Giọt máu Việt tiếp cho thương binh Liên Xô
Thời chiến tranh và thời hậu chiến, ở Liên Xô có khoảng 9 triệu người được tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc vì lòng dũng cảm chống phát xít trong Thế chiến II, trong đó có cả người Việt Nam.
Ngày nay, các huân chương này đang được lưu giữ trong hàng triệu gia đình cựu chiến binh chống phát xít. Trong đó có một số gia đình Việt Nam, những người trước chiến tranh từng sống và làm việc tại Moscow, và khi quân Đức tấn công Liên Xô, họ tình nguyện ghi danh gia nhập Hồng quân. Sáu người trong số họ đã hy sinh cuộc sống của mình cho chiến thắng.
Sau đây là câu chuyện của chị Phương: "Khi Đức quốc xã tấn công Liên Xô, cha tôi đang sống và làm việc tại Moscow. Ông thường kể với tôi rằng khi đó mọi người đều mơ ước về Ngày Chiến thắng và cuộc sống hòa bình. Bất chấp đói rét, mọi người đều muốn hiến dâng tất cả sức lực để giành chiến thắng. Cha tôi đã tình nguyện gia nhập Hồng quân. Ông tham gia bảo vệ Moscow, làm việc tại quân y viện, chăm sóc thương binh, nhiều lần hiến máu cho họ".
"Sau khi phát xít Đức đại bại ở ngoại ô Moscow, do yếu sức khỏe, cha tôi được gửi về hậu phương. Ông đã làm việc tại Sverdlovsk trong xí nghiệp sản xuất vũ khí cho tiền tuyến. Cùng với các công nhân Nga, cha tôi đã chia sẻ tất cả những khó khăn gian khổ của đất nước trong giai đoạn đó", chị Phương kể.
Sau ngày Việt Nam được giải phóng khỏi thực dân Pháp, năm 1956, ông Lý Phú San trở về Hà Nội. Ông làm việc tại công trình xây dựng đài phát thanh Mễ Trì với sự giúp đỡ của Liên Xô. Sau đó, ông chuyển sang làm nhân viên Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội.
Ông Lý Phú San qua đời năm 1980, thọ 80 tuổi. 12 năm sau, Lê Thị Phượng chuyển đến Moscow để hoàn thiện tiếng Nga, ngôn ngữ mà cha chị rất yêu và truyền lại tình yêu đó cho chị. Chị đã mang hài cốt cha mình sang an táng tại một trong những nghĩa trang của thủ đô Nga, mảnh đất mà ông đã từng bảo vệ khỏi Đức Quốc xã.
Lê Thị Phượng rất tự hào về những phần thưởng của cha mình. Đó là huy chương "Vì thành tích lao động trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc” mà ông đã được tặng trong năm chiến thắng 1945, các huy chương khác của Liên Xô, huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất ông được truy tặng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng".
Chị Lê Thị Phượng nói tiếp: “Chiến thắng này là một bước ngoặt trong sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam giành độc lập. Người dân Việt Nam tôn trọng sâu sắc đối với Liên Xô cũ, tức nước Nga ngày nay. Bản thân tôi, cũng giống như cha tôi, tôi coi nước Nga là quê hương thứ hai của mình.”
Chị Lê Thị Phượng bất bình khi nói đến mưu toan của một số nước phương Tây muốn sửa đổi lịch sử cuộc chiến để giảm bớt vai trò của Liên Xô trong chiến thắng phát xít.
“Sự thật là vĩnh cửu, không có gì và không có ai có thể bóp méo sự thật về vai trò quyết định của Liên Xô trong thảm bại của chủ nghĩa phát xít, trong chiến thắng của lý tưởng hòa bình và an ninh. Đây là những lý tưởng chủ yếu và chung cho tất cả mọi người, cũng như tất cả các chính trị gia. Những lý tưởng này cần phải thắng thế ngay cả trên đất Ukraine", chị Phương nói.
Người lính Hồng quân gốc Việt Lý Phú San có một người cháu trai tên là Mikhail. Cháu của ông Lý Phú San năm nay tốt nghiệp lớp 11, chuẩn bị bước vào Học viện Tài chính Moscow. Chị Lê Thị Phương nói rằng ông chắc sẽ tự hào về đứa cháu trai tuyệt vời như thế này.
Mikhail nói: “Cháu rất vui vì mình từng có một người ông như vậy. Cháu muốn hỏi ông ngoại: ở ngoài mặt trận như thế nào? Ông cảm thấy ra sao, khi chiến đấu chống phát xít Đức? Khi cháu đọc về chiến công của ông ngoại, cháu rất tự hào về ông. Và cháu xin tỏ lòng kính trọng sâu sắc đối với tất cả công dân Xô Viết, từng hiến dâng tất cả sức mình cho chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít”.
Ngày 9/5, chị Lê Thị Phượng và cháu trai sẽ xem duyệt binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ qua truyền hình. Và một lần nữa họ sẽ tự hào khi nghĩ rằng trong số những người bảo vệ Moscow, có người cha và người ông của họ đã đóng góp cho chiến thắng chống chủ nghĩa phát xít./.