Bác Hồ sống mãi trong lòng người dân hai nước Việt Nam-LB Nga
VOV.VN - Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại St.Petersburg-Nga, nhân dịp tròn 100 năm ngày Người đặt bước chân đầu tiên đến nước Nga đã trở thành sự kiện lớn, vô cùng ý nghĩa.
Đây là dịp để người dân Việt Nam, nhất là những người đang sinh sống, làm việc ở Nga được nhớ về Bác, nhớ về cội nguồn của mình. Trong khi đó, chính quyền, người dân thành phố St.Petersburg cũng dành cho Bác sự kính trọng sâu sắc, coi lịch sử Việt Nam như một phần trong cuộc sống của họ.
Ngày 30/06, lễ khai trương tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quận Vyborsky-St.Petersburg-Nga dường như trở thành ngày hội của người dân hai nước. Dịp này, rất đông các đoàn đại biểu từ trong nước sang, các nhóm, hội đoàn của người Việt, các gia đình, cá nhân từ nhiều thành phố của Nga đổ về St.Petersburg để chứng kiến thời khắc lịch sử-khánh thành tượng đài Bác và là tượng thứ 5 của Người tại Nga. Trong tay mỗi người là cờ Việt Nam, cờ Nga, những bông hoa đỏ thắm. Khi quốc ca Việt Nam cất lên, những người con đất Việt cùng hoà giọng trong niềm vui, xúc động và tự hào.
Bà Phạm Thị Thuý Hằng, người đã 30 năm sinh sống, làm ăn ở Nga, cùng đại gia đình gồm ba thế hệ, gần 20 người từ Matxcơva đã có mặt ở cố đô phương Bắc để thể hiện tình cảm “uống nước nhớ nguồn”: “Việc dựng tượng Bác ở St.Petersburg thì tôi thấy đây là sự kiện rất ý nghĩa, trọng đại và thấy rất tự hào dân tộc. Bởi vì không phải lãnh tụ của đất nước nào cũng được nước Nga tôn vinh như thế, được dân Nga quý trọng như thế. Đây là dịp cả gia đình được tưởng nhớ, tự hào về Bác Hồ kính yêu của dân tộc mình, giáo dục cho con, cháu mình, các thế hệ mai sau".
Bà kể rằng, trong gia đình, bà luôn giáo dục các con phải trở thành cháu ngoan Bác Hồ, vì thế hệ của bà đã có nhiều trải nghiệm và hiểu rõ giá trị cuộc sống của người dân ở một nước được hưởng độc lập, tự do, mà Bác chính là người đã dày công tìm kiếm ra con đường đưa cả dân tộc đi theo, đấu tranh giành được. Không những thế, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng, người dân Việt đi ra nước ngoài học tập, làm việc ngày càng dễ dàng hơn và được tôn trọng. Đó chính là công ơn vĩ đại của Bác, mà kiều bào ở nước ngoài, người Việt xa xứ như bà cảm nhận rõ.
Đây cũng là suy nghĩ của ông Dương Chí Kiên-Chủ tịch Chi hội Doanh nhân Việt Nam tại St.Petersburg, Chủ tịch Golden Age Group, với thâm niên 35 năm học tập, kinh doanh, thành đạt ở Nga: “Bác là người đưa Việt Nam từ nô lệ, lầm than đến tự do, hạnh phúc và phát triển. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới đã thoát khỏi ách đô hộ thực dân. Bác là vị lãnh tụ kính yêu, điển hình cho rất nhiều nước Châu Phi, Mỹ Latin. Đến hôm nay, khi có tượng Bác ở St.Petersburg, Nga-một đất nước vĩ đại trải dài trên cả hai châu lục Âu-Á, cho thấy ảnh hưởng của Bác trên thế giới càng ngày càng lớn".
Trong quá trình đúc tượng Bác ở Nga, sau khi chuyển phôi từ trong nước sang, ông Kiên là người “chạy đôn chạy đáo” để thúc đẩy công việc. Nhưng khi hỏi về khó khăn thì ông nghẹn ngào, nước mắt cứ thế tuôn rơi, dù là một doanh nhân từng trải qua nhiều biến cố thăng trầm của nước Nga:
“Nhìn tượng Bác tự nhiên nước mắt chảy ra, còn không có việc gì khó cả, cứ thế làm thôi. Bác như là Người dẫn đường cho mình".
Đặc biệt hơn, với một người Nga như ông V.Kalganov, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối Ngoại St.Petersburg, dường như cũng “lây” những tình cảm, tâm linh của người Việt: “Tất cả đã cháy hểt mình, tất cả đều mong muốn công việc được hoàn thành và chúng tôi cảm thấy sự giúp đỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì có thời điểm bị trì hoãn, có gì đó không thể làm được, việc vận chuyển hàng hoá bị chậm, không có giấy tờ, nhưng bằng cách nào đó đã vượt qua được. “
Ông cũng như chính quyền thành phố St.Petersburg cảm thấy phấn khởi, vì mọi việc đã hoàn thành đúng thời hạn. Ông Kalganov khẳng định, đây là công trình lao động của cả tập thể, cả người Việt và người Nga, mỗi người đã góp phần mình.
Chứng kiến buổi lễ khánh thành tượng Bác, nhiều người dân địa phương như bà Kalina, bà Magarita đã rất cảm động, vì họ hiểu biết về Việt Nam, về Bác: “Tôi rất thích, rất hài lòng là ở trên phố mà chúng tôi đang sống, đã khai trương tượng đài này, buổi lễ rất long trọng. Chúng tôi biết, đã đọc trong lịch sử rằng, đây là người cộng sản đầu tiên, Chủ tịch đầu tiên của Việt Nam. Đây là người đã đấu tranh vì dân tộc mình. Ở Việt Nam đã có cuộc chiến tranh với Mỹ rất lâu. Do đó, Người xứng đáng với tượng đài được khai trương".
"Chính quyền thành phố, đại diện chính quyền Nga đã nói những lời rất tốt đẹp, nói về công lao của Người. Những gì Người đã làm là xứng đáng".
Sau khi buỗi lễ kết thúc, nhiều người đi qua tượng đài Bác đều dừng lại, ngắm nhìn và chụp ảnh. Hình ảnh Bác, cái tên Hồ Chí Minh sẽ hiện diện trong cuộc sống hàng ngày và dần trở nên quen thuộc với họ. Rất có thể, người lớn tuổi sẽ kể về Bác cho người trẻ, cho con cháu. Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam sẽ trở nên gần gũi hơn. Những mối thiện cảm, tình hữu nghị bắt nguồn từ sự tôn trọng lịch sử, văn hoá của mỗi dân tộc, sẽ tiếp tục được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.