Làm phát thanh- truyền hình, âm thanh phải chuyên nghiệp!

Kỹ sư Trần Công Chí, chuyên gia âm thanh cao cấp Đài TNVN rất tâm huyết với dự án đào tạo kỹ sư- đạo diễn âm thanh. Theo ông, người làm âm thanh chuyên nghiệp phải có kiến thức về âm nhạc

Các kỹ sư ở Trung tâm âm thanh Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) từng có dịp làm việc với kỹ sư Trần Công Chí nói về ông một cách trân trọng và có phần ngưỡng mộ. Trên mạng, nhiều người làm việc trong lĩnh vực âm thanh mách nhau đọc những cuốn sách do ông viết “Âm thanh lập thể- nguyên lý và công nghệ ”,”Thanh học nhạc khí”,Công nghệ âm thanh số”…

Về làm việc tại Ủy ban Phát thanh- Truyền hình (PT-TH) từ năm 1970, ông liên tục gắn bó với Đài TNVN cho đến khi nghỉ hưu. Ông bảo: “Đi đâu, ai hỏi, tôi giới thiệu: “Trước đây tôi làm ở Đài TNVN”. Nói một câu như vậy, lập tức cảm thấy rất tự hào...”

KS Trần Công Chí và con gái

Nơi cống hiến sự say mê lao động 

Kỹ sư Trần Công Chí nhớ lại, có lần Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) lúc đó, ông Trần Lâm, hỏi ông: “Cậu xem, tôi đi các nước, thấy họ thu một bài hát, tại sao nghe như là trút hết nhiệt tình qua từng hơi thở của ca sĩ vào đó, mà sao chúng ta không làm được như vậy?”. Ông trả lời: “Thưa anh, đó là do phương pháp thu”. Ông Trần Lâm nói: “Vậy cậu phải làm đi”. Được lãnh đạo cơ quan ủng hộ, ông thuyết phục mọi người thay đổi cách làm việc, nhằm đạt được hiệu quả thu âm tốt hơn.

Trong những tháng năm công tác ở Ủy ban PT-TH, một trong những nhiệm vụ của kỹ sư Trần Công Chí là nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật về công nghệ âm thanh trên thế giới cho phát thanh, truyền hình nước nhà, ví dụ như công nghệ thu thanh stereo. Bắt đầu công việc này, cơ quan đã mời các vị thứ trưởng, bộ trưởng các bộ, ngành liên quan về phòng thu ở 58 Quán Sứ để trình diễn stereophony (âm thanh lập thể); nhằm thuyết phục họ đồng ý cấp kinh phí cho mua các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu thu thanh stereo. Nhưng Đài chưa có thiết bị thì lấy gì để mô tả? Ông mang từ nhà bộ dàn âm thanh tự lắp từ năm 1962 ở CHDCĐức để mọi người nghe thử và giải thích thế nào là stereophony. Các vị khách gật gù: “Nghe như mỗi nhạc cụ ngồi một vị trí, tiếng đàn bên trái, tiếng kèn bên phải, tiếng trống và người hát lại ở giữa... dù chỉ có 2 loa, hay đấy...”. Và thế là họ đồng ý duyệt cấp kinh phí để mua những máy ghi âm stereo chuyên dụng đầu tiên về làm thử nghiệm.

Kỹ sư Trần Công Chí đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, Ngành mà những kết quả nghiên cứu ấy sau đó hầu hết đều được ứng dụng vào thực tiễn. Anh em ở Trung tâm âm thanh Đài TNVN thế hệ sau này vẫn còn nhắc về một “phòng câm” (khái niệm “phòng câm” có thể hiểu đơn giản là  phòng không có chút phản âm nào), chuyên dùng cho đo lường khảo sát các tham số kỹ thuật của thiết bị âm thanh như loa, microphone,..và đặc biệt để nghiên cứu các tính năng âm học của nguồn âm như tiếng nói, âm nhạc và nhạc khí (gọi là laboratory acoustics).

Phòng câm được ông thiết kế và cùng anh em trong phòng kỹ thuật tự tay xây dựng vào năm 1972 tại 45 Bà Triệu. Tại đây ông cùng các cộng sự đã miệt mài nghiên cứu âm thanh phục vụ cho ngành. Ông tham gia vào các đề tài nghiên cứu như: Tính năng âm học của nhạc cụ dân tộc, Đặc tính âm thanh của tiếng Việt, Phương pháp khảo sát độ rõ tiếng nói bằng logatom,... nhằm phục vụ cho công tác sản xuất các chương trình PT-TH nói riêng và công nghệ thông tin-truyền thông nói chung. (Nghiên cứu cơ bản đúng ra không trực tiếp là công việc của ngành Phát thanh- Truyền hình. Tuy nhiên, vì chưa có sẵn các kết quả nghiên cứu cần thiết để ứng dụng trong công việc nên các kỹ sư ở Đài TNVN phải tự tiến hành).  

Từ ngày nghỉ hưu, kỹ sư Trần Công Chí lại được mời tham gia tư vấn và thiết kế âm thanh nhiều công trình quan trọng như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh quốc gia, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Trung tâm phát thanh quốc gia, Trung tâm Kỹ thuật của hãng phim Giải Phóng, Nhà Quốc hội (đang xây dựng)... và các Trung tâm kỹ thuật của các đài phát thanh- truyền hình các tỉnh-thành, các Trung tâm Văn hóa, Nhà hát, Rạp chiếu phim ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Suốt quá trình làm việc trong ngành phát thanh-truyền hình, kỹ sư Trần Công Chí quan tâm rất nhiều đến công nghệ âm thanh. Nói “công nghệ” là nói đến tác động của con người và phương pháp chứ không chỉ đơn thuần là thiết bị. Mà con người thì chưa được đào tạo bài bản. “Nếu chúng ta có nhu cầu, chúng ta không tự đào tạo thì ai sẽ làm thay ?” Thế là ông lại say sưa theo đuổi một lĩnh vực mà đến giờ, ở tuổi 73, ông vẫn còn gắn bó: đào tạo kỹ sư- đạo diễn âm thanh. 

Luận chứng kinh tế kỹ thuật về đào tạo kỹ sư-đạo diễn âm thanh

Trước kia, nhiều người cho rằng cứ học kỹ thuật điện tử ra là có thể làm tốt âm thanh. Dần dần, người ta càng vỡ lẽ, để có âm thanh chuẩn, đẹp, trung thực, cần đào tạo một cách bài bản những người làm công nghệ âm thanh.

Trong thời gian du học ở CHDC Đức những năm 60 của thế kỷ trước và những chuyến công tác nước ngòai sau này, kỹ sư Trần Công Chí đã để tâm tìm hiểu kỹ cách thức đào tạo chính khóa chuyên ngành này. Ông kể, trước đây trong khối các nước XHCN, ở Đông Âu chỉ CHDC Đức có chương trình đại học đào tạo kỹ sư-đạo diễn âm thanh. Liên Xô, Trung Quốc hồi ấy cũng gửi sinh viên sang học. Mỗi khóa học chỉ tuyển sinh khoảng 12-15 người, với khung chương trình đào tạo kéo dài 5 năm rưỡi.

Giáo sư Schaefen, Chủ nhiệm Khoa Đạo diễn âm thanh của trường Đại học Âm nhạc Hans Eisler Berlin, đồng thời là Tổng đạo diễn âm thanh của Ủy ban Phát thanh Truyền hình CHDC Đức bấy giờ, là người rất nhiệt tình, chia sẻ với ông nhiều kinh nghiệm đào tạo: Học những môn gì, trong bao lâu, cái gì cần học trước, cái gì học sau, thời lượng cụ thể như thế nào và vì sao lại phải như vậy... Mỗi lần sang công tác, ông lại gặp giáo sư Schaefen để bàn luận, tham khảo ý kiến. 

Năm 1981, kỹ sư Trần Công Chí hòan thành bản Luận chứng kinh tế kỹ thuật về đào tạo kỹ sư-đạo diễn âm thanh. Sau khi được phê duyệt,ông mang đến các cơ sở đào tạo, kèm theo công văn đề nghị hợp tác đào tạo do đồng chí Trần Lâm, Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh-Truyền hình ký. Ông đã đến nhiều nơi mà không nơi nào dám chấp nhận một chương trình đào tạo với 52 môn, đủ cả các môn khoa học-kỹ thuật và âm nhạc-nghệ thuật, học trong 5 năm rưỡi, và vì đây là chuyên ngành hẹp nên số lượng học viên cũng không nên tuyển đông như các ngành học khác... Ông theo đuổi việc này suốt từ những năm 1981-1982, đến năm 1990, ý tưởng ấy mới trở thành hiện thực.

Tại Nhạc viện Hà Nội, ông gặp nhạc sĩ Xuân Tứ lúc đó là Chủ nhiệm Hệ sơ- trung của Nhạc viện và được ông Xuân Tứ nhiệt liệt ủng hộ. Khi nhạc sĩ Xuân Tứ sang làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Hà Nội (sau đó là Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Hà Nội), khóa Đạo diễn âm thanh đầu tiên được mở năm 1990 tại đây. Trong trường trung cấp nhưng lại có một lớp cao đẳng, vì thế sinh viên tốt nghiệp phải do Bộ cấp bằng. Tuyển vào khóa học đầu tiên có 32 sinh viên (phần lớn đã tốt nghiệp hệ trung cấp âm nhạc hoặc có trình độ tương đương, có em đang học bậc đại học âm nhạc,..), khi tốt nghiệp cao đẳng còn được 14 người, hầu hết về công tác tại Đài TNVN, Đài THVN và Đài PTTH Hà Nội. Chuyên ngành đào tạo này kéo dài tới nay đã được7 khóa tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, cứ đào tạo gần xong khóa trước mới tuyển khóa sau. 

Năm 1995, trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh mời ông sang tham gia xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư âm thanh cho ĐHĐA. Dựa trên chương trình đào tạo chuyên ngành đạo diễn âm thanh hệ cao đẳng của trường VHNTHN do ông chủ biên và đã thông qua hội đồng khoa học cấp nhà nước năm 1995, ông đã tham gia xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư âm thanh cho trường ĐHSKĐA và trực tiếp giảng dạy từ năm 1995 đến nay.Tại trường đại học Sân khấu-Điện ảnh hiện nay, khoa Sân khấu có chuyên ngành đào tạo kỹ sư âm thanh-ánh sáng, khoa Công nghệ Điện ảnh-Truyền hình có chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, đào tạo kỹ sư âm thanh.

Ngoài ra ông còn thỉnh giảng tại các trường Đại học Bách khoa Hà nội, Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội và các lớp bổ túc nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, kỹ sư Đài THVN cũng như Đài PTTH các tỉnh.  

Khi ông Trần Lâm nghỉ hưu thì ông Phan Quang-Tổng Giám đốc Đài TNVN sau đó cũng rất nhiệt tình ủng hộ dự án này; ông ghi vào văn bản đề nghị hợp tác và còn trực tiếp trao đổi với các cơ sở đào tạo. Khi khóa đạo diễn âm thanh đầu tiên tốt nghiệp, ông Phan Quang đã sẵn sàng nhận tất cả họ vào Đài TNVN làm việc. “Các vị lãnh đạo Đài TNVN tuy không trực tiếp chỉ đạo về kỹ thuật nhưng họ có tầm nhìn và hết sức tâm huyết nên đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện để dự án đào tạo đó đạt kết quả tốt đẹp”- kỹ sư Trần Công Chí nhớ lại. 

Một chuyên ngành hẹp và sâu 

Đặc thù của ngành này là không mang tính quảng đại, đào tạo rất kỹ cả lý thuyết và thực hành, vì vậy mỗi khóa, theo ông, chỉ nên tuyển trên dưới 10 sinh viên. Với các sinh viên chuyên ngành này mà chưa được học âm nhạc thì khi ra nghề không được thuận, gặp nhiều trở ngại trong công việc; nhất là không thể làm tốt những việc  khó khăn phức tạp như sản xuất chương trình âm nhạc.

Kỹ sư Trần Công Chí cho biết, ở nước ngòai, khi tuyển đầu vào, ngoài những thí sinh có bằng cấp về âm nhạc, các ứng viên phải có năng khiếu về âm nhạc và trình độ thẩm âm, còn thính lực đương nhiên là phải tốt. Xét tuyển năng khiếu âm nhạc như thế nào, ông dẫn lời giáo sư Schaefen ví dụ: “It nhất phải chơi được thành thạo các tác phẩm như piano Sonate của Beethoven chẳng hạn”. Dĩ nhiên không thể mang nguyên điều này về áp dụng trong tuyển sinh đầu vào ở nước ta; vì ở châu Âu- cái nôi của âm nhạc bác học, người ta sống và lớn lên trong âm nhạc, gắn bó với âm nhạc như một lẽ tự nhiên.

Ở Việt Nam, nếu có thể tuyển những học sinh đã học qua trung cấp âm nhạc hoặc có trình độ tương đương để đào tạo kỹ sư- đạo diễn âm thanh thì rất thuận lợi; miễn là họ đảm bảo khả năng tiếp thu được kiến thức khoa học-kỹ thuật.

Đạo diễn âm thanh và kỹ sư âm thanh có gì khác nhau? Ông giải thích, họ  học cùng một lớp, một trường, nhưng khi vào làm việc thì có thể phân công chức năng khác nhau. Để chuẩn bị cho điều đó, vào chặng cuối của quá trình đào tạo 5 năm rưỡi, mỗi sinh viên sẽ tự chọn (bắt buộc) học thêm một số môn đặc thù, ví dụ đạo diễn âm thanh có thể học thêm về sáng tác, nghiên cứu kỹ về thể loại và trường phái âm nhạc để khi thu thanh đảm bảo được phong cách, sắc thái tác phẩm.  

Trong tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay, có thể có 2 hình thức đào tạo, đó là bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hiện tại và đào tạo chính quy ngay từ đầu một cách bài bản. Hình thức thứ nhất đang được duy trì tại các tổ chức phát thanh-truyền hình. Còn việc mở khóa đào tạo kỹ sư-đạo diễn âm thanh là hết sức tốn kém nếu cứ áp nguyên mô hình và tiêu chuẩn của nước ngòai, nên phải căn cứ tình hình cụ thể để “liệu cơm gắp mắm”.  

Ông còn say sưa nói về cách sử dụng hiệu quả Nhà hát phát thanh của Đài TNVN tại 58 Quán sứ mà ông đã tham gia thiết kế. Mỗi dự án, mỗi bước tiến về khoa học kỹ thuật ở Đài TNVN đều được ông dõi theo và bày tỏ những ý kiến tâm huyết. Song dường như điều ông quan tâm nhất đối với Đài hiện nay vẫn là việc đào tạo kỹ sư-đạo diễn âm thanh, bởi ông cho rằng “làm phát thanh- truyền hình thì phải có âm thanh chuyên nghiệp”!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên