Người dám bước qua lời nguyền

(VOV) - Ông Mai Văn Dàn, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị dám thách thức 

Bãi biển Cửa Việt, Quảng Trị, trời nắng chang chang. Một người đàn ông trung niên đang cầm cây cờ đi lại trên bờ, tập trung quan sát dưới biển. Ông không ngừng ra hiệu, gọi những người tắm biển vào khu vực an toàn. Nhìn dáng người gầy guộc của ông, không ai nghĩ đây là người dám cả gan chống lại “hà bá”, giành lại cuộc sống cho bao người. Lão ngư ấy là Mai Văn Dàn, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị.

Nỗi đau vì “lời nguyền”

Mai Văn Dàn sinh ra và lớn lên trên miền cát trắng trong một gia đình ngư dân có truyền thống đi biển, lẽ dĩ nhiên Dàn cũng trở thành ngư dân. Thời đó, tôm cá  nhiều, chuyến biển nào cũng thu hoạch khá, cuộc sống gia đình cũng không đến nỗi nghèo khó. Thế nhưng, theo tiếng gọi của quê hương, gác lại nghề biển, Mai Văn Dàn tham gia quân ngũ bảo vệ Tổ quốc. Chàng thanh niên miền biển ấy đã từng cầm chắc tay súng bảo vệ Thủ đô, rồi với tinh thần trai trẻ, anh tình nguyện lên biên giới ở Vĩ Xuyên - Hà Tuyên để tiếp tục nhiệm vụ cao cả ấy.

Đau buồn ập tới khi hay tin bố và chú ruột của mình ở quê nhà đã bị chết đuối. Dàn không thể tin nổi vì sao cả bố và chú đều là những người đi biển kỳ cựu, lại bị chết đuối được. Nỗi đau bỗng chuyển sang tức giận khi anh nghe kể lại về cái chết của hai người thân yêu. Thì ra thuyền của họ gặp cơn cuồng phong. Đáng lẽ họ có thể thoát chết nếu các thuyền ở rất gần đó cứu đỡ. Nhưng tiếc rằng chỉ vì một “lời nguyền” của dân miền biển là “nếu cứu người đã được thủy thần bắt thì phải thế mạng” mà tất cả những người gần đó đều giương mắt lên nhìn hai con người nhỏ bé vật lộn với gió to, nước xiết. Trong tiếng khóc nghẹn ngào, lão ngư Dần thề sẽ bám biển và cứu người, bất chấp lời nguyền và thách thức với “hà bá”.

Thách thức với “hà bá”

Lão ngư ấy đã làm đúng như vậy! Hễ thấy ai chấp chới sắp chết đuối thì dù mưa to bão lớn cỡ nào, lão cũng nhảy xuống cứu. Lão cứu người bất kể họ là ai và làm nghề gì. Năm này qua năm khác, những người được lão cứu không thể nào kể hết. Chỉ biết rằng, mỗi dịp lễ, Tết thì số người đến tạ ơn lão nhiều lắm! Chính lão cũng không nhớ hết những người mình đã cứu.

Người lão nhớ nhất là một du khách nữ miền Bắc về tắm biển Cửa Việt. Tắm được một lúc thì chị bắt đầu chới với. Từ trên bờ, lão ngư chạy ra bơi thẳng về phía nạn nhân rồi đưa lên bờ cấp cứu. Nhờ có lão, người phụ nữ đó đã thoát chết. Một lần khác lão cứu một cô gái ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Sóng khá to mà cô gái vẫn ra tắm biển. Bị sảy chân, cô bị sóng dữ cuốn đi. Khi nghe thấy tiếng kêu cứu, lão bơi rất nhanh ra giữa dòng bất kể sóng to và dìu cô gái vào bờ. Nhờ có lão ngư ra tay, cô gái đã hồi phục sau một tuần nằm viện.

Ông Dàn và gia đình

Trong cái nghiệp cứu người ấy, lão ngư cũng gặp không ít tại nạn dở khóc dở cười. Có lần khi đang bắt cá, lão đã cứu một cô gái bị cuốn trôi. Ai ngờ sau khi được cứu lên thuyền, cô gái thiết tha xin đi theo thuyền để được chứng kiến việc  làm của lão trên biển. Cực chẳng đã, lão ngư đã cho cô đi theo. Một lúc sau, lão tá hỏa khi một chiếc thuyền chở một gã thanh niên tay lăm lăm con dao tới đòi “xử” lão. Thì ra anh này mải mê “nhậu” trên bờ, rồi nghe nói người yêu bị một lão ngư bắt lên thuyền chở ra biển nên đã dí dao khống chế chủ thuyền, bắt chở ra biển tìm lão ngư Dàn. Vợ chồng lão bị một phen khiếp vía!

“Cứu người ở biển khó hơn ở sông, hồ. Ở biển sóng to gió lớn. Hơn nữa người đuối nước khi bấu víu vào cái gì là họ níu rất chặt. Cứu đuối ở biển phải rất thông thuộc luồng lạch, ngoài ra còn phải có kinh nghiệm quan sát con nước và ước lượng dòng chảy để lao ra đón đầu vớt nạn nhân” – lão ngư Dàn đúc kết. Kinh nghiệm từ nhiều lần cứu người đã giúp lão ngày càng hoàn thiện kỹ năng cứu người của mình.

Ngoài cứu người đuối nước, lão ngư còn lặn vớt thi thể những nạn nhân xấu số. Ai nhờ tìm xác nạn nhân chết đuối, lão cũng lặn tìm giúp. Nhiều trường hợp lặn tìm hoài không thấy, nhưng lão ngư Dàn “ra tay” thì chỉ cần lặn xuống một lúc là tìm thấy thi thể nạn nhân. Lão vớt xác nhiệt tình đến nỗi vợ lão cũng phải sợ, đêm không dám ngủ cùng lão. Nhưng dần dần, tấm lòng làm việc thiện của lão lại khiến bà xã của lão rất tự hào, và bà còn động viên, khích lệ lão cố gắng giúp người.

Cứu nhiều người như vậy nhưng lão không bao giờ lấy tiền của ai. Những người được lão cứu khi trở lại thăm lão biếu quà, tiền lão cũng không lấy. Lão hạnh phúc với nhiệm vụ cứu người và số tiền hỗ trợ 800 ngàn mỗi tháng của Đội cứu sinh thuộc Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt. Từ khi gia nhập Đội, lão càng hăng hái. Khi thì lão túc trực hướng dẫn tàu thuyền không vào khu vực bãi tắm, nhắc nhở du khách và người dân tắm biển không chủ quan vượt ra khỏi khu vực an toàn, khi thì lão lại lặn tìm xác người chết đuối. Lão là vậy, danh lợi chẳng màng, điều lão quan tâm và lo lắng chính là sinh mạng con người và vì thế lão sống, làm việc và say mê với công việc của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông “Tiến sĩ” ngư dân
Ông “Tiến sĩ” ngư dân

(VOV) - Khi gặp thời tiết xấu, tính mạng của cả chục ngư dân trên thuyền chỉ trông chờ vào tài quan sát biển của người thuyền trưởng.

Ông “Tiến sĩ” ngư dân

Ông “Tiến sĩ” ngư dân

(VOV) - Khi gặp thời tiết xấu, tính mạng của cả chục ngư dân trên thuyền chỉ trông chờ vào tài quan sát biển của người thuyền trưởng.

Tàu lớn vươn khơi xa
Tàu lớn vươn khơi xa

(VOV) - “Người ta có tiền thì mê ô tô xịn, tui- dân đi biển thì mê tàu thôi”.

Tàu lớn vươn khơi xa

Tàu lớn vươn khơi xa

(VOV) - “Người ta có tiền thì mê ô tô xịn, tui- dân đi biển thì mê tàu thôi”.

Cuộc thi viết về ngư dân
Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi nhằm phát hiện, biểu dương cá nhân nhân tố điển hình tiên tiến trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển

Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi viết về ngư dân

Cuộc thi nhằm phát hiện, biểu dương cá nhân nhân tố điển hình tiên tiến trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển