Đầu bếp Việt khát khao quảng bá ẩm thực quê hương trên đất Bắc Kinh

VOV.VN - Lê Ngọc Quyền dự định trong 5 năm tới, tiếp tục phát triển các món ăn tại nhà hàng, để ngày càng nhiều thực khách Bắc Kinh và quốc tế biết đến.

Từ một chàng trai đầu bếp trẻ không biết tiếng Trung Quốc nhưng vẫn muốn sang Bắc Kinh thử sức, giờ đây Lê Ngọc Quyền đã trở thành Bếp trưởng của Nhà hàng Susu nổi tiếng tại đây, tự sản xuất bánh phở tươi và ấp ủ nhiều dự định nhằm lan tỏa những giá trị của văn hóa ẩm thực Việt trên đất Trung Quốc.

Không gian quán phở Susu.

Sau một thời gian học và làm đầu bếp tại thành phố Hồ Chí Minh, chàng trai sinh năm 1987 người Đà Lạt Lê Ngọc Quyền quyết định sang Bắc Kinh vào một ngày cuối tháng 03/2011 để tiếp tục công việc mà mình yêu thích với đầy tự tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ dù không biết tiếng Trung Quốc. Nhưng hiện thực không như những gì anh nghĩ. Đợi anh không phải là một nhà hàng cao cấp trong Trung tâm thương mại như khi ở trong nước, còn thời tiết thì khô lạnh, tuyết rơi đầy trời.

Nhớ lại những ngày đầu lưu lạc xứ người, Quyền không khỏi chạnh lòng:“Cảm xúc ngày đầu sang Bắc Kinh của tôi là rất bỡ ngỡ và hoang mang. Đặc biệt, ngày hôm sau, họ đưa tôi tới nhà hàng, tôi càng tuyệt vọng, bởi nhà hàng nằm trong hẻm, vắng người qua lại, không có thiết bị gì, tôi rất bàng hoàng. Tôi nghĩ chắc mình chỉ làm ở đây 3 đến 6 tháng, đủ tiền mua vé máy bay về và dư một ít biếu gia đình hoặc mua quà làm kỷ niệm”.

Lê Ngọc Quyền đã trở thành Bếp trưởng của Nhà hàng Susu nổi tiếng ở Bắc Kinh.

Nhưng với bản lĩnh và quyết tâm của mình, Quyền đã trụ lại và phát triển khá tốt ở đô thị phồn hoa này khi làm Bếp trưởng của Nhà hàng Susu chuyên món ăn Việt, một cái tên đình đám luôn đứng đầu trong nhiều bảng xếp hạng về ẩm thực ở Bắc Kinh.

Nhận xét về Quyền, chị Amy, đồng sáng lập Quán Susu chia sẻ, anh luôn sáng tạo và tâm huyết trong việc chế biến các món ăn quê nhà: “Cậu ấy là một đầu bếp tài ba, dòng máu Việt chảy trong người cậu ấy. Quyền cũng đã từng học món ăn Tây, sau khi đến Trung Quốc lại rất ham học hỏi các món ăn Trung Quốc. Đầu bếp của chúng tôi trình độ vốn đã cao lại khiêm tốn học hỏi như vậy, quán không được đón nhận mới là lạ. Còn về phở, cậu ấy vẫn thấy chưa được hoàn hảo khi dùng bánh phở khô, nên đã tự nhập thiết bị, tự nghiên cứu công thức bột để sản xuất ra bánh phở tươi”.

Tính đến thời điểm này, Quyền là người duy nhất sản xuất bánh phở tươi tại Bắc Kinh. Để có những sợi phở giống nhất ở quê nhà, anh từng phải nhập gạo từ Việt Nam, mời một chủ cơ sở sản xuất bánh phở bằng máy lớn ở Đồng Nai sang hỗ trợ kỹ thuật. Giờ đây, sau khoảng nửa năm, ngoài việc dùng cho hai quán Susu, bánh phở của Quyền đã được một số nhà hàng phở Việt khác sử dụng và đưa ra chợ tiêu thụ. Hiện mỗi ngày Quyền tiêu thụ được 120kg bánh phở tươi, trong tương lai không xa con số này có thể tăng lên gấp đôi.

Món bánh phở tươi do đầu bếp Quyền làm.

Không chỉ mày mò sản xuất bánh phở tươi, Quyền còn tự làm bánh mỳ, pate, giò chả Việt để nối dài thêm danh sách những món ăn đặc trưng của quê hương bán ở quán. Anh cũng được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc mời chế biến món ăn mỗi khi có lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm.

Không thỏa mãn với những gì hiện có, Quyền đang ấp ủ nhiều dự định cho tương lai, như trong vòng 5 năm tới, tiếp tục phát triển các món ăn tại nhà hàng, để ngày càng nhiều thực khách Bắc Kinh và quốc tế biết đến. Trong tương lai xa hơn, anh muốn cùng vợ con sang Canada, Australia hay Mỹ để đưa các món ăn Việt đi xa hơn.

 Bên cạnh đó, dù thu nhập làm bánh phở chả thấm vào đâu so với mức lương đầu bếp của mình, nhưng anh vẫn quyết tâm làm, bởi gây dựng một chuỗi hàng Phở Việt tại Bắc Kinh cũng là khao khát của anh.

“Bên cạnh việc đi đến đất nước khác, điều đầu tiên tôi muốn làm khi còn ở Bắc Kinh là cùng nhà hàng xây dựng thương hiệu Phở Susu, phở tươi Việt. Nhà hàng chuyên về Phở ăn sáng. Đó là mơ ước, là khát khao của tôi, muốn đưa món phở của Việt Nam đến với từng người dân Bắc Kinh”, đầu bếp Quyền chia sẻ.

Hiểu được tâm nguyện và khát khao của Quyền, chị Amy, chủ quán đã cho mở thêm một quán chuyên kinh doanh Phở, cách Nhà hàng cao cấp Susu không xa, với mong muốn trong tương lai mỗi khu phố Bắc Kinh sẽ có một quán phở sáng Việt mang thương hiệu mà vợ chồng chị và bếp trưởng Quyền đã dày công gây dựng, để giá trị ẩm thực Việt không ngừng lan tỏa trên đất Bắc Kinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đầu bếp Việt Nam theo học tại Hiệp hội Nhà hàng Khách sạn Thüringen
Đầu bếp Việt Nam theo học tại Hiệp hội Nhà hàng Khách sạn Thüringen

Hiệp hội Nhà hàng Khách sạn Dehoga Thüringen tìm kiếm cả học sinh nước ngoài để dạy nghề, trong đó đặc biệt tích cực tìm kiếm người Việt Nam.

Đầu bếp Việt Nam theo học tại Hiệp hội Nhà hàng Khách sạn Thüringen

Đầu bếp Việt Nam theo học tại Hiệp hội Nhà hàng Khách sạn Thüringen

Hiệp hội Nhà hàng Khách sạn Dehoga Thüringen tìm kiếm cả học sinh nước ngoài để dạy nghề, trong đó đặc biệt tích cực tìm kiếm người Việt Nam.

Đầu bếp Việt biến nóc nhà thành thiên đường xanh mát
Đầu bếp Việt biến nóc nhà thành thiên đường xanh mát

Gia đình anh Duy An đang sống trên tầng thượng một trung tâm thương mại nhưng mở cửa ra là có khu vườn rộng hơn 100m2 đầy hoa trái.

Đầu bếp Việt biến nóc nhà thành thiên đường xanh mát

Đầu bếp Việt biến nóc nhà thành thiên đường xanh mát

Gia đình anh Duy An đang sống trên tầng thượng một trung tâm thương mại nhưng mở cửa ra là có khu vườn rộng hơn 100m2 đầy hoa trái.

Đầu bếp Việt quảng bá tinh hoa văn hóa ẩm thực tại Ấn Độ
Đầu bếp Việt quảng bá tinh hoa văn hóa ẩm thực tại Ấn Độ

Qua các món ăn Việt Nam, bạn bè quốc tế có thể hiểu thêm về văn hóa ẩm thực Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Đầu bếp Việt quảng bá tinh hoa văn hóa ẩm thực tại Ấn Độ

Đầu bếp Việt quảng bá tinh hoa văn hóa ẩm thực tại Ấn Độ

Qua các món ăn Việt Nam, bạn bè quốc tế có thể hiểu thêm về văn hóa ẩm thực Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.