Những người nối dài cây cầu hữu nghị Việt-Nhật
VOV.VN - “Với tôi, Việt Nam là một phần trong trí nhớ, trái tim và niềm hãnh diện của gia đình."
Bà Hashimoto |
Ý tưởng của ông đến rất tự nhiên. “Một lần vô tình đến Việt Nam, tôi đã bị ánh mắt của một bé gái thôn quê Việt Nam thuyết phục. Khi ấy, tôi ghé nhờ đi vệ sinh tại một gia đình nông dân phía Bắc. Khi ra ngoài, một bé gái đã chờ múc sẵn gáo nước đầy mát lạnh để tôi rửa tay. Ánh mắt cô bé đầy sinh khí và niềm đam mê khát vọng cuộc sống. Về sau, khi được đến và thăm Việt Nam nhiều hơn, tôi càng cảm nhận được điều này ở những người trẻ Việt Nam. Việt Nam là đất nước trẻ, sôi động, thanh niên Việt Nam rất ham học hỏi và có chí tiến thủ, trong mắt họ ánh lên khát vọng vươn lên” – Đó là những lời mà ông Hasimoto thường xuyên nói và kể cho gia đình nghe về Việt Nam. Năm 2001, căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi mạng sống của ông, vợ ông và các con đã tiếp nối công việc của ông đài thọ cho sinh viên Việt Nam đến với thị trấn hiếu khách Fujisawa này và họ luôn cảm thấy tự hào được làm cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Bà Hashimoto cho biết, thông qua hoạt động của Hội hữu nghị Fujisawa, mỗi năm có từ 5-8 sinh viên ưu tú biết tiếng Nhật của trường ĐH ngoại thương TP.HCM được lựa chọn sang giao lưu học tập ngôn ngữ và tìm hiểu văn hóa, tập quán của Nhật Bản trong thời gian từ 10-15 ngày. Được trực tiếp làm những công việc ở nông trại, trải nghiệm cuộc sống, cùng sinh hoạt, làm bếp với các gia đình người Nhật, những sinh viên này có điều kiện thực hành, trau dồi ngôn ngữ, kiến thức, tìm hiểu văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, ẩm thực của nước bạn.
Bà Hashimoto dẫn đoàn VOV đi tham quan trang trại của gia đình |
Trang trại của gia đình Hashimoto là một trong những trang trại lớn nhất vùng. Với 400 hec-ta, một mô hình khép kín chuyên nghiệp hóa được phân bổ rất khoa học, từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, du lịch, nhà hàng…Mọi người đến đây để chiêm ngưỡng các vùng trồng hoa lớn của gia đình với đủ các loại hoa đua nhau khoe sắc như tulip, hoa hồng, lavender, các loại thảo dược, và một màu xanh bạt ngàn của rau xanh; các trang trại heo, cừu, hươu, nai, thỏ, ngựa…kết nối với khu chế biến xúc xích, làm thịt nguội, hệ thống siêu thị, khu ẩm thực với nhiều món ăn hấp dẫn. Khách hàng đến với trang trại của gia đình Hashimoto còn cảm thấy hứng thú với những tà áo dài Việt Nam lấp ló sau quầy lễ tân.
Ngọc Lan trở lại thị trấn Fujisawa sau 6 năm |
“Lần đầu tiên tới Nhật Bản, em được người dân ở đây đón tiếp như người thân trong gia đình. Em sống với gia đình ông bà Minakawa cùng 2 người con và 2 người cháu. Tất cả với em đều lạ lẫm, nhưng được bà Minakawa hướng dẫn tận tình, cụ thể nên em làm quen rất nhanh. Chỉ 1 tuần sống trong gia đình này nhưng sẽ mãi là kỷ niệm đáng nhớ đối với em.” Đã 6 năm qua đi, giờ đây cô sinh viên Ngọc Lan ngày nào đã là nhân viên của một tập đoàn Nhật Bản ở Việt Nam.
Dịp này, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội hữu nghị giao lưu quốc tế Fujiwasa, cô mới có dịp quay trở lại. Ngọc Lan được gia đình Minakawa đón tiếp như người thân ở xa về. Cả hai ông bà đều nhớ mãi hình ảnh cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, dễ thương, đầy nghị lực và ham học hỏi. “Tôi thường nấu món cơm hạt dẻ cho Lan ăn vì cô ấy rất thích món này” – bà Minakawa xúc động nhớ lại. Bữa chia tay Ngọc Lan, bà Minakawa cứ nắm mãi bàn tay nhỏ nhắn của cô và mong muốn cô sẽ có dịp trở lại.
Bà Minakawa kể lại quãng thời gian Ngọc Lan ở nhà bà |
Với Ngọc Lan, thời gian ngắn ngủi những ngày sống ở thị trấn nhỏ bé Fujisawa là hành trang để cô có thêm vốn ngôn ngữ, văn hóa và tự tin hơn trong công việc và cuộc sống sau này.
Các gia đình homestay như gia đình bà Minakawa đều cảm động và có ấn tượng rất tốt đẹp về những sinh viên Việt Nam sang học tập và giao lưu tại đây. Ông Misturu Hatakeyama, 60 tuổi, đã từng đón 4 sinh viên Việt Nam đến sống tại gia đình. “Với tôi, Việt Nam là một phần trong trí nhớ, trái tim và niềm hãnh diện của gia đình. Mỗi khi có sinh viên Việt Nam về sống cùng, gia đình lại tràn ngập tiếng cười”.
Hạn chế về ngôn ngữ những lúc thiếu phiên dịch khiến câu chuyện bị thiếu trước, hụt sau song ánh mắt ai cũng ngời ngời hạnh phúc. “Những con người nhỏ bé ấy thật dũng cảm và quật cường, họ chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh và giành lại độc lập. Họ có ý chí phi thường. Tôi nhìn thấy điều này trong ánh mắt những người trẻ tuổi Việt Nam”- ông Misturu khâm phục.
Ông Misturu Hatakeyama |
Hội hữu nghị giao lưu quốc tế Fujiwasa được thành lập 30 năm nay, tập trung giao lưu văn hóa, ngôn ngữ với Australia và Việt Nam. Chương trình hợp tác với Việt Nam được duy trì 18 năm nay do gia đình Hashimoto đài thọ. “Hội hữu nghị giao lưu quốc tế là niềm tự hào của thành phố. Thông qua chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng gắn bó hơn. Đến nay đã có 95 sinh viên Việt Nam sang đây, họ để lại ấn tượng rất tốt đẹp về một Việt Nam trong mắt người dân thị trấn Fujisawa và thành phố Ichinoseki”- thị trưởng Ichinoseki Katsube Osamu bày tỏ.
Thị trưởng Katsube Osamu (đội nón) và bà Hashimoto cùng các sinh viên Việt Nam ở Homestay tại TP Ichinoseki |
Ông Takahashi, Phó chủ tịch Hội hữu nghị giao lưu quốc tế Fujisawa cho biết: “Hiện nay, Hội đã có văn phòng tại TP.HCM do chính sinh viên Việt Nam những khóa đầu tiên làm cầu nối. Chỉ với 20 thành viên ban đàu, bây giờ Hội đã có 200 người tham gia. Ichinoseki là thành phố già, với độ tuổi bình quân 60, trong khi đó Việt Nam là dân tộc trẻ. Những sinh viên Việt Nam sang đây đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo niềm lạc quan, ý chí vươn lên trong cuộc sống, gắn chặt thêm tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.”
Ông Takahashi hy vọng trong thời gian tới, Hội không chỉ là cầu nối giao lưu văn hóa mà tiến tới hợp tác phát triển kinh tế, mở ra cơ hội trong làm ăn, đầu tư thương mại, du lịch.
Ông Takahashi, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị trả lời phỏng vấn của VOV |
“Bước đầu đã có tín hiệu rất tốt. Những chủ trang trại, doanh nghiệp Nhật Bản đã sang thăm Việt Nam và nhìn thấy cơ hội đầu tư cũng như tìm kiếm lao động chất lượng cao cho các trang trại của họ. Khi còn sống ông Hashimoto cũng đã có ý định gây dựng mô hình trang trại giống ở đây tại Việt Nam.” – anh Trần Trung Dũng, hội trưởng Hội hữu nghị Fujisawa tại TPHCM chia sẻ.
Là sinh viên khóa thứ 2 được lựa chọn sang Nhật Bản cách đây 16 năm, Trung Dũng như có duyên với gia đình Hashimoto và thị trấn Fujisawa. Hết thời gian sống trải nghiệm 2 tuần tại đây, 2 năm sau anh quay trở lại trang trại nhà Hashimoto để học tập và làm việc trong trang trại của gia đình.
Anh Trần Trung Dũng, Hội Trưởng Hội hữu nghị Fujisawa tại TP.HCM |
Ý định mở trang trại tại tỉnh Đồng Nai (Việt Nam) là ấp ủ của ông Hashimoto và Trung Dũng. Tiếc rằng ông mất sớm nên dự định này đành gác lại. Tuy nhiên, Trung Dũng vẫn tiếp nối chương trình làm cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản, và anh trở thành Hội trưởng Hội hữu nghị Fujisawa tại TP.HCM. Từ đây, Fujisawa cũng trở thành quê hương thứ 2 của anh. Mọi người ở đây đã quen với hình ảnh chàng thanh niên Việt Nam nói và hát tiếng Nhật như người bản địa. Họ đã coi anh như công dân danh dự của thị trấn này. Đám cưới của Trung Dũng được tổ chức theo phong tục truyền thống của Nhật Bản tại Fujisawa với sự chứng kiến của những người bạn ở đây mà anh vô cùng yêu quý.
Sự lạnh cóng, rét mướt của vùng miền núi phía đông bắc nơi xứ sở mặt trời mọc với độ cao trung bình 200 mét so với mặt biển được xoa dịu và sưởi ấm bởi tấm lòng của những người nông dân Nhật Bản bình dị và hiếu khách như gia đình Hishimoto, Misturu, Minakawa…