Việt kiều 60 tuổi “khởi nghiệp” tại quê nhà bằng nông nghiệp 4.0
VOV.VN -Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada, đã sáng chế ra phao quan trắc giúp nông dân biết khi nào nước có độ xâm nhập mặn cao để quyết định nuôi tôm hay trồng lúa…
Câu chuyện của người “khởi nghiệp” ở tuổi 60 với việc nghiên cứu chống xâm nhập mặn cho ĐBSCL và việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất lúa thông minh của Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilirers thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu dự tọa đàm “Hội nhập- phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững” diễn ra sáng 8/6, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Songdo, Inchơn, Hàn Quốc. Cuộc toạ đàm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất 2019.
Trước khi khởi nghiệp tại quê nhà bằng ứng dụng nông nghiệp 4.0, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ đã về nước đầu tư ở lĩnh vực khác từ năm 2004. “Sau nhiều năm đầu tư, sinh sống ở nước ngoài, tôi nghĩ đến việc phải làm gì đó cho quê hương. Ý nghĩ đó luôn thôi thúc tôi trở về. Năm 2004, tôi bắt đầu trở về nước đầu tư từ đó cho đến nay”.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilirers |
Nhưng sau nhiều năm quan sát và trải nghiệm thực tế ở Việt Nam, ông thấy lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, có nhiều ứng dụng có thể áp dụng được để vừa đỡ công sức cho người nông dân, vừa tăng năng suất lao động.
Năm 2016, ông Mỹ bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với phương châm ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất lao động. “Càng làm trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi thấy càng có nhiều tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội. Cứ hết cơ hội này lại đến cơ hội khác. Những sản phẩm của công ty Rynan Smart Fertilirers hầu hết đều được áp dụng thực tế trong sản xuất nông nghiệp và cho hiệu quả tốt”- ông Mỹ chia sẻ.
Theo Tiến sỹ Mỹ, nông nghiệp 4.0 là ứng dụng vật liệu nano, kết nối vạn vật, cơ sở dữ liệu số trong sản xuất. Và, điện thoại di động giờ cũng trở thành thiết bị canh tác lúa thông minh, thay cho chiếc máy cày. Một nền nông nghiệp thông minh là một nền nông nghiệp phải thông minh với khí hậu.
Muốn thế nền nông nghiệp ấy phải được tái cơ cấu nhằm đảm bảo an ninh lương thực vì thách thức của ĐBSCL là xâm nhập mặn, mỗi năm có thể bị xâm nhập tới 93 km nếu không giải quyết được thách thức này thì nông nghiệp sẽ khó phát triển.
“Tuy nhiên, nếu coi đây là một tài nguyên mới thì sẽ có cách để ứng dụng nó. Như tại ĐBSCL nơi nào nước ngọt nông dân sẽ nuôi cá, chỗ xâm nhập mặn nuôi tôm sú; con phần nước lợ sẽ trồng lúa”- ông Mỹ nói.
Xây dựng hệ thống quan trắc để giúp nông dân biết khi nào nước có độ xâm nhập mặn cao để quyết định nuôi tôm hay trồng lúa. Chính nhờ thế, công ty của ông Mỹ sáng chế ra phao quan trắc tại các điểm với 49 triệu đồng/phao/điểm quan trắc; rẻ gần 1/10 so với công ty của Nhà nước. Cứ 15 phút lại có thể kiểm tra độ mặn, thủy triều để kiểm tra độ PH, độ kiềm, oxy hòa tan, ammonium… Các dữ liệu này sẽ được cập nhật liên tục giúp người nông dân có thể truy cập, kiểm tra bằng điện thoại thông minh, thông qua công nghệ blokchain nên độ minh bạch cao.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng, bằng cách làm này nền nông nghiệp được tái cơ cấu nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế- xã hội bền vững, theo thực tế mới của biến đổi khí hậu với 3 mục tiêu: Tăng năng suất và thu nhập cho người nông dân; tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm nông nghiệp phát thải khí nhà kính.
Để tiếp tục phát triển mạng lưới này ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, có thể phát triển thương mại điện tử kèm với việc mua bán sản phẩm nông nghiệp và vật tư nông nghiệp trên app của công ty.
Mạng lưới quan trắc nước mặn thông minh tại ĐBSCL hiện đã có 1000 điểm và đặt mục tiêu sẽ tiến tới 10.000 điểm quan trắc xâm nhập mặn cho cả nước. “Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài sẽ tài trợ cho Bến Tre lắp đạt 2 hệ thống này trong tháng 6; còn Công ty Bình Điền tài trợ cho Kiên Giang 8 điểm quan trắc như vậy, hiện đang lắp đặt”- ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.
Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), ông Nguyễn Thanh Mỹ đang tích cực làm vai trò cầu nối giúp các doanh nhân Việt trong và ngoài nước cùng nhau hỗ trợ, chia sẻ thông tin, hợp tác đầu tư để đưa doanh nghiệp Việt ngày càng vươn xa ra thế giới.
"Hơn 14 năm đầu tư tại quê nhà, tôi thấy Việt Nam là một môi trường đầu tư tiềm năng. Với bản thân tôi, đầu tư về nước có rất nhiều cơ hội, thủ tục cũng ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Tôi tin rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp kiều bào về trong nước đầu tư”- ông Mỹ nhận định./.