Gìn giữ gia đình truyền thống trong cộng đồng người Việt tại Séc
VOV.VN - Cộng hòa Séc là nơi có nhiều gia đình điển hình người Việt làm ăn kinh tế thành đạt, nhưng vẫn duy trì phong tục truyền thống hướng về nguồn cội.
Một gia đình người Việt tại thành phố Sokolov, nơi có bốn thế hệ cùng sống chung là một trong những điển hình ấy. Anh Lê Văn Thủy, quê ở Hải Dương, bắt đầu bước chân sang khởi nghiệp tại Cộng hòa Séc từ năm 1995 với hai bàn tay trắng.
Một buổi sinh hoạt của 4 thế hệ gia đình anh Thủy.
Với đức tính cần cù, chăm chỉ, chịu khó của người Việt Nam, anh dần dần gây dựng được cuộc sống tương đối ổn định và đón bố mẹ, anh em ruột thịt sang hỗ trợ phát triển kinh tế.
Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống mưu sinh nơi xứ người, anh rất tự hào khi gia đình “tứ đại đồng đường” của mình luôn duy trì phong tục, tập quán, văn hóa và lễ giáo truyền thống của người Việt Nam.
Với gia đình có nhiều thế hệ sống chung với nhau, mỗi thế hệ đều có suy nghĩ và hành động khác nhau, thì một trong những cái khó nhất chính là xử lý ổn thỏa những mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối với gia đình anh Thủy, điều này cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng trong hơn 20 năm sang Séc lập nghiệp, chưa có một mâu thuẫn hay xung đột nào được phép tồn tại và kéo dài, ảnh hưởng tới mối quan hệ của các thế hệ trong gia đình. Gia đình anh duy trì một nguyên tắc: mọi khúc mắc đều phải được giải quyết ngay nhằm tạo tâm lý thoải mái, thân thiện và tin tưởng nhau giữa các thành viên.
Để giữ gìn sự hiếu thuận và đồng lòng trong đại gia đình, anh Thủy cho biết, sự tôn trọng và tình yêu thương giữa các thành viên là liều thuốc hóa giải mọi xung đột trong gia đình.
Người Việt mình mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhất là gia đình mình có hẳn 4 thế hệ sống gần gũi với nhau nên trong sinh hoạt hàng ngày tất yếu đều có xung đột xảy ra. Nhưng dù cho xung đột có lớn, nhỏ thế nào đi chăng nữa, điều cốt lõi là tất cả mọi người đều phải biết tôn trọng nhau, nghĩa là bố mẹ tôn trọng ông bà, con cái tôn trọng bố mẹ, anh chị em tôn trọng nhau.
Khi đã làm được như vậy thì tất cả những xung đột đó sẽ được dung hòa trở về mức độ tranh luận bình thường chứ không trở nên quá nặng nề, và cuộc sống cũng trở nên thoải mái hơn.
Cũng như nhiều lao động Việt Nam ở nước ngoài, vì cuộc sống mưu sinh, vợ chồng anh Thủy và các gia đình anh em ruột thịt khác đều phải ra khỏi nhà để làm việc từ sớm đến tận tối.
Những lúc như thế, ông bà nội, ngoại trở thành những người gác cửa vững chãi ở hậu phương để họ yên tâm làm ăn kinh tế. Bất kể ngày nắng hay mưa, ông hoặc bà lại thay nhau đưa các cháu tới lớp và đón các cháu về, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ cho chúng, thậm chí dạy tiếng Việt và kể chuyện cổ tích cho chúng nghe.
Nếu ở những gia đình có nhiều thế hệ sống chung với nhau, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu thường là tâm điểm của nhiều xung đột, gây mâu thuẫn trong nội bộ, thì chuyện đó dường như không xảy ra tại gia đình anh Thủy. Chị Hà Thị Thanh Trâm, vợ anh Thủy cho biết, chị rất biết ơn khi có một người mẹ chồng rất tâm lý, hiểu ý và luôn sẵn lòng giúp đỡ con dâu.
Được làm dâu trong một gia đình có 4 thế hệ, em cảm thấy rất là vui. Em và chồng lúc nào cũng nghĩ rằng bố mẹ chồng cũng như bố mẹ đẻ vậy. Bà ngoại thì ở xa hơn nên nhiều lúc không có thời gian gần như bà nội.
Bà nội được cái chăm con, quí cháu, đi làm là bà sang dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, cơm nước… nên mình cảm thấy rất thoải mái, yên tâm, để đi làm. Nhiều lúc chỉ biết để trong lòng, không biết thổ lộ ra như thế nào, và thực sự không bao giờ nghĩ mẹ là mẹ chồng.
Dù tập trung nguồn lực để làm ăn kinh tế, ổn định cuộc sống, nhưng vợ chồng anh Thủy luôn quan tâm tới việc nuôi dạy con cái về nguồn cội. Với anh, mất nguồn cội là mất tất cả.
Đó là lý do tại sao ngoài giờ đi làm, vợ chồng anh tranh thủ về nhà, dành thời gian để nói chuyện bằng Tiếng Việt với con, giảng giải những điều chúng băn khoăn muốn khám phá. Anh chị rất vui khi có hai đứa con trai ngoan ngoãn, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ, biết tự lập.
Riêng cháu lớn 11 tuổi học giỏi, nói thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Séc, và đặc biệt ham tìm hiểu về phong tục, văn hóa Việt. Cháu nhỏ 5 tuổi cũng rất thích nghe ông bà, bố mẹ kể chuyện cổ tích Việt Nam.
Dù sống xa quê hương nhưng bố mẹ anh Thủy luôn dạy con cháu nhớ về cội nguồn. |
Chia sẻ về bí quyết giữ gìn cuộc sống hạnh phúc trong một gia đình có nhiều thế hệ, cụ bà Phạm Thị Cúc, 75 tuổi, mẹ đẻ anh Thủy cho rằng, những người lớn tuổi trong gia đình luôn đóng một vai trò quan trọng.
Theo tôi, muốn giữ gia đình êm ấm thuận hòa hạnh phúc thì mình phải làm gương cho các con, các cháu noi theo, bảo ban các cháu học hành, dạy các cháu biết chào hỏi lễ phép mỗi khi gặp người lớn tuổi… Nói chung phải dạy các cháu giữ phong tục Việt Nam như thế, đặc biệt sống ở nước bạn như thế này, các con cháu phải biết giữ gìn bản chất người Việt Nam.
Sống xa Tổ quốc, tận hưởng cuộc sống điền viên cùng các con, các cháu ở tuổi xế chiều, nhưng ông Lê Văn Vượng, bố đẻ anh Thủy, vẫn đau đáu một nỗi niềm "quê hương".
Từ trong suy nghĩ và sâu thẳm trái tim, cụ ông 85 tuổi luôn tâm niệm quê hương vẫn là một thứ gì đó quí giá không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Vì vậy, cụ ông mong muốn các con, các cháu cho dù có tạo dựng cuộc sống ổn định, làm ăn kinh tế thành đạt nơi phương xa, vẫn phải luôn nhớ về quê cha, đất tổ.
Cụ tâm sự: “Mục đích tôi sang đây chơi với các con cháu là để xem các con, các cháu có mạnh khỏe hay không, làm ăn thế nào. Cứ vài ba tháng thì tôi cũng phải về quê một lần, vì là nơi chôn rau cắt rốn, nơi mình sinh ra, và là nơi biết bao đời ông bà, cha mẹ mình sống ở đó.
Các con cũng muốn về cùng thăm bạn bè. Không có cái gì là bằng về quê, về với gia đình nhà mình nơi có đầy đủ tình cảm bạn bè quê hương chòm xóm, chan hòa lắm, nên tôi vẫn nghĩ rằng quê hương là chính”.
Tâm nguyện của cụ luôn nhận được sự ủng hộ của các con. Hàng năm, các con cụ vẫn thu xếp thời gian đưa con cháu về quê, thắp hương ông bà tổ tiên, thăm họ hàng, chòm xóm và đóng góp xây dựng quê hương.
Gia đình anh Thủy chỉ là một trong những điển hình của biết bao gia đình người Việt khác đang sinh sống, lao động và học tập tại Cộng hòa Séc. Trong bộn bề của cuộc sống mưu sinh nơi xứ người, bên cạnh những đóng góp vào xã hội sở tại, họ vẫn đang âm thầm duy trì và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống cho con cháu thế hệ mai sau./.