Giao lưu và phát triển văn hóa Việt Nam tại Pháp

"Dù ở nơi đâu tôi vẫn luôn nhớ về quê hương Việt Nam. Tình yêu quê hương và cuộc sống nơi đó luôn khắc họa rõ nét trong tôi mỗi khi tôi trình bày những ca khúc về Việt Nam - Đất mẹ."

Đó là tâm sự của Nguyễn Ngọc Anh Rolland, Chủ tịch và là một trong những người sáng lập ra Hội Văn hóa người Việt vùng Rhône, khi trò chuyện với báo giới trong đêm biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang tên "Yêu dấu khôn nguôi" diễn ra mới đây tại Trung Tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Chỉ với ba thành viên, Hội đã tổ chức một chương trình ca nhạc khá thành công và để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả - cộng động người Việt tại Paris, các vùng lân cận và đông đảo các bạn bè Pháp. Điểm nhấn của đêm biểu diễn là những ca khúc ngợi ca đất nước - đất mẹ Việt Nam, và con người Việt Nam, nhất là vai trò sự hy sinh của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước hôm nay. Chương trình được thực hiện chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và cũng là mở đầu cho ý tưởng tổ chức hàng loạt hoạt động của Hội Văn hóa người Việt vùng Rhône năm 2012.

Theo Ngọc Anh, mỗi chương trình được xây dựng trên cơ sở một chủ đề cụ thể nào đó. Ví dụ chương trình lần này gồm những bài hát ca ngợi các bà, mẹ và ca ngợi đất nước Việt Nam - được ưu tiên lựa chọn, như "Bức Họa đồng quê", "Quê hương tuổi thơ tôi", "Hướng về Hà Nội", "Tình mẹ", "Ngày mới Việt Nam"

Khi nghe Ngọc Anh hát, dù là một mình hay cùng với thành viên khác và mặc dù giọng ca còn chưa thật "nuột nà" như những ca sỹ chuyên nghiệp với dàn nhạc đệm trống, kèn, đàn quy mô hoành tráng, nhưng Ngọc Anh và các bạn của chị đã để lại trong lòng người nghe những cảm nhận đẹp, đó là sự say sưa, nồng nàn và hát với cả tâm hồn và trái tim mình. Ngọc Anh nói: "Chúng em luôn cảm nhận tình cảm thật đặc biệt với quê hương đất nước qua từng lời ca của các ca khúc, trong đó mang cả tình cảm gia đình và tình yêu. Đó là điều cơ bản và vô cùng quan trọng đối với chúng em - những người con sống xa quê hương đất nước."

Sống và làm việc tại thành phố Lyon, vùng Rhône, phía Nam nước Pháp từ năm 1993, Ngọc Anh luôn đau đáu một điều làm sao đó có thể để có thể giới thiệu được nhiều nhất đất nước-quê hương mình với chồng mình-anh Rolland Franck (người Pháp), ba đứa con chị và các bạn bè Pháp khác nữa. Đây cũng là một trong những ý tưởng đưa chị đến với việc thành lập Hội Văn hóa người Việt vùng Rhône.

Hội Văn hóa người Việt vùng Rhône thành lập được 2 năm, khởi đầu là có 10 cặp vợ chồng (vợ là người Việt và chồng là người Pháp) sinh ra và lớn lên từ những năm 75 trở lại đây. Các thành viên đều có con nhỏ, có chồng người Pháp và đều mong muốn người thân của mình biết nhiều hơn về các phong tục tập quán và nền văn hóa giàu bản sắc của quê hương mình.

Từ khi thành, lập Hội đã và đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn bè Pháp và Việt Nam, có những người Pháp đã nghiên cứu về Việt Nam từ 20 - 30 năm. Ngọc Anh cũng không quên nhắc đến sự giúp đỡ của cha mẹ chị hiện đang ở Việt Nam, những người đã góp phần đáng kể vào những thành công hôm nay của riêng chị và của Hội nói chung. Đặc biệt là của chồng chị - anh Rolland Franck, người rất yêu gia đình, quý trọng giá trị truyền thống của Việt Nam, luôn chăm lo cho các con và khuyến khích chị, tạo điệu kiện cho chị tham gia các hoạt động của Hội.

Hiện nay Hội Văn hóa người Việt vùng Rhône có 80 hội viên với mục đích tăng cường sự giao lưu gắn kết cộng đồng người Việt Nam và bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam tại vùng Rhône, thành phố Lyon, cũng như với các thành phố khác tại Pháp. Hội còn tổ chức các hoạt động từ thiện hướng về quê hương đất nước. Tới đây là ngày Pháp ngữ, Hội sẽ tổ chức một chương trình "Làng Pháp ngữ" với việc trưng bày ảnh về Việt Nam, giới thiệu về hội và các hoạt động khác, về hát quan họ…

Hội sẽ duy trì và tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho các con cháu các cặp vợ chồng Việt-Pháp, con em thế hệ thứ hai, thứ ba của Việt kiều. Đây là một trong các biện pháp hữu hiệu để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Chia sẻ tâm tư này, Thu Thủy, một trong những thành viên sáng lập Hội, cho biết nếu không sử dụng tiếng Việt, điều đó sẽ có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ. Nên chị thường xuyên cho con cùng đi tham gia các hoạt động của Hội, như vậy không chỉ trẻ con có cơ hội chơi với nhau, mà các bố mẹ Pháp-Việt cũng xích lại bên nhau tạo cảm giác ấm cúng như tìm lại quê hương của mình.

Ngoài ra, Hội sẽ tổ chức Tết Trung thu nhằm giới thiệu các trò chơi dân gian, cổ truyền của Việt Nam cho các cháu. Tuy những trò chơi truyền thống không hiện đại như những trò chơi điện tử bây giờ, nhưng nó sẽ tạo được không khí đoàn kết gắn bó, quây quần, vui vẻ và hạnh phúc cho mọi người.

Trong những ngày Tết cổ truyền Việt Nam, một chương trình giới thiệu áo dài Việt Nam xưa và nay, từ áo tứ thân đến áo ngũ thân và áo dài hiện đại đã được thực hiện. Những chiếc áo dài này được đặt may từ Việt Nam, nó mang đến cho bạn bè Pháp và rất nhiều người Việt sống lâu năm ở Pháp có cái nhìn chân thực về sự hình thành và phát triển của bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Ngọc Anh Rolland không quên mời chúng tôi về thăm và tham dự Lễ hội tại Lyon vào tháng 6 tới với một chương trình phong phú, như giới thiệu võ cổ truyền Việt Nam, khèn - nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, múa lân.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên