Người Việt xa quê đón Tết cổ truyền đầm ấm

Dù xa quê nhưng người Việt ở khắp nơi bằng mọi cách tổ chức đón Tết truyền thống theo cách riêng của mình.

Tết truyền thống của người Việt năm nay đánh dấu sự khởi đầu của năm Rồng - biểu tượng của sự may mắn và quyền uy. Năm Nhâm Thìn 2012 là thời điểm đầy ý nghĩa đối với mỗi người Việt sống xa quê hương. Đây cũng là thời điểm cả cộng đồng Việt ở các nước cùng hướng về quê nhà, đón những giờ phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, dành những giây phút đặc biệt bên người thân yêu, nhớ đến tổ tiên, họ hàng, cha mẹ đang sống ở quê cha, đất tổ, thầm ước những điều may mắn, vui vẻ, hạnh phúc và an lành sẽ đến trong năm mới và chờ đón những điều mới với không ít thách thức ở phía trước.

Dù xa quê nhưng người Việt ở khắp nơi bằng mọi cách tổ chức đón Tết truyền thống theo cách riêng của mình.

Ở Moscow chợ và các siêu thị rất nhiều, dễ dàng cho người Việt sắm những món ăn Việt.  (Ảnh: TNO)
** Trước thềm năm mới, người ta thường ôn lại những gì đã đạt được của năm cũ và chúc cho một năm mới tốt lành. Ông Phạm Xuân Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga, đã trả lời rất lạc quan: “Đối với cộng đồng người Việt ở Nga, năm Tân Mão vừa qua tương đối khó khăn. Nhưng chúng tôi đã đoàn kết lực lượng để vượt qua những khó khăn và trở ngại. Bước vào năm con Rồng chúng tôi tràn đầy hy vọng và sẽ làm việc nhiều hơn cho sự thịnh vượng của đất nước chúng tôi và tăng cường quan hệ với nước Nga.”

** Những người Việt xa quê ở Australia cảm thấy ấm lòng khi nhận được Thư chúc Tết của Thủ tướng Julia Gillard - người đứng đầu Chính phủ Australia gửi đến Cộng đồng người Australia gốc Việt nhân dịp Tết Nguyên đán 2012: “Năm Nhâm Thìn (năm con Rồng) đã đến. Tôi xin gửi đến quý vị những lời chúc tốt đẹp nhất và một năm Nhâm Thìn An khang - Thịnh vượng…”.

Thanh, thiếu niên người Việt tham gia Hội chợ Tết 2012 tại Richmond, thành phố Melbourne, Australia. Ảnh: vietinfo.eu
Cùng như mọi năm, năm nay, chính quyền địa phương ở các khu vực có tổ chức Hội chợ Tết của người Việt đã tài trợ và ủng hộ cho ngày hội diễn ra tốt đẹp. Hội chợ Tết là hoạt động đông vui, với những màn đốt pháo và múa lân rộn rã, mang không khí Tết nhất dành cho người Việt sinh sống tại Australia vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hàng năm.

** Đánh giá về ý nghĩa của Tết Nguyên Đán của người Việt, Bộ Trưởng Di Trú và Đa Văn Hóa của Canada Jason Kenney đã ra thông báo: “Đối với cộng đồng người gốc Việt đang sống ở Canada hay trên toàn thế giới, Tết là thời gian của tái sinh và làm mới trở lại mọi thứ. Đó là ngày lễ nổi tiếng nhất, lớn và quan trọng nhất trong văn hòa Việt Nam... Với tư cách là Bộ Trưởng Di Trú, Quốc Tịch và Đa Văn Hóa, tôi xin gửi lời chúc tụng tốt đẹp nhất đến những người đang chào mừng Tết và hy vọng Năm Con Rồng sẽ mang lại sức khỏe, tài lộc và sung mãn cho mọi người”- ông nói.

** Tại Czech, với hứa hẹn thịnh vượng và phát đạt, người Việt tại đây đã chào đón năm Rồng 2012. Chính thức bắt đầu vào lúc 18 giờ ngày 22/1 theo giờ Czech, Tết truyền thống của người Việt xa quê được hàng vạn gia đình tổ chức đầm ấm. 

Ảnh: vietinfo.eu
Trước đó một hôm tại chợ Sapa cũng đã diễn ra một bữa tiệc đón Tết. Ngày lễ lớn nhất này không thể thiếu gà luộc và bánh chưng, những món ăn truyền thống, có thể so sánh với cá chép và salát khoai tây của người Séc trong đêm Giáng sinh. Bánh chưng cùng các món ăn khác đều được đem thắp hương dâng lên tổ tiên trước khi các thành viên cùng ngồi vào bàn.

** Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đã có buổi gặp mặt mừng Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 đầy ý nghĩa. Buổi gặp mặt do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cùng Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp tổ chức với sự hiện diện của các cán bộ đại sứ quán, đại diện dòng họ Lý Hoa Sơn, Lý Tinh Thiên, bà con Việt kiều, du học sinh… đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc hân hoan đón Tết Nhâm Thìn 2012. (Ảnh: TNO)
Đại sứ Trần Trọng Toàn đã biểu dương những cố gắng của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đã tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, hòa nhập với người dân địa phương, tuân thủ luật pháp nước sở tại. Ông cũng mong muốn cộng đồng người Việt Nam có cuộc sống ổn định, phát triển cùng tất cả các cộng đồng dân cư khác trên đất nước Hàn Quốc.

** Với người Việt tại Mỹ, Tết truyền thống là thời gian của gia đình. “Đây là thời điểm rất quan trọng trong văn hóa người Việt. Đây là thời gian chúng tôi chung vui cùng gia đình và bạn bè, nhưng cũng là lúc chúng tôi nhớ đến ông bà tổ tiên” - anh Võ Kiên, một thành viên của Hội người Việt ở Mỹ tại Fayetteville (Bắc Carolina) chia sẻ.

Trước ngày Tết, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã ghi âm thông điệp, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới những người sắp đón mừng Tết Âm lịch - những người ở Mỹ cũng như trên khắp thế giới...

Tại Nam Cali, mặc dủ thời tiết khá lạnh nhưng những người Việt xa xứ vẫn kéo nhau đi lễ chùa, đón giao thừ và hái lộc đầu năm.

Rừng" người đón giao thừa ở chùa Huệ Quang ở quận Cam.  (Ảnh: TNO)
Hầu hết các chùa đều tổ múa lân, đốt pháo và rước lễ tượng Phật đầu năm, phát lộc. Bên cạnh  đó còn có những chương trình ca nhạc tạp kỹ … Hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam còn có những người Mỹ, Mexico. Vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và mới, nhiều gia đình tổ chức họp mặt, thưởng thức những món ăn truyền thống và lì xì cho trẻ em nhưng đồng tiền may mắn.

** Trong không khí nhộn nhịp của những ngày Tết, khi mà nhiều người Việt định cư ở nước ngoài chuẩn bị đón một cái Tết truyền thống thì du học sinh lại có nhiều cách đón Tết khác nhau.

Với những sinh viên có điều kiện, thi xong là đặt vé về quê nhà. Còn có rất nhiều những du học sinh khác đây là thời gian tranh thủ đi làm thêm để chi trả cho việc học hành và hy vọng có một khoản tích lũy để năm sau đủ tiền mua vé về. Một số khác còn bận học hành, thi cử nên không thể về đón Tết cùng gia đình. Tuy buồn vì Tết không được về nhà nhưng dần dần các bạn cũng quen cảm giác này. Và tuy xa nhà nhưng những du học sinh cùng gặp mặt, đón những cái Tết xa quê trên đất khách, chia sẻ tình cảm nên cảm thấy ấm áp và vui hơn.

Đối với nhiều du học sinh ở Mỹ, trên Facebook của mình đã có nhiều thành viên cùng tự tổ chức kế hoạch ăn Tết trên đất Mỹ bằng việc cùng gặp mặt ở thành phố New York và thủ đô Washington để cùng đón Tết cổ truyền và thăm quan phong cảnh của hai thành phố này.

Do nhớ nhà nên bánh chưng là thứ mà nhiều bạn du học sinh ở Canada tìm mua vào đúng dịp tết cổ truyền của dân tộc. Có bạn cố công tìm mua bằng được những món ăn trong ngày tết cổ truyền Việt Nam như củ kiệu, dưa hành.

Không kém cạnh với các bạn du học sinh ở Mỹ, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Goettingen, Đức có riêng một chương trình đó năm mới theo kiểu sinh viên. Đó là cùng góp tiền nấu chè, nấu xôi và một số món ăn Việt cho các bạn sinh viên xa nhà đang sống và học tập tại đây.

Với những bạn trẻ Việt đang sống ở Irkutsk (Nga), Tết cũng là dịp tổ chức nhiều hoạt động trong cộng đồng, cùng tụ họp, chia sẻ nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Chương trình “Xuân SV 2012” diễn ra vào ngày 19/1 (26 tháng chạp) do cộng đồng sinh viên và người Việt Nam đang sinh sống tại thành phố Irkutsk (Nga) tổ chức đã thật sự sưởi ấm những tâm hồn Việt đón Tết nơi xứ người.

Tiết mục văn nghệ “Rạng rỡ Việt Nam” mở đầu chương trình “Xuân SV 2012” - Ảnh: Rose Le
Hội trường khoa Quốc tế, Đại học kỹ thuật tổng hợp quốc gia Irkutsk, nơi diễn ra chương trình được trang trí bằng hoa mai, hoa đào giả; các tiết mục văn nghệ xuân, phóng sự truyền hình về tết ở Việt Nam và sở tại... đã thật sự mang Tết Việt về với xứ tuyết lạnh giá này.

Các du học sinh có dịp giao lưu, chia sẻ cảm xúc đón Tết xa đất nước và cùng quyên góp được 22.850 rúp (tương đương 15 triệu đồng) để làm quà Tết cho các đồng bào còn khó khăn trong nước.

Trên Diễn đàn sinh viên Việt Nam tại Saint Petersburg, Nga, một số thành viên của diễn đàn post lên phóng sự đặc biệt “Việt Nam quê hương tôi” (DVD), DVD hoa và bánh ngày Tết, nhạc xuân tuyển chọn cho ngày Tết để chia sẻ không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Hòa cùng không khí đón Tết với du học sinh Việt Nam trên toàn thế giới, Hội sinh viên Việt Nam tại Bordeaux (UEVBx), Pháp đã cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa. Điều đặc biệt, những chiếc bánh chưng thành phẩm đầy đủ này được gói nên bởi hầu hết các chàng trai tài năng của UEVBx.

Truyền thống gói bánh chưng và đón Tết Việt vẫn được giữ gìn từ nhiều năm nay ở một ngôi làng cách Việt Nam 15.000 km đường chim bay (các du học sinh tại Pháp vẫn hay gọi là Làng Nho), truyền thống gói bánh chưng và đón tết Việt vẫn được giữ gìn từ nhiều năm nay.

Đây thực sự là một cơ hội đặc biệt đối với các bạn sinh viên Việt Nam xa nhà, là thời gian cùng nhau bù đắp nỗi nhớ gia đình và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn dịp cuối năm, đồng thời cũng là cơ hội để các bạn sinh viên tìm lại những bản sắc vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên