Cựu lưu học sinh Việt Nam tri ân các thầy cô giáo Lào
VOV.VN - Tối 6/10, tại Đại học Quốc gia Lào diễn ra cuộc gặp mặt giữa các thế hệ thầy cô giáo với các cựu lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại trường.
Đây là sự kiện thiết thực kỷ niệm 23 năm ngày nhà giáo Lào (7/10/1994 – 7/10/2017) và chào mừng năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào; Lào-Việt Nam 2017.
Thầy Aloun Silattanakoun, Phó Giáo sư- Hiệu trưởng Trường Đại học Ngôn ngữ-Đại học Quốc gia Lào phát biểu tại buổi gặp mặt.
Tham dự cuộc gặp mặt có Ông Khamepheng Xayxompheng, Ủy viên Trung ương Đảng-Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, nguyên giáo viên khoa Văn học-Ngôn ngữ-Đại học Quốc gia Lào; ông Kongsy Sengmany-Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cùng lãnh đạo Nhà trường và hơn 100 thầy cô giáo các thế hệ của Trường Đại học Quốc gia Lào, các cựu lưu học sinh cũng như sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Quốc gia Lào.
Thay mặt các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Lào, ông Dương Đình Bảng, cựu sinh viên khóa 1986-1989, hiện là Trưởng Đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam tại Lào cho biết: tôn sư trọng đạo là truyền thống nhân văn có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Cuộc gặp mặt hôm nay là dịp các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Trường Đại học quốc gia Lào thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân tới các thầy cô giáo đã giành mọi tri thức và tình cảm tốt đẹp nhất cho các thế hệ sinh viên Việt Nam đã và đang học tập tại Lào.
Ông Dương Đình Bảng khẳng định, dù đi đâu và làm gì, các cựu lưu học sinh Việt Nam vẫn luôn nhớ đến công lao to lớn của các thầy cô giáo, nhớ đến sự ân cần, tận tình dạy bảo không chỉ ngôn ngữ tiếng Lào mà cả kiến thức cuộc sống để bước vào đời.
Thầy Aloun Silattanakoun, Phó Giáo sư- Hiệu trưởng Trường Đại học Ngôn ngữ-Đại học Quốc gia Lào bày tỏ niềm xúc động trước tình cảm mà các cựu lưu học sinh Việt Nam dành cho các thầy cô Lào. Điều này thể hiện tình cảm gắn bó giữa thầy cô giáo Lào với các học trò Việt Nam nói riêng và quan hệ đặc biệt giữa Lào và Việt Nam nói chung.
Thầy Alun nói: “Thời gian qua, các sinh viên Việt Nam và chúng tôi luôn có sự gắn bó mật thiết, chúng tôi thường xuyên giao lưu trao đổi, cả trong học tập và cuộc sống sinh hoạt. Các bạn học sinh Việt Nam rất chăm chỉ học tập, chúng tôi cũng rất yêu thương các em và luôn quan tâm chăm sóc các em.
Các em cũng tích cực các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao cùng với các bạn sinh viên Lào. Các thầy cô giáo còn học tiếng Việt, bản thân tôi cũng học tiếng Việt từ các em. Điều quan trọng nữa đó là các em rất đoàn kết, yêu thương kính trọng các thầy cô, các cuộc gặp gỡ như thế này luôn có một không khí ấm áp như trong một gia đình”.
Thầy Alun bày tỏ niềm tự hào vì có nhiều cựu lưu học sinh Việt Nam từng học tại trường nay đã trưởng thành, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong việc gìn giữ, vun đắp và thúc đẩy quan hệ Lào – Việt ở mọi lĩnh vực.
Thầy Alun nhấn mạnh đây là phần thưởng vô giá mà các học trò đã dành cho các thầy cô; mong rằng, trên cương vị của mình, các cựu lưu học sinh hãy nỗ lực hết sức để giúp thắt chặt và phát triển hơn nữa mối quan hệ truyền thống Lào – Việt Nam.
Nhiều cựu học sinh của trường nay đã là trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào. |
Kể từ năm 1982-khóa đầu tiên chỉ có vẻn vẹn 4-5 học sinh Việt Nam được cử sang học tập, đến nay có khoảng gần 1.000 lưu học sinh Việt Nam đã trưởng thành dưới mái trường Đại học Sư phạm Vientiane trước đây, nay là Đại học Quốc gia Lào và hiện có gần 300 lưu học sinh đang theo học tại trường.
Nhiều lưu học sinh Việt Nam tốt nghiệp từ các trường Đại học của Lào đang công tác và làm việc trong nhiều bộ, ban, ngành của Việt Nam; các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào; các công ty Việt Nam liên doanh và đầu tư tại Lào...
Trong đó, nhiều người đã và đang nắm giữ các chức vụ quan trọng như: Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Trưởng Cơ quan Việt Nam tại Lào hay Trưởng đại diện các công ty kinh doanh, đầu tư tại Lào.
Nhiều cựu lưu học sinh Việt Nam đã là dâu ngoan, là rể hiền của đất nước Lào, trong số đó không ít người đã thành lập công ty và thành đạt tại quê hương thứ hai của mình./.