉ dạy chữ, dạy toán đơn thuần mà còn dạy đạo làm người, nhận biết lẽ phải ở đời.

Bà Nam kể: “Người ta bảo cô giáo ở trường là mẹ ở nhà cho nên tôi phải làm thế nào để các em thấy mình giống như một người bà. Dạy ở lớp học này phải dành tình thương là chính để các em có động lực học. Khi các em cảm nhận được mình thương các em bao nhiêu thì các em sẽ học tốt bấy nhiêu. Học sinh bình thường thì đáng lẽ chỉ nói 5 nhưng trên bục giảng cho trẻ khuyết tật thì phải nói tới 50 vì các em khuyết tật không nghe được. Lắm khi, tôi cảm thấy yêu quý các em còn hơn con cháu ở nhà vì hoàn cảnh các em không được như con cháu mình”.

Học trò của bà Nam mỗi em có một hoàn cảnh riêng nhưng đều éo le và khổ cực. Em Đỗ Kim Thúy, 22 tuổi, sau 15 năm theo học tại lớp tình thương này đã đạt đến trình độ cao nhất là lớp 4, bây giờ em đọc thông, viết thạo, tính toán nhanh. Từ chỗ không biết chữ, cô bé liệt nửa người có hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, đã tìm thấy niềm vui và niềm tin vào cuộc sống.

Lớp học đặc biệt với những em học sinh khuyết tật (Ảnh:pwd)

Đỗ Kim Thúy cho biết: “Em sẽ học đến khi nào bà không dạy được nữa thì thôi. Trong 15 năm, em được học toán và chữ. Bà rất vui tính và nhân hậu. Lúc đi chợ, em biết tính toán tiền; xem ti vi, em biết đọc. Bố em thấy em đọc được nhiều chữ rất vui mừng. Tình cảm em dành cho bà không thể tả thế xiết. Cả gia đình em đều biết ơn bà”.

Là giáo viên Tiểu học, sau khi nghỉ hưu, bà Hồ Hương Nam tích cực tham gia các phong trào của phường và làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ở cụm 6, tình nguyện viên phòng chống ma túy, cộng tác viên dân số và khuyến học…

Năm 1997, khi đến từng nhà tuyên truyền công tác dân số, thấy 2 cháu bị tàn tật, hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện theo học trường dành cho trẻ khuyết tật, bà đã vận động gia đình để mở lớp cho các em. Những ngày đầu mở lớp, nhiều người cho bà là “lẩm cẩm”. Thế nhưng, bà Nam vẫn quyết tâm làm với sự ủng hộ nhiệt tình của con cháu và thao thức để mong tìm ra những phương pháp dạy học phù hợp với học sinh ở đây.

Bà Nam cho biết, năm học tới sẽ áp dụng phương pháp mới, kết hợp dạy học và chữa bệnh: “Tôi cho các em học văn hóa, sau đó là chữa bệnh. Đối với các em bệnh tự kỷ, tôi chọn một số bài hát hợp với lứa tuổi các em. Tôi tự tạo ra bài múa đơn giản để cho các em giơ tay lên, xuống”.

Nhắc đến việc làm ý nghĩa của bà Nam với lớp học tình thương trong suốt 15 năm qua, ông Đặng Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo trường THCS An Dương dành 1 lớp học để cô giáo Hồ Hương Nam dạy cho các cháu bị khuyết tật. Đây là việc làm nhân hậu và từ thiện. Có nhiều bậc cha mẹ ở dưới Bách Khoa, phường Tứ Liên và một số trường khác đã đưa các cháu đến học tập”.

Mong muốn lớn nhất của bà giáo già Hồ Hương Nam là sẽ có thêm nhiều lớp học dành cho trẻ khuyết tật được mở ở nơi khác để trẻ bị thiệt thòi đều được đến trường học chữ. Cũng chính vì thế mà bà quan niệm, còn sống ngày nào sẽ còn đến lớp để ươm mầm cho tương lai, dẫu “hạt mầm” chưa hẳn đã khỏe mạnh, tốt tươi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nhân gốc Việt thành đạt trên đất Lào
Doanh nhân gốc Việt thành đạt trên đất Lào

Ông Nguyễn Duy Trung không chỉ được biết đến là một người thành đạt trong kinh doanh mà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội tại Lào.  

Doanh nhân gốc Việt thành đạt trên đất Lào

Doanh nhân gốc Việt thành đạt trên đất Lào

Ông Nguyễn Duy Trung không chỉ được biết đến là một người thành đạt trong kinh doanh mà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội tại Lào.  

Cậu bé nghèo trả lại 10 triệu đồng nhặt được
Cậu bé nghèo trả lại 10 triệu đồng nhặt được

Nhặt được 10 triệu đồng, cậu bé đã tìm mọi cách trả lại cho người đánh rơi.

Cậu bé nghèo trả lại 10 triệu đồng nhặt được

Cậu bé nghèo trả lại 10 triệu đồng nhặt được

Nhặt được 10 triệu đồng, cậu bé đã tìm mọi cách trả lại cho người đánh rơi.

3 sinh viên Việt Nam được nhận học bổng toàn phần của Nhật Bản
3 sinh viên Việt Nam được nhận học bổng toàn phần của Nhật Bản

Vào tháng 3/2013, 3 sinh viên này sẽ chính thức nhập học tại các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản.  

3 sinh viên Việt Nam được nhận học bổng toàn phần của Nhật Bản

3 sinh viên Việt Nam được nhận học bổng toàn phần của Nhật Bản

Vào tháng 3/2013, 3 sinh viên này sẽ chính thức nhập học tại các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản.