Chuyện về những kỹ sư hàng hải phá thủy lôi hiện đại

Có những người chưa từng mặc áo lính nhưng với lòng yêu nước, họ đã anh dũng, sáng tạo, góp phần đánh bại âm mưu phong tỏa miền Bắc của Đế quốc Mỹ 45 năm trước.

Hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường do không quân Mỹ thả xuống các cửa sông, cửa biển từ Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận đã được họ phá hủy, đảm bảo an toàn cho tàu vận chuyển hàng hóa, lương thực cho miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ. Chiến công của họ đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Ngày 26/2/1967, những qủa thủy lôi đầu tiên được Mỹ thả xuống Hải Phòng, mở đầu cho chiến dịch phong tỏa các cảng sông miền Bắc. Mỹ sử dụng hỗn hợp nhiều loại thủy lôi: thủy lôi từ trường, thủy lôi âm thanh, thủy lôi chạm nổ, thủy lôi áp suất… nhằm mục tiêu đánh chìm nhiều loại tàu chiến, tàu vận tải khác nhau của ta, ngăn chặn việc chi viện cho miền Nam và giữa các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ Việt Nam.

Công nhân Công ty bảo đảm hàng hải kéo thuỷ lôi vào bờ (Ảnh: TL)

Cụ Lê Văn Kỳ - nguyên Cục trưởng Cục đường biển ngày ấy nhớ lại: "Tình  hình hết sức cấp bách, nếu không phá thủy lôi thì tàu không thể hoạt động được. Mà như vậy thì làm sao đảm bảo lương thực, hàng hóa, sắt thép… phục vụ nhu cầu cuộc sống của miền Bắc, rồi còn chi viện cho miền Nam nữa".

Không bó tay trước khó khăn, phải tự cứu mình trước khi có người cứu. Ngành đường biển phải tự mình rà phá thủy lôi để dọn đường cho tàu đi. Cục tổ chức ngay các đội phá thủy lôi, nhờ lực lượng công binh của Hải quân hướng dẫn, rồi tự mày mò, nghiên cứu tìm cách phá hủy thủy lôi. Phương châm là mỗi đơn vị vận tải phải tự đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của mình.

Cụ Lê Văn Kỳ nhớ lại: “Chúng tôi giao cho các đơn vị vận tải cùng với các đơn vị đảm bảo hàng hải, đều có nhiệm vụ đi phá thủy lôi. Anh đi vận tải mà không nắm được quy luật thì chậm một cái là chết. Đánh nhau với Mỹ là khoa học tối tân, cho nên mình cũng phân tích các đặc điểm, tính chất của thủy lôi và những quy luật của nó để phá”.

Máy bay Mỹ thả thuỷ lôi phong toả miền Bắc (Ảnh: TL)

“Cái khó ló cái khôn”, các kỹ sư, công nhân vận tải đường biển đã tận dụng tất cả những vật tư máy móc có được, tạo tín hiệu giả đủ mạnh để “đánh lừa” loại thủy lôi từ trường, đồng thời tín hiệu phát đi xa đảm bảo khoảng cách an toàn cho tàu và thủy thủ; cải tiến tàu tankist (chuyên vận tải đổ bộ), lắp thêm các cuộn dây từ bọc ngoài và máy phát điện một chiều.

Máy phát nhỏ, các kỹ sư sáng tạo bằng cách đấu nối nhiều máy phát lại tạo ra nguồn điện 1000W, đủ công suất phát tín hiệu cho nổ thủy lôi trước mũi tàu, tạo luồng sạch cho tàu vận tải đi tới an toàn. Với đội tàu phá lôi 13 chiếc, ngành đường biển đã đột phá trong việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị phá thủy lôi rất hiệu quả. Nhờ vậy, đã giảm tối đa thương vong mà vẫn “mở luồng” hiệu quả cho tàu vận tải đi qua.

Ông Nguyễn Đình Yên, người đã từng tham gia phá hàng chục thủy lôi nhớ lại lần kích nổ quả thủy lôi MK52: “Hôm đó đi tàu Thanh niên, tức là tàu to. Tôi ngồi đầu mũi quan sát thủy lôi khoảng 1 tiếng đồng hồ, đi ra luồng để phá ở luồng tàu to thì bấy giờ quả bom phát nổ. Sức công phá của nó lớn, từ trước chưa gặp quả nào như thế. Tôi và đồng chí Tài bị văng về phía đằng sau, cuộn từ bị đứt tan ở mối hàn. Độ sâu ở luồng đó lúc ấy khoảng 17-18 m, chứ nếu nông thì lúc đó chắc tàu tan ra và người sẽ "đi" hết”.

Các kỹ sư tháo thuỷ lôi (Ảnh: TL)

9 năm chống phong tỏa, các kỹ sư, công nhân đường biển đã phá hủy gần 1.430 thủy lôi và bom từ trường, giải tỏa trên 80km luồng vận tải không còn bom mìn, rà quét trên 24 km2 bến bãi, đầu mối giao thông đưa vào khai thác an toàn.

Ngoài việc kích nổ phá hủy dưới nước, đội ngũ tự vệ của ngành vận tải đường biển còn tham gia cùng hải hải quân hoặc độc lập tháo gỡ thành công 23 quả thủy lôi và bom từ trường. Trong đó có 2 quả thủy lôi hiện đại nhất của Mỹ là MK52, đưa về nghiên cứu, làm dụng cụ trực quan cho việc tập huấn, chế tạo thiết bị phá thủy lôi cho công binh.

Không một ngày mặc áo lính, nhưng những người thợ bảo đảm hàng hải Việt Nam ở thành phố cảng Hải Phòng đã làm nên bao kỳ tích trong cuộc chiến không cân sức chống lại chiến tranh phong tỏa của đế quốc Mỹ.

Kỳ tích ấy, theo ông Nguyễn Thái Phong, nguyên Đội trưởng đội phá thủy lôi Ty bảo đảm hàng hải Hải Phòng thì “trước hết là lòng yêu nước, căm thù địch, dũng cảm, hy sinh, chắc chết 100% vẫn ra đi. Bao nhiêu lần tiếp cận tháo thủy lôi là bấy nhiêu lần tế sống. Nhưng cái đó không ngăn cản được người bảo đảm hàng hải. Phong cách sống của bảo đảm hàng hải là: đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì để góp phần bảo vệ đất nước. Anh em ai cũng tâm nguyện “Ra đi giữ trọn lời thề, thủy lôi phá sạch mới về quê hương”.

9 năm chống phong tỏa miền Bắc của đế quốc Mỹ, biết bao khó khăn, hy sinh mất mát. Nhưng với tinh thần quả cảm, thông minh, sáng tạo, bên cạnh quân chủng hải quân, những kỹ sư, công nhân ngành bảo đảm hàng hải đã đồng lòng vượt qua thử thách, bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải thủy phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng Mỹ - ngụy, thống nhất nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên