Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Sống xa Tổ quốc, nhưng cộng đồng người Việt ở Ba Lan luôn quan tâm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, coi trọng việc dạy tiếng Việt cho con em mình
VOVNews phỏng vấn ông Lê Thiết Hùng - Chủ tịch hội người Việt Nam tại Ba Lan:
PV: Thưa ông, mới đây, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ được hơn 900 kiều bào khắp nơi trên thế giới. Xin ông cho biết cộng đồng người Việt ở Ba Lan đánh giá như thế nào về Hội nghị này?
Ông Lê Thiết Hùng: Không chỉ riêng cộng đồng người Việt ở Ba Lan mà hầu hết kiều bào ở nước ngoài đánh giá rất cao thành công của Hội nghị. Ngoài thành công về nội dung, bà con rất phấn khởi bởi Hội nghị đã gắn kết được tất cả người Việt Nam trên toàn thế giới. Tại Hội nghị, mối quan hệ giữa các cộng đồng được tăng cường, họ có dịp sẻ chia, trao đổi về hoạt động tại nơi mình đang sống. Khi trở về nước sở tại, họ sẽ có những kế hoạch, phong trào định hướng cho sự phát triển của cộng đồng của mình.
Một điều quan trọng nữa là Hội nghị đã nghe được ý kiến đóng góp của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. Qua đó, Đảng, Nhà nước sẽ thấy được mong muốn thiết thực của bà con để có những chỉ đạo, việc làm cụ thể hơn. Nếu chỉ cử cán bộ sang nước ngoài tìm hiểu sẽ rất tốn kém về mặt tài chính, lại không thể nào nghe được những ý kiến kiều bào một cách khái quát, tổng hợp như tại Hội nghị.
Ông Lê Thiết Hùng
PV: Xin ông cho biết, sau Hội nghị, bà con kiều bào ở Ba Lan có kiến nghị như thế nào đối với với Đảng, Nhà nước?
Ông Lê Thiết Hùng: Mong muốn của bà con kiều bào ở nước ngoài rất nhiều. Nhưng theo nhiều bà con ở Ba Lan, nguyện vọng lớn nhất vẫn là làm thế nào thực hiện đúng với tinh thần của Nghị quyết 36, xem cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tác rời của dân tộc. Mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với người Việt Nam ở được ngoài, được bà con khắp nơi ủng hộ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cố gắng để trong khả năng có thể, xóa mọi khoảng cách trong chế độ, chính sách để không còn ngăn cách giữa cộng đồng kiều bào với người trong nước. Đảng, Nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ bà con về mặt tài chính để hoạt động cộng đồng. Vì thực tế ở nước ngoài, nhiều người rất nhiệt tình trong công tác cộng đồng nhưng do còn khó khăn về kinh tế, nên việc tham gia cũng hạn chế. Nếu có các chính sách hỗ trợ, chắc chắn sẽ có thêm nhiều cộng đồng vững mạnh.
Một mong muốn nữa là làm thế nào để thế hệ thứ 2-3 gắn bó với đất nước, trong đó có việc dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho các cháu. Nhưng hiện nay, nhiều cộng đồng còn khó khăn nên việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ sau còn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc tìm giáo viên. Chúng tôi cũng mong trong nước có chỉ đạo cụ thể, có thể coi đây là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục-Đào tạo, để Bộ có kế hoạch triển khai, đến từng cộng đồng tìm hiểu thực tế thì chắc chắn hiệu quả hơn rất nhiều.
Bà con cũng rất mong muốn báo chí trong nước có sự định hướng thông tin. Đối với thế hệ chúng tôi, việc chọn lọc thông tin không mấy khó khăn nhưng đối với thế hệ thứ 2-3, ngoài việc tiếng mẹ đẻ còn yếu, lại ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, chưa có chính kiến rõ ràng, nên mọi thông tin cả tốt, cả xấu đều được các cháu thu nạp rất nhanh. Nếu luồng thông tin không tốt sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của các cháu sau này.
PV: Dạy tiếng Việt cho các thế hệ 2-3 cho người Việt Nam ở nước ngoài cũng là việc làm đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Vậy tại nước sở tại, Hội đã có duy trì việc dạy tiếng Việt và định hướng văn hóa như thế nào cho các thế hệ tiếp theo?.
Ông Lê Thiết Hùng: Không phải đến bây giờ, mà cách đây 10 năm, từ khi mới thành lập Hội, còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã xác định được việc cần thiết phải duy trì tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng.
Năm 1998, chúng tôi đã đứng ra thành lập trường tiếng dạy tiếng Việt một cách rất bài bản. Đây có thể nói là trường dạy tiếng Việt đầu tiên ở châu Âu. Đến nay, đã có rất nhiều thế hệ các cháu đã đọc thông, viết thạo tiếng mẹ đẻ, có cháu còn viết truyện, viết văn.…
Cách đây 3-4 năm, chúng tôi đã thành lập trường Văn hóa Văn Lang, với mục đích để các cháu tìm hiểu phong tục, tập quán của Việt Nam. Trong trường Văn Lang, chúng tôi cũng mở thêm một trường dạy tiếng Việt.
Ông Lê Thiết Hùng chụp ảnh chung với PV, BTV báo VOVNews |
PV
: Thưa ông, Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, Hội có những hoạt động gì để bà con kiều bào ở Ba Lan đón Tết vui vẻ, đầm ấm?
Ông Lê Thiết Hùng: Chúng tôi chưa có thống kê chính thức nhưng hiện có khoảng 40.000-45.000 người Việt đang sinh sống và làm việc ở Ba Lan. Khác với cộng đồng ở một số nước Đông Âu là có một số lượng lớn người sang xuất khẩu lao động, cộng đồng người Việt tại Ba Lan chủ yếu là các du học sinh. Vì thế, chủ yếu người Việt ở Ba Lan là trí thức, một bộ phận nhỏ làm nghề kinh doanh nhỏ. Cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Ba Lan tương đối ổn định. Hội người Việt Nam tại Ba Lan được thành lập nhằm giải quyết các công việc của người Việt tại đây. Hiện chúng tôi còn có rất nhiều Hội đoàn như Câu lạc bộ Phụ nữ, Câu lạc bộ Người cao tuổi, Liên đoàn bóng đá... Tất cả hoạt động của các câu lạc bộ này đều tuân thủ hoạt động của Hội người Việt Nam tại Ba Lan.
Chúng tôi là cố gắng tuyên truyền, giúp đỡ bà con hiểu biết văn hoá, pháp luật nước sở tại, đồng thời làm cầu nối giữa bà con trong và ngoài nước. Hội cũng có các hoạt động hướng bà con đầu tư đóng góp công sức, trí lực của mình xây dựng đất nước.
Không phải đến bây giờ, mà năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, Hội phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí đầm ấm, vui vẻ với đầy đủ hương vị quê nhà. Đây cũng là dịp mọi người có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhau sau một năm bận rộn, cùng nhau hướng về quê hương, giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.
PV: Xin cảm ơn ông./.