Nhà trẻ song ngữ Đức – Việt tại Berlin
VOV.VN - Tại Berlin có nhà trẻ song ngữ Đức – Việt đầu tiên và là duy nhất cho tới nay, mang tên “Bên gốc cây hạt dẻ cổ”.
Nhà trẻ mang tên này vì nằm trong một ngôi nhà gạch cổ thuộc diện bảo tồn, ngoài sân có một cây hạt dẻ cổ thụ trên 100 năm tuổi, cành lá xum xuê phủ gần kín sân trường. Nhà trẻ “Bên gốc cây hạt dẻ cổ” nằm ở quận Lichtenberg, nơi có một cộng đồng lớn người Việt sinh sống nên thường được mệnh danh là “thủ đô của người Việt ở Đức”.
Trẻ em vui đùa tại nhà trẻ "Bên gốc cây hạt dẻ cổ".
Nhà trẻ “Bên gốc cây hạt dẻ cổ” hiện nay có 48 trẻ em người Đức và 48 trẻ em người Việt do bà Sylvia Krautwald làm hiệu trưởng. Số học sinh được chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm có hai cô giáo Đức và một cô bảo mẫu người Việt. Các cô bảo mẫu người Việt vốn làm công việc khác, nay làm bảo mẫu và đồng thời đi học thêm để trở thành các cô nuôi dạy trẻ được nhà nước công nhận.
Cô Sylvia Krautwald cho biết, nhiều cha mẹ người Việt muốn con mình nói được tiếng Việt và được học những bài ca, điệu múa truyền thống. Thế hệ Việt Nam hiện nay đã hội nhập rất tốt, nên ở nhà chúng cũng nói nhiều tiếng Đức, vì vậy họ muốn cho con họ học ở nhà trẻ song ngữ Đức – Việt.
Nhiều bậc cha mẹ người Đức thì đăng ký cho con mình vào đây, vì chỉ muốn có được chỗ trong nhà trẻ và cô Sylvia Krautwald lại phải giải thích cho họ hiểu cách thức hoạt động của nhà trẻ này một cách đơn giản: “Chúng tôi muốn các con học hai ngôn ngữ và làm quen với một nền văn hóa mới”. Người ta đã chứng mình được rằng, đứa trẻ nào lớn lên với hai ngôn ngữ, chúng sẽ học được ngôn ngữ thứ ba một cách dễ dàng.
Tại nhà trẻ “Bên gốc cây hạt dẻ cổ”, hai ngôn ngữ được sử dụng đồng thời. Các cô giáo hoặc cô bảo mẫu nói với các con bằng tiếng mẹ đẻ của mình và các con trả lời bằng ngôn ngữ đó. Khi cần thiết, các con có thể chuyển nhanh giữa tiếng Đức và tiếng Việt, dù là trẻ em Đức hay trẻ em Việt, cũng giống như ở tất cả các trường song ngữ khác.
Việc ăn ở nhà trẻ dĩ nhiên cũng là một chủ đề. Người Việt thường thích ăn phở hoặc bún vào buổi sáng. Nhưng ở đây thì không được vì nhà trẻ không tự nấu ăn mà đặt nơi khác mang tới. Việc ăn các món ăn Việt Nam chỉ được thực hiện vào thứ năm, do cấp dưỡng người Việt nấu ăn.
Cô Sylvia Krautwald cho biết, cô rất vui khi thấy một nhóm trẻ em vừa Đức và Việt đứng nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức, khi các trẻ em Đức đi chỗ khác thì số trẻ em Việt vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức.
Đối với các cha mẹ Việt thì đây là một điểm quan trọng, vì họ muốn con mình hội nhập tốt và sau này không gặp khó khăn khi học ở trường. Học sinh Việt Nam nổi tiếng là chăm chỉ và thường có điểm số cao nhất. Trong số các nhóm nhập cư, tỉ lệ học sinh Việt Nam có bằng tốt nghiệp trung học cao nhất và qua đó đáp ứng được sự trông đợi của cha mẹ.
Mặc dù nhiều cha mẹ người Việt hay sốt ruột, muốn con mình nhanh giỏi tiếng Đức, nhưng chỉ những khi vào dịp lễ, khi trẻ em hào hứng hát các bài tiếng Đức, khi đó thì các bậc cha mẹ mới hết sức tự hào vì các con mình đã nói tốt tiếng Đức.
Hiện nay, trường song ngữ Đức – Việt ngày càng đông và nhiều cha mẹ đã đăng ký cho con mình tới nhà trẻ từ rất sớm, khi mới còn bé. Tới nhà trẻ từ khi còn rất bé, các con học cả hai ngôn ngữ một cách dễ dàng. Sau khi rời nhà trẻ, các con ít nhất đã có thể nói chuyện thường ngày bằng cả tiếng Đức và tiếng Việt. Các con được học cả chữ cái tiếng Việt nên đã có thể đếm rất tốt bằng tiếng Việt, đồng thời có thể nói luôn tiếng Đức mà không cần suy nghĩ./.