Theo đoàn công tác số 9 lần này, tôi có dịp trò chuyện với các Việt kiều trẻ tuổi, được nghe các bạn tâm sự về những suy nghĩ, cảm nhận của mình khi đến với Trường Sa. Mỗi bạn trẻ có một cách thể hiện khác nhau nhưng họ đều có chung một điểm tựa, niềm tin, một địa chỉ để phấn đấu và hướng tới đó là Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió…
Tự hào là người con đất Việt
Suốt cuộc hải trình, tôi luôn theo dõi cô bé Nguyễn Ngọc Diệp - du học sinh Trường ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore. Mỗi lần đặt chân xuống các điểm đảo, Ngọc Diệp lại tìm đến với các chiến sĩ, tâm sự, tìm hiểu về tâm tư, tình cảm của các anh em. Qua cuộc tiếp xúc với các chiến sĩ trẻ, Diệp đã có cái nhìn so sánh các chiến sĩ, hay rộng hơn là thế hệ trẻ thanh thiếu niên của người Việt với thế hệ trẻ tại Singapore, Diệp nói: Các bạn trẻ ở Singapore sinh ra đã có được nhiều thuận lợi hơn, cuộc sống của họ có điều kiện và đầy đủ hơn. Nhưng bên cạnh đó, với những điều kiện đầy đủ và có sẵn đó, thì thế hệ trẻ người Singapore thường trông chờ và hay than vãn, tính tự lập không cao… Diệp tự hào tâm sự: Về tinh thần học tập, trí thông minh, chịu khó thì người Việt Nam mình không thua bất cứ nước nào trên thế giới.
|
Các bạn trẻ tranh thủ chụp ảnh với các công dân nhí trên đảo Trường Sa Lớn
|
Còn Võ Xuân Hoài - nguyên là Tổng thư ký Hội SV Việt Nam tại Pháp, nói với tôi: Sau chuyến đi này, Xuân Hoài sẽ chia sẻ những trải nghiệm của mình về chuyến đi Trường Sa. "Qua chuyến đi này tôi sẽ thực tế hóa động lực của mình hơn. Chúng tôi tự nhủ rằng mình cũng sẽ là một chiến sĩ đứng từ xa luôn hỗ trợ hết mình cho chiến sĩ Trường Sa cùng nhau bảo vệ biển đảo và xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng phát triển”. Xuân Hoài đã đề ra cho mình nhiều kế hoạch, làm sao đạt được mục đích cuối cùng là giúp cộng đồng người Việt ở Pháp cũng như nước ngoài hiểu hơn về chủ quyền, sở hữu thực sự của Việt Nam về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa…
Luôn hướng về quê hương
Sau chuyến đi này Xuân Hoài dự định sẽ đầu tư một vài doanh nghiệp tại Việt Nam. Về nhân sự, tuyển dụng và đào tạo những chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa về. Vì qua trao đổi với các chiến sĩ trên đảo, Xuân Hoài biết chiến sĩ nào cũng mong muốn tiếp tục được phục vụ lâu dài trong quân đội, nhưng không phải ai cũng đạt được ước nguyện đó. Xuân Hoài tin tưởng: Các chiến sĩ ấy là những người có ý chí kiên cường, luôn thực hiện nghiêm tính kỷ luật, làm việc có trách nhiệm và đặc biệt thích nghi với mọi điều kiện sống và môi trường. Tôi tin tưởng trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ tạo ra một doanh nghiệp, trong đó đồng nghiệp là những người lính từng ở Trường Sa, cùng nhau phát triển mạnh kinh tế góp sức cho sự phát triển kinh tế nước nhà…
|
Chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ (Ảnh: Trần Nhật Minh)
|
Đến với Trường Sa, ngoài thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và bà con trên đảo, doanh nhân trẻ Phạm Quang Thảo - kiều bào tại Đức, còn ủng hộ số tiền 200 triệu cho cán bộ, chiến sĩ và bà con đang sinh sống quần đảo Trường Sa. Anh Thảo tâm sự: Đến với Trường Sa được nhìn, nghe, được tâm sự với cán bộ, chiến sĩ và người dân ở các đảo anh mới thấy được nhiều điều mà chỉ có ra đây mới cảm nhận được.
Mặc dù chưa kết thúc cuộc hành trình, nhưng anh Thảo đã lên sẵn cho mình một kế hoạch: Khi về nước Đức anh sẽ chia sẻ những cảm xúc, hình ảnh mà anh đã ghi nhận được cho bà con Việt kiều tại Đức. Anh Thảo chia sẻ thêm: Thời gian qua, các kiều bào của ta ở Đức vẫn còn mơ hồ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Có thể sau chuyến này tôi sẽ mở một cuộc triển lãm ảnh về Trường Sa, kể những câu chuyện bằng ảnh. Trong chuyến này tôi có dịp tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Thuân - Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa. Tôi sẽ thường xuyên liên hệ với anh Thuân để tìm hiểu thực sự Trường Sa sẽ cần gì cấp bách nhất nếu có thể giúp đỡ được chúng tôi sẵn sàng.
Là người con xa xứ khoảng 30 năm, bước chân đến đảo, anh Thảo hết sức ngạc nhiên khi thấy cuộc sống ở đảo giống như đất liền, trước đó anh chưa thể hình dung ra. Có cây xanh, cơ sở vật chất khang trang, người dân được tạo mọi điều kiện sống tốt nhất, hệ thống chính quyền đầy đủ. Đặc biệt khi đến các đảo đá chìm, thấy cuộc sống của các anh mới thật sự vất vả, ngoài phải đối mặt với nhiều kẻ thù, hằng ngày các anh còn đối mặt với thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt.
Ngày cuối cùng của chuyến hải trình chuẩn bị cập bến ở Sài Gòn, bỗng nhiên tôi hỏi anh Thảo có muốn nhắn nhủ điều gì với bà con và các chiến sĩ đang bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương thì anh hơi bất ngờ, và nói lên những dòng cảm xúc mà tôi không cần ghi cũng nhớ làu làu: "Các đồng chí hãy yên tâm, các đồng chí không đơn độc đâu, ngoài những người thân của các đồng chí ở đất liền, tổ chức của các đồng chí ở đất liền, sức mạnh của các đồng chí ở đất liền… còn có chúng tôi - những người Việt xa quê. Bằng cách này hay cách khác chúng tôi luôn sát cánh cùng với các đồng chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương…”/.