Giữ nét văn hóa Tết cổ truyền ở Ai Cập
VOV.VN - Tết Nguyên Đán đã trở thành một nét văn hóa riêng của người Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài. Với bà con người Việt ở Ai Cập, Tết là dịp để họ giới thiệu cho người thân, gia đình và con cái về những nét văn hóa cổ truyền.
Đã thành nét truyền thống của gia đình, cữ mỗi dịp Tết Nguyên Đán dù bận rộn đến mấy, chị Lê Thanh Thúy, Việt kiều ở Ai Cập vẫn chuẩn bị cho gia đình một bữa cơm truyền thống của người Việt. Đây không chỉ là dịp để chị dạy con mình những nét văn hóa đẹp của đất mẹ mà còn là dịp để cả nhà chị đoàn tụ chúc tết bố mẹ ở Việt Nam và cùng quây quần bên mâm cơm truyền thống Tết.
“Tết năm nay vì dịch nên nhà mình không đi đâu được nên cũng hơi buồn. Nhưng phải chịu thôi và ở nhà cũng tự làm đồ ăn ngày Tết cho con biết. Nhà mình ăn Tết với nhau. Tụi mình cũng gọi điện cho nhau chúc Tết, lên mạng họp cuối năm và chúc Tết bác Đại sứ và anh chị em cộng đồng. Như vậy cũng thấy vui”, chị Lê Thanh Thúy tâm sự.
Văn hóa Tết luôn được bà con Việt kiều ở Ai Cập gìn giữ. Các chị em Việt kiều luôn dạy con em về phong tục ngày Tết như: gọi điện chúc Tết ông bà, bố mẹ nếu ở xa hoặc nấu cho chồng, con những món ăn truyền thống. Đơn giản với họ đó là cách để vơi đi nỗi nhớ nhà và duy trì nét đẹp văn hóa.
“Khi thời khắc giao thừa tới gần mà chưa được về thăm gia đình thì tâm tư rất nhớ, rất buồn. Mình chỉ mong ước được về quây quần cùng gia đình đón giao thừa ở Việt Nam. Năm nay, dù dịch Covid-19 nhưng mình vẫn được Đại sứ quán gửi quà chúc Tết nên bà con ai cũng ấm lòng. Mình cũng làm một vài món Tết và một số món như kẹo mứt cho các con và không quên gọi điện chúc Tết bố mẹ ở quê nhà”, chị Nguyễn Vạn Ý, Việt kiều Ai Cập nói.
Nhớ quê nhà, nhớ gia đình và nhớ Tết là cảm xúc những ngày này của bất kỳ người Việt Nam nào khi đang phải xa quê. Nỗi nhớ trở nên da diết hơn và buồn hơn khi bà con phải đón Tết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát và phải giãn cách. Nhưng mỗi người có những cách riêng của mình để Tết cổ truyền thêm vui hơn, hạnh phúc hơn.
“Ở đây, ít người Việt nên cũng khá buồn, cũng không có nhiều đồ để mua sắm và trang trí như ở quê hương. Mặc dù vậy, mình vẫn cố gắng đi mua sắm gia vị để có thể nấu được một số món như: nem, canh như Tết ở nhà, để giới thiệu cho bên nhà chồng và cũng có cảm giác như đang đón Tết”, chị Nguyễn Thị Lan, Việt kiều Ai Cập lần đầu đón Tết ở nước ngoài chia sẻ.
Tết đã trở thành nét đặc biệt của người Việt Nam dù ở đâu và làm gì. Chính vì vậy, việc giữ nét văn hóa đẹp ngày Tết luôn được bà con Việt kiều duy trì, nhất là truyền dạy cho con cháu thế hệ thứ hai thứ ba và hơn hết là lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc./.