Người Việt ở Lào với Truyện Kiều của Nguyễn Du
VOV.VN - Tại Lào, hiện vẫn còn nhiều người Việt, chủ yếu là người lớn tuổi, thuộc và lưu giữ Truyện Kiều.
Sinh thời, Nguyễn Du đã sáng tác hàng trăm bài thơ bằng cả chữ Hán và chữ Nôm nhưng tiêu biểu nhất chính là Truyện Kiều. Trải qua hàng trăm năm, Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn được người Việt ở cả trong và ngoài nước yêu thích. Tại Lào, hiện vẫn còn nhiều người Việt, chủ yếu là người lớn tuổi, thuộc và lưu giữ Truyện Kiều.
Trải qua hàng trăm năm, Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn được người Việt ở cả trong và ngoài nước yêu thích. (ảnh: KT). |
Bà Nguyễn Thị Nương, Việt kiều Lào ở thủ đô Vientiane chia sẻ, bà đã đã lưu giữ cuốn Truyện Kiều của người cha để lại trong gần 30 năm qua. Biết đến Truyện Kiều từ khi lên 10 tuổi, bà đã tìm mọi cách để có được cuốn sách này.
Bà Nương cho biết chính từ những lần được nghe Kiều cùng cha đã hun đắp tình yêu của bà với thơ, đặc biệt là với Truyện Kiều. Vì thế, dù bị cha cấm, bà vẫn tìm mọi cách để được đọc Kiều.
"Bố tôi nói là con gái không nên đọc Truyện Kiều. lúc bấy giờ tôi bé tôi cũng chả hiểu gì nhưng tôi rất mê. Tôi mê xong tôi ăn trộm, tôi xuống bếp tôi đọc. Đọc xong lại để nguyên. Bố tôi xếp như thế nào là tôi xếp đúng như thế, tôi sợ bố biết", bà Nương nhớ lại.
Khác với bà Nương, ngay từ nhỏ ông Ngô Thanh Nghi, Việt kiều làng Xiềng Vang, đã được biết tới Truyện Kiều qua lời ru của mẹ. Lớn lên qua những lần tham gia các hoạt động cộng đồng, được nghe bà con ngâm kiều nên giờ dù đã gần 70 tuổi, ông vẫn thuộc nhiều đoạn kiều dù lúc nhỏ không được học chữ Việt.
"Tôi thích nhất là cái lúc mà Kiều với thúc sinh kể chuyện Kiều đánh đàn. Tôi xin đọc một đoạn thế này. Khúc đâu Hán Sở chiến trường/Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau/Khúc đâu tư mã phụng cầu/Nghe ra như oán như sầu phải chăng/Kê Khang đây khúc Quảng lăng/Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân/Quá quan đây khúc Chiêu Quân/Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia/Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa/Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu”, ông Nghi chia sẻ.
Theo tiến sỹ Bountheng Souksavatd - Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Lào, ngay từ những ngày đầu người Việt sang Lào sinh sống, trong hành trang của họ đã có những cuốn Truyện Kiều. Không chỉ là món ăn tinh thần của cộng đồng người Việt khi mới sang định cư, sự tương đồng về văn hóa cũng đã góp phần tạo nên sức sống của Truyện Kiều trong cộng đồng người Việt tại Lào.
Tiến sỹ Bountheng Souksavatd nói: “Sau khi nghiên cứu về tác phẩm Truyện Kiều, tôi thấy gần gũi nhất giữa tác phẩm này với người Lào là những đoạn nói về văn hóa tôn giáo, nhất là về tôn giáo đạo phật tiểu thừa. Bởi vì trong hoàn cảnh của Thúy Kiều, ngay cả thi hào Nguyễn Du cũng cho rằng nếu thời gian đó đã xuất hiện những mái chùa thì có thể giúp Kiều có cuộc sống đỡ khổ đau, đỡ bi đát hơn”.
Tiến sỹ Bountheng cho biết hiện trong cộng đồng người Việt tại Lào, những người biết Truyện Kiều chủ yếu là người cao tuổi. Bởi ngày nay Truyện Kiều chưa được đưa vào giảng dạy tại các trường học của Việt kiều tại Lào cũng như chưa được dịch sang tiếng Lào. Và điều này sẽ làm cho sức sống, sức lan tỏa của Truyện Kiều trong cộng đồng người Việt tại Lào không còn được như xưa./.