Quê hương là mảnh đất lành để phát triển

Việt Nam chúng ta đang được nhìn nhận là một quốc gia đang có nền kinh tế đi lên. Bởi vậy, về Việt Nam làm việc thời điểm này là nắm bắt đúng cơ hội.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thái Hòa, sinh năm 1969 tại TP HCM. Anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Ryerson, Toronto, Canada (1991-1995); Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Đại học CEIBS, Thượng Hải, Trung Quốc (2005-2007).

Năm 1997, anh bắt đầu làm việc cho Tập đoàn Công nghiệp đa quốc gia Schneider Electric (Pháp) với tư cách là Phó Giám đốc của Schneider Việt Nam.

Năm 2005, anh được Tập đoàn Schneider bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc phát triển chất lượng công nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và năm 2008 là Tổng Giám đốc đảm bảo chất lượng và đáp ứng khách hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương dòng sản phẩm ISC (trụ sở đặt tại Hongkong- Trung Quốc).

Từ đầu năm 2008, anh về Việt Nam, hiện đang “đầu quân” cho Tập đoàn FPT với tư cách là Giám đốc Chiến lược- Phòng Chiến lược Chủ tịch Hội đồng quản trị.

PV: Đang làm quản lý cho một tập đoàn lớn của nước ngoài. Tại sao anh lại trở về Việt Nam làm việc?

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thái Hoà: Tất cả kiều bào đều khao khát được về quê hương cống hiến cho đất nước. Hơn nữa về Việt Nam thời điểm này là đúng thời cơ.

Tôi đã làm việc nhiều nước trên thế giới, từ Canada, Pháp, Australia. Đặc biệt là quãng thời gian 6 năm công tác tại Hongkong, tôi hiểu thêm về kinh tế châu Á và Việt Nam.

Hiện nay, châu Á đang là tâm điểm của thế giới về phát triển kinh tế. Trước đây tất cả trung tâm nghiên cứu và ứng dụng (trung tâm R&D) của thế giới nằm ở châu Âu hay Mỹ, thì hiện giờ đã dịch chuyển châu Á. Trung Quốc đang trải thảm đỏ để đưa R&D về nước này.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thái Hoà- Giám đốc Chiến lược- Phòng Chiến lược Chủ tịch Hội đồng quản trị
Tập đoàn FPT

Còn đối với Việt Nam chúng ta đang được nhìn nhận là một quốc gia đang có nền kinh tế đi lên. Bởi vậy, về Việt Nam làm việc thời điểm này là nắm bắt đúng cơ hội. Và theo tôi những người có tài nên về nước càng sớm càng tốt.

PV: Đối với một chuyên gia làm việc ở nước ngoài nhiều năm, anh có gặp khó khăn gì khi trở về nước?

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thái Hoà: Khó khăn nhất đối với những chuyên gia quốc tế như chúng tôi khi trở về Việt Nam làm việc chính là cơ chế. Cơ chế của chúng ta hiện nay chưa hoàn chỉnh dẫn tới việc chúng tôi khó khăn trong huy động năng lực trong công việc.

Đồng thời chính cơ chế tạo ra rào cản trong việc thu hút nguồn nhân lực cao của kiều bào ta về nước cống hiến. Với nguồn lực của kiều bào hiện nay chúng ta chỉ mới khai thác được những tiềm năng bước đầu của họ, đó là lượng kiều hối hơn 8 tỷ USD. Tuy nhiên theo tôi, giá trị lớn nhất của những người Việt Nam ở nước ngoài ra chính là chất xám, tài năng.

Bởi vậy, để kêu gọi và thu hút nguồn lực ấy về phục vụ cho sự phát triển của đất nước, theo tôi chúng ta cần hoàn thiện cơ chế và phát triển tư duy lấy doanh nghiệp làm chủ thể. Có như vậy chúng ta mới thu nhận được những giá trị cao nhất của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như nâng cao được hiệu quả trong công việc.

Còn đối với tôi, nói là vượt qua những khó khăn hiện thời là hơi chủ quan. Đến thời điểm này, tôi chưa thể nói tất cả là màu hồng. Bởi vậy, tôi mong muốn các kiều bào, nếu muốn cống hiến cho đất nước thì hãy trở về khi tuổi đời còn trẻ để có đủ sức khỏe, thời gian thích ứng. Và cũng chính “thời thế sẽ tạo anh hùng” vì quê hương đang là mảnh đất lành để phát triển.

PV: Nhiều năm công tác ở nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều nền kinh tế phát triển, vậy anh nhìn nhận như thế nào về nền kinh tế của Việt Nam hiện nay?

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thái Hoà: So với nhiều nước, Việt Nam chúng ta có lợi thế là nguồn nhân lực rất trẻ, dồi dào và nền chính trị ổn định. Đấy chính là một trong những cơ sở để chúng ta phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn đang bị hạn chế khi nền kinh tế chủ yếu là làm gia công.

Tôi vẫn nói với các bạn tôi rằng: Có bạn bây giờ rất giàu, các bạn có thể nhập siêu xe Roll Royce. Nhưng chúng ta chạy Roll Royce mà tư duy chúng ta vẫn giữ theo nếp cũ thì vẫn chỉ là làm gia công mà thôi.

Cái chúng ta cần nhất phải là tư duy mới và sáng tạo để tạo ra sản phẩm chất lượng cao của chính mình. Chừng nào hàm lượng R&D Việt Nam trong sản phẩm tăng cao so với trong vùng và quốc tế thì lúc đấy, chúng ta mới vươn lên và thoát khỏi “cái áo làm gia công”.

Tôi vẫn hay nói với các bạn trẻ của Tập đoàn FPT rằng, chúng ta đang làm việc cho một tập đoàn về công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam và đang muốn vươn lên đứng trong những hạng cao của Châu Á. Tuy nhiên đến thời điểm nào đó sẽ chạm ngưỡng và sẽ không vượt được ra khỏi Việt Nam. Cái ngưỡng đó nằm trong hệ thống tư duy. Bởi vậy đối với các bạn trẻ trong tập đoàn mà tôi thường hay gọi đùa là thế hệ G3, G4 hoặc là những thế hệ U40 trở lại phải có suy nghĩ, tư duy khác thì mới đưa Tập đoàn FPT lên tầm châu Á được.

PV: Xin cảm ơn anh!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên