Những cô giáo hết lòng dạy học tiếng Việt cho kiều bào ở Nga
VOV.VN - 5 năm nay, những cô giáo ở Trung tâm mầm non thần đồng Á - Âu đã miệt mài dạy tiếng Việt cho trẻ em kiều bào ở Moscow, Liên bang Nga.
Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow như một góc Việt Nam thu nhỏ giữa thủ đô Moscow (Liên bang Nga). Ở tầng 6 của tòa nhà này có một “ngôi trường” nhỏ ngày ngày vẫn rộn ràng tiếng trẻ bi bô học tiếng Việt và tiếng Nga. Đó là Trung tâm mầm non thần đồng Á – Âu, được thành lập từ năm 2015 sau khi Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moscow đi vào hoạt động.
Chúng tôi đến thăm đúng vào dịp nghỉ Tết dương lịch 2020 ở Nga nhưng Trung tâm vẫn hoạt động bình thường. Trong phòng học với những đồ chơi, dụng cụ học tập được bài trí không khác gì một lớp học mầm non ở Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thúy Nga và 4 học trò nhỏ đang vui vẻ học đánh vần. Cô Nga cho biết, nhiều bố mẹ các cháu bất kể nghỉ lễ tết vẫn kinh doanh, buôn bán nên họ mang con đến gửi.
Bé Trương Đại An tập viết Tiếng Việt (Ảnh: Công Hân) |
Bé Trương Đại An, 6 tuổi, đã học ở đây từ năm 2 tuổi, bố mẹ bận rộn làm ăn nên việc chăm sóc, học hành trông cậy ở các cô giáo. Đại An khôi ngô, thông minh, nhanh nhẹn, nói tiếng Việt rất tốt, hiện bé đã thuộc cả bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng Nga nên có thể đánh vần được cả 2 ngôn ngữ. Sắp tới, Đại An sẽ vào trường của Nga để học như những đứa trẻ bản xứ khác.
Cô giáo Nguyễn Thúy Nga cho biết từ khi thành lập đến nay, sau 5 năm, Trung tâm đã có hàng chục học sinh “tốt nghiệp" mầm non để đi học tiểu học như bé Đại An. Trung tâm nhận dạy các bé từ 12 tháng tuổi đến 6-7 tuổi, chia làm 3 nhóm lớp gồm 1-3 tuổi, 4-5 tuổi và 5-6 tuổi. Thời gian biểu được phân bố từ thứ 2 đến thứ 6 dạy học tiếng Nga, còn thứ 7, chủ nhật dạy học tiếng Việt. Ngoài học chữ, các em được học kỹ năng sống, học nhạc, học vẽ, vui chơi…Nói thì đơn giản vậy nhưng để có học sinh, các cô giáo phải đi vận động phụ huynh người Việt đưa con đến trường.
“Lúc đầu, chúng tôi vận động phụ huynh khó lắm bởi họ chưa tin và chưa ý thức được việc cần phải cho con học tiếng Việt như thế nào. Mình phải kiên trì, tư vấn, rồi dạy miễn phí hết còn các cháu chỉ cần mang sách vở đến học, phụ huynh không phải đóng góp gì…”, cô Nga cho biết.
Cô giáo Nguyễn Thúy Nga dạy học sinh đánh vần tiếng Việt (Ảnh: Công Hân) |
Cô Nga là một giáo viên có thâm niên và trình độ Sư phạm tốt nhất ở Trung tâm này. Từng tốt nghiệp Sư phạm ở Việt Nam từ năm 1982 và dạy ở mầm non ở trường 10/10 (Hà Nội), đến năm 1988, cô Nga sang đây định cư, cũng phải làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh nhưng nghề dạy học vẫn là công việc cô yêu thích, gắn bó. Khi Trung tâm mầm non thần đồng Á – Âu mở ra, cô Nga đã xin về đây làm việc. Ngày ngày được chăm sóc, dạy dỗ những học sinh ngây thơ, hồn nhiên, cô lấy đó là niềm hạnh phúc nên dù năm nay đã 57 tuổi, cô vẫn rất hăng say với nghề…Nhìn học trò của mình đọc, viết và nói tiếng Việt thành thạo, ánh mắt cô luôn lấp lánh niềm vui, quên hết mọi mệt mỏi…
Theo cô giáo Lã Hương Mơ, giám đốc Trung tâm mầm non thần đồng Á – Âu, để có những giáo viên có trình độ Sư phạm và khả năng dạy tiếng Việt tốt như cô Nga không dễ bởi rất ít người Việt ở Nga có khả năng dạy tiếng Việt hay được đào tạo chuyên nghiệp về Sư phạm. Trung tâm vẫn đang cần có thêm nhiều giáo viên như cô Nga. Dù quy mô trường không lớn, sĩ số chưa đến 30 cháu nhưng đây hiện vẫn là một trung tâm dạy học tiếng Việt lớn nhất ở thủ đô Moscow.
“Khi Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow đi vào hoạt động, số người Việt làm ăn sinh sống ở đây khá đông nhưng các cháu nhỏ thì không có chỗ học tập. Học ở trường Nga thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện, mặt khác, nếu học ở trường Nga thì các cháu sẽ không nói và viết được tiếng Việt, dần dần sẽ mất gốc. Chính vì thế, tôi đã đứng ra thành lập Trung tâm này sau một thời gian vận động các bậc phụ huynh người Việt và tiến hành các thủ tục pháp lý của nước sở tại. Tất cả giáo án, chương trình học, sách giáo khoa, đồ dùng học tập…chúng tôi đều phải nhờ chuyển từ Việt Nam sang”, cô Hương Mơ kể.
Cô giáo Lã Hương Mơ trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV (Ảnh: Quang Huy) |
Ngoài gần 30 em học cố định hàng ngày, cuối tuần, Trung tâm còn đón thêm hàng chục học sinh người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 đến học tiếng Việt. Cô Hương Mơ say sưa kể cho chúng tôi nghe về những bài văn do các em tự viết bằng tiếng Việt thể hiện tấm lòng yêu quý của mình với các cô giáo. Hay có những em nhà ở rất xa nhưng bố mẹ vẫn lặn lội đưa con đến học. Rồi có những em học tiếng Việt về còn làm “phiên dịch” cho bố mẹ…Cô Mơ mong muốn khi có nền tảng là tiếng nói, chữ viết của cha ông, các em sẽ có hành trang tốt đẹp hơn trong tương lai.
“Dạy học miễn phí nên chúng tôi phải có nguồn tài trợ thì mới duy trì được. Rất may là chúng tôi được lãnh đạo Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moscow (Incentra) đã luôn ủng hộ. Mỗi khi nhìn các cháu bé dễ thương – đồng bào của mình ở xa xứ, tôi rất yêu qúy và muốn khi lớn lên các cháu giữ được ngôn ngữ, văn hóa gốc gác của người Việt. Nếu mất ngôn ngữ thì gần như mất gốc luôn. Có nhiều cháu sinh ra ở Nga nhưng khi nói, đọc, viết được tiếng Việt, các cháu sẽ thích và muốn trở về Việt Nam. Suốt 70 năm qua, rất nhiều thế hệ người Việt mình đã sang Nga học tập, lao động sau đó trở về cống hiến cho đất nước. Tôi ước ao những cháu bé người Việt sau này lớn lên, tiếp thu được những kiến thức tốt đẹp ở bên này cũng sẽ trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, đem trí tuệ cống hiến cho đất nước như vậy. Khi thành thạo nói - viết tiếng Việt, hiểu về văn hóa và đất nước Việt Nam thì trở về các cháu sẽ không bỡ ngỡ, có thể hòa nhập nhanh vào xã hội Việt Nam…”.
Mong mỏi là vậy nhưng hàng ngày cô giáo Hương Mơ và Trung tâm của mình vẫn đang chật vật lo kinh phí để duy trì hoạt động và vận động các bậc phụ huynh đưa con đến trường. Để giải quyết những khó khăn đó, thiết nghĩ cần có chiến lược, chính sách và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như những đơn vị, doanh nghiệp tâm huyết với việc dạy học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài…/.