Cộng đồng người Việt tại Ai Cập thực hiện ước nguyện của Bác
VOV.VN - Dù là một cộng đồng nhỏ, mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau nhưng người Việt tại Ai Cập luôn đoàn kết, đùm bọc và yêu thương lẫn nhau.
Tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được bà con cộng đồng người Việt tại Ai Cập noi theo. Dù là một cộng đồng nhỏ, mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau nhưng họ luôn đùm bọc và yêu thương lẫn nhau.
Cộng đồng luôn nêu cao tình thần tương thân tương ái, đoàn kết toàn cộng đồng như mong ước của Bác kính yêu trước lúc đi xa.
Một số gia đình trong cộng đồng Việt kiều tại Ai Cập cùng đi dã ngoại |
Chị Mai Hồng Nhung quê ở Bắc Giang lấy chồng Ai Cập nhưng điều kiện gia đình cũng rất khó khăn. Trong một vụ hỏa hoạn chị Nhung đã bị bỏng 40% độ 3 và chỉ sau đó ít ngày chồng chị mất để lại cho chị hai đưa con thơ dại. Chị Nhung thực sự lâm vào cảnh cùng cực và bế tắc. Nhưng nhờ sự động viên và giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Ai Cập, chị Nhung thấy vững tâm hơn nơi đất khách.
“Khi tôi bị bỏng đã được Đại sứ quán và mọi người giúp đỡ rất nhiều. Chị Thúy và các chị đã nuôi ba mẹ con tôi nửa tháng trời, lại cho tiền và đồ đạc. Các chị rất tỉnh cảm. Tôi không bao giờ quên ơn các chị ý…Đúng là sa cơ lỡ bước mới biết được tình cảm của mọi người dành cho tôi”, chị Mai Hồng Nhung chia sẻ.
Các chị em trong cộng đồng tại Ai Cập gặp nhau dịp Lễ Aid Al Adha. |
Cộng đồng người Việt tại Ai Cập cũng tích cực tham gia các đợt quyên góp ủng hộ đồng báo khó khăn ở trong nước. Số tiền không nhiều nhưng nó thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách" và tình cảm luôn hướng về quê hương đất nước của bà con.
Mỗi khi ai đó có chuyện vui buồn, cả cộng đồng đều cùng nhau chia sẻ. Điều đó như một liều thuốc tinh thần, một sợi dây vô hình giúp cộng đồng thêm gắn bó.
“Chị em mà nghe ai khó khăn này kia thì cùng giúp đỡ nhau. Vui buồn cũng tâm sự, chia sẻ. Chị em đi trước, biết trước thì chỉ bảo cho người sau. Tình cảm lắm!”, chị Mary Ysa nói.
Chị Mary Ysa đang hướng dẫn chị Lan cách làm món ăn truyền thống Ai Cập. |
Với nhiều chị em những lúc khó khăn ở nơi xa xứ mới thấu hiểu tình người. Đó không chỉ là tinh thần đoàn kết dân tộc của những người con đất Việt mà là sự sẻ chia để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau khi xa xứ. Chị Ca Thương cho rằng tinh thần đoàn kết của người Việt Nam ở đâu cũng có, càng những lúc khó khăn tình thần đó lại càng được nâng cao. Sự đoàn kết trong cộng đồng nhỏ hay giữa các cộng đồng người Việt lớn sẽ góp một phần vào công cuộc xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc.
“Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công”. Ở mọi phương diện, lĩnh vực và hoàn cảnh câu nói đó của Bác đều đúng. Bản thân tôi cảm nhận rõ hơn khi xa xứ, được yêu thương. Chúng ta làm đúng như những lời Bác căn dặn", chị Ca Thương nói.
Bà con cộng đồng ở Ai Cập đón Tết cổ truyền tại Đại sứ quán năm 2019. |
Cộng đồng ít người lại ở nhiều địa phương khác nhau nên việc quy tụ bà con hay gặp gỡ giao lưu thường xuyên là rất khó. Mặc dù vậy, Đại sứ quán luôn tạo không khí ấm áp để bà con tới đây cảm thấy như được trở về ngôi nhà của mình.
Đại sứ Trần Thành Công cho biết, điều kiện kinh tế của bà con cộng đồng tại Ai Cập còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần đoàn kết, yêu thương rất cao, luôn hướng về Tổ quốc.
“Các hoạt động như các ngày lễ lớn của dân tộc, dịp Tết cổ truyền, Đại sứ quán tổ chức sân chơi chung. Ngoài việc thưởng thức nét văn hóa Việt Nam qua các điệu múa, bài hát, trò chơi dân gian, ẩm thực đã tạo không khí cho bà con gắn kết hơn. Ngoài ra, Đại sứ quán còn tổ chức các buổi trao đổi, học về ẩm thực, giới thiệu văn hóa Việt. Tôi cho rằng đó là chìa khóa làm cho bà con gắn kết lại với nhau và đoàn kết bên cạnh cơ quan đại diện”, Đại sứ Trần Thành Công nhấn mạnh.
Những bài hát về Bác vẫn luôn được bà con trong cộng đồng hát ngân vang mỗi dịp tề tựu bên ngôi nhà chung tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập. Đó là sự tiếp sức mạnh mẽ cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ trong cộng đồng hôm nay thêm yêu đất nước, cùng nhau thực hiện tốt mong ước của Bác xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh./.