Người Pháp gốc Việt hướng về quê hương với “Xin chào Việt Nam”
VOV.VN - Ngày 24/4, Hội “Phong trào của những công dân Pháp gốc Việt” (MCFV) tại Pháp tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật có tựa đề “Xin chào Việt Nam”.
Buổi biểu diễn kéo dài 6 giờ đồng hồ với phần trình diễn đa dạng của các nghệ sỹ người Pháp gốc Việt như ca hát, kể chuyện, sáng tác nhạc, biểu diễn các nhạc cụ… và sau đó là phần giao lưu, trao đổi của các nghệ sỹ với khán giả, mà nội dung chính là làm sao kết nối để cộng đồng người Việt tại Pháp phát triển mạnh và có vai trò, vị thế tại địa bàn.
Bên ngoài phòng biểu diễn, còn diễn ra trưng bày những tác phẩm nghệ thuật, hoặc sáng tác của một số nhà văn, họa sỹ, nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt. Điểm đáng chú ý là đây đều là những tài năng mang trong mình một phần dòng máu Việt và ít nhiều có danh tiếng tại Pháp nhưng chưa có nhiều cơ hội kết nối với quê nhà.
Giáo sư Vũ Ngọc Cẩn.
Sáng kiến của hội “Phong trào của những công dân Pháp gốc Việt” (MCFV) tổ chức buổi biểu diễn này cũng vì mục tiêu cao nhất là kết nối các tài năng gốc Việt tại Pháp.
Chủ tịch hội, Giáo sư Vũ Ngọc Cẩn cho biết: “Phong trào MCFV thành lập năm 2014 là một hội mới, nhưng chúng tôi thấy cộng đồng người Việt bên này đông, đa dạng, có nhiều nhân tài nhưng lại ít có dịp quen biết nhau. Vì thế, chúng tôi đặt mục tiêu liên lạc và đề cao tất cả những tài năng Việt. Buổi biểu diễn hôm nay, cùng nhiều cuộc hội thảo, bàn tròn mà chúng tôi tổ chức là với mục đích giao lưu, kết nối nhau ; để những người trẻ bên này có thể gặp gỡ những tài năng người Việt bên này một cách tự nhiên nhất. Đằng sau mọi hoạt động của hội là suy nghĩ của chúng tôi luôn hướng về đất nước; đề cao văn hóa Việt Nam đa dạng (có người Pháp gốc Việt nói được tiếng Việt hoặc không nói được) nhưng luôn nhắc nhở nhau hướng về quê hương, đất nước”.
Trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ người Pháp gốc Việt. |
Cũng theo Giáo sư Vũ Ngọc Cẩn, hội “Phong trào của những công dân người Pháp gốc Việt” (MCFV) đang vận động với các hội đoàn Việt Nam tại Pháp… thành lập một Hội đồng đại diện những người Việt Nam tại Pháp để kết nối mạnh mẽ và hiệu quả hợp cộng đồng người Việt tại đây.
Tham gia buổi biểu diễn, nhiều nghệ sỹ chia sẻ câu chuyện về nguồn gốc Việt Nam của mình; có người có cha mẹ là người Việt; sinh trưởng, học tập và thành công tại Pháp và có nhiều hoạt động kết nối với quê nhà như nghệ sỹ nhạc World music nổi tiếng thế giới Nguyên Lê; hay ca sỹ Hương Thanh – người thường góp mặt trong nhiều buổi biểu diễn nhạc Việt tại Pháp…
Các nghệ sĩ người Pháp gốc Việt bên các tác phẩm trưng bày. |
Nhưng cũng có nhiều nghệ sỹ thuộc thế hệ 2,3 sinh trưởng tại Pháp, không nói được tiếng Việt và ít có kết nối với Việt Nam nay mong muốn trở về với cội nguồn như ca sỹ Marie Ann Trần – người biểu diễn ca khúc mở màn “Xin chào Việt Nam” bày tỏ kế hoạch học lại ngôn ngữ Việt Nam của cha mình. Hay nghệ sỹ kể chuyện Isabelle Genlis cũng thu hút sự chú ý đặc biệt với tài năng kể các câu chuyện của các dân tộc Việt Nam bằng tiếng Pháp.
Chia sẻ với phóng viên VOV thường trú tại Pháp, chị Isabelle Genlis cho biết bà ngoại của chị là người Việt và dù rằng bắt đầu sự nghiệp của một người kể chuyện với những câu chuyện ở châu Phi, song nhiều năm nay, chị tìm được sự gắn bó đặc biệt với kho truyện tuyệt vời của các dân tộc Việt Nam – nơi cội nguồn của chị.
Chị Isabelle Genlis cho biết: “Việt Nam có kho truyện dân gian giàu có và đặc biệt là các sử thi thuộc hàng nhiều nhất thế giới. Tôi bị thu hút đặc biệt bởi nguồn di sản văn học giàu có của các dân tộc Việt Nam dù tôi tiếp cận chỉ thông qua các bản dịch sang tiếng Pháp. Sau đó, tôi nghiên cứu và ngày càng bị thu hút đặc biệt bởi sự giàu có, đa dạng của kho truyện của 54 dân tộc Việt Nam ; bởi sự hóm hỉnh, thông minh, những bài học ẩn chứa trong các câu chuyện dân gian đó. Rồi tôi bị mê hoặc bởi “Kim Vân Kiều truyện” của đại thi hào Nguyễn Du và từ 4 năm nay, tôi tập trung nghiên cứu, dịch và tập kể truyện Kiều bằng tiếng Pháp.
Toàn cảnh buổi biểu diễn nghệ thuật "Xin chào Việt Nam". |
Thực sự, khi tiếp cận kho truyện dân gian của Việt Nam, với tôi bây giờ không chỉ là nghề nghiệp, bởi khi được kể các câu chuyện của dân tộc cội nguồn của mình, thì bạn như tìm thấy mình trong đó, được nói về chính mình; được truyền tải một phần tâm hồn trong cơ thể mình đến với người nghe…”.
Chị Isabelle cũng cho biết hiện chị đang ấp ủ dự án kể chuyện Kiều bằng hai thứ tiếng cùng với một đối tác người Việt – để có thể truyền tải sao tốt nhất đến các khán giả Pháp và Việt. Và chị đang có chương trình kể chuyện Kiều trên khắp nước Pháp, với tựa đề “Kim Vân Kiều và trò đùa của số phận”./.